Dệt may Việt Nam là thương nhân hay “người dắt lạc đà”?

08:40 05/11/2017
Tại Hội thảo “Triển vọng xuất khẩu dệt may năm 2018 và tương lai chuỗi giá trị toàn cầu” vừa được Bộ Công Thương tổ chức, nhiều người cho rằng, ngành dệt may Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển, song liệu các doanh nghiệp có tận dụng được cơ hội để phát triển, trở thành chủ con đường tơ lụa hay chỉ mãi là những “người dắt lạc đà”?.

Sản xuất chủ yếu vẫn gia công

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) thông tin, tính đến hết Quý III-2017, ngành dệt may đã đạt gần 23 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, tăng 9,8% so với cùng kỳ. Dự báo trong Quý IV-2017 sẽ đạt 8 tỷ USD, nâng kim ngạch xuất khẩu cả năm của ngành lên 31 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2016. Trong đó các thị trường xuất khẩu chính như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều có mức tăng trưởng tốt. Như vậy, có thể thấy, dệt may là một trong những ngành có kim ngạch xuất khẩu cao nhất của Việt Nam.

Tuy nhiên, theo ông Trần Thanh Hải, do phương thức sản xuất chủ yếu là gia công cho các đơn hàng nước ngoài nên tỷ lệ giá trị gia tăng không cao. Một trong những điểm yếu hiện nay là chưa phát triển được chuỗi cung ứng dệt may, và đây là nguyên nhân chính làm cho ngành dệt may có giá trị gia tăng thấp so với nhiều nước trên thế giới.

Theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Agtek, việc Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã tác động không tích cực tới ngành. Một số khách hàng có ý định chuyển đơn hàng về Việt Nam có dấu hiệu khựng lại khiến xuất khẩu dệt may năm 2016 rơi vào tình trạng ảm đạm. Tình hình này tiếp tục kéo dài sang hết nửa đầu năm 2017. Tuy nhiên, sang đến nửa cuối năm 2017, các doanh nghiệp trong ngành đã nhanh chóng cải thiện hệ thống sản xuất; tập trung vào một số mặt hàng thế mạnh, đồng thời đáp ứng nhanh nhu cầu thị trường đã khiến tình hình xuất khẩu của ngành được cải thiện đáng kể.

Còn chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng cho rằng, trong suốt hơn một thập kỷ qua, xuất khẩu hàng hóa luôn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam. Trong đó, dệt may là lĩnh vực luôn ghi được dấu ấn đầy ấn tượng. Năm 2016, tuy không đạt mục tiêu đề ra nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 23,8 tỷ USD, tăng 4,5% so với 2015.

Ngành dệt may Việt Nam chủ yếu vẫn là gia công cho các thương hiệu nổi tiếng thế giới.

Lo đơn giá sẽ bị ép xuống

Chia sẻ về triển vọng của ngành dệt may năm 2018, ông Phạm Xuân Hồng cho hay, dự báo năm 2018 sẽ tốt hơn năm 2017, mức tăng trưởng của ngành có thể vẫn duy trì ở 2 con số. Dù tự tin về triển vọng thị trường cho năm tới nhưng ông Hồng vẫn lo lắng, ngành sẽ bị cạnh tranh dữ dội bởi chi phí về bảo hiểm, đất đai, thuế... của các quốc gia mạnh về dệt may như Myanmar, Campuchia, Bangladesh... vẫn thấp hơn so với Việt Nam.

Trong khi đó, năm 2018, phí bảo hiểm xã hội được tính trên tổng thu nhập sẽ khiến chi phí của doanh nghiệp tăng đột biến. Thị trường xuất khẩu cũng chưa thực sự thuận lợi, xu hướng thời trang nhanh khiến yêu cầu về thời gian giao hàng ngày một ngắn lại, từ 30-45 ngày xuống còn 15 ngày cũng tạo áp lực lớn cho nhà sản xuất.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty May Hưng Yên băn khoăn: “Năm 2018, nói về lượng hàng sẽ không thiếu nhưng đơn giá các mặt hàng sẽ bị ép xuống. Đây là tình hình chung ở tất cả các thị trường và là điều đáng lo cho doanh nghiệp”.

Trước những khó khăn, các chuyên gia khuyến cáo: Cùng với việc tìm kiếm các đơn hàng gia công theo kiểu truyền thống, doanh nghiệp cần sớm chuyển sang hình thức mua nguyên liệu bán thành phẩm theo những mức độ khác nhau. Có như thế mới hy vọng tham gia vào khâu cao hơn trong chuỗi sản xuất. Bên cạnh các thị trường truyền thống, cần tập trung phát triển các thị trường trong khối ASEAN, Liên minh Á-Âu, Ấn Độ… trong đó đặc biệt coi trọng, tạo dựng mối liên kết với hệ thống phân phối ở thị trường sở tại.

Bên cạnh đó, Nhà nước ban hành các chính sách phù hợp, nhằm thu hút đầu tư nước ngoài cũng như đầu tư trong nước vào khâu sản xuất sợi, dệt, nhuộm…; nghiên cứu và thu hút mọi nguồn lực để phát triển các nhà máy dệt thông minh, trong đó tích hợp kết nối Internet, công nghệ điện toán đám mây, in 3D…

Ông Trần Thanh Hải bày tỏ, liệu dệt may Việt Nam sẽ ở đâu, có vai trò gì trong Con đường tơ lụa? Và Dệt may Việt Nam sẽ là thương nhân – người dẫn dắt và làm chủ con đường tơ lụa hay chỉ là “người dắt lạc đà” – một nhân tố tạo ra rất ít giá trị trên Con đường tơ lụa ấy? Điều đó phụ thuộc rất nhiều vào sự nỗ lực của các doanh nghiệp dệt may hiện nay.

Diệp Linh

Theo một số nguồn tin quân sự, kể từ tuần trước, các lực lượng Nga đã tăng gấp đôi cường độ tấn công của họ trên một số mặt trận, trong bối cảnh ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ và thời gian tới có khả năng sẽ diễn ra các cuộc đàm phán hòa bình. Đặc biệt, việc Nga nối lại các hoạt động quân sự ở Zaporizhzhia từ đầu tháng 10 cho thấy khả năng Moscow sẽ mở đợt tấn công lớn nhằm vào khu vực này.

Đại úy Lê Thị Hồng Lụa là cô giáo ở Trường Giáo dưỡng số 2, Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, Bộ Công an. Ngoài truyền đạt kiến thức văn hóa cho học sinh, Đại úy Lê Thị Hồng Lụa còn uốn nắn, dạy dỗ, giáo dục những học sinh từ lầm lì, khép kín, ngỗ nghịch đi vào nền nếp, kỷ cương, trở thành người lương thiện để khi hết thời hạn, các em về với gia đình, trở thành người có ích cho xã hội. Nhiều năm miệt mài làm người “chở đò”, với biết bao tâm huyết, công sức, những kỷ niệm về sự hướng thiện của các em học sinh ở ngôi trường “đặc biệt” vẫn luôn là động lực để Đại úy Lê Thị Hồng Lụa thêm say mê, yêu quý nghề. 

Ông Ngô Văn Tuấn, Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) mới đây đã có báo cáo về kế hoạch kiểm toán năm 2025 gửi tới Quốc hội. Theo đó, tổng số nhiệm vụ kiểm toán năm 2025 là 116 nhiệm vụ (giảm 5 nhiệm vụ so với năm 2024). 

Liên tiếp trong thời gian gần đây, lực lượng Công an xã tại Hà Tĩnh đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn nhiều vụ việc lừa đảo qua mạng, trong đó phổ biến vẫn là chiêu thức mạo danh người có công quyền đề nghị chuyển tiền qua tài khoản.

Trong 11 tháng đầu năm 2024, số ca chết não hiến tạng ở Việt Nam tăng gấp đôi năm 2023. Kể từ ca hiến tạng từ người cho chết não đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam vào năm 2008, đây là năm đạt kỷ lục cao nhất về số người chết não hiến tạng.

Chiều 15/11, Công an huyện Thăng Bình (Quảng Nam) cho biết, đã chuyển hồ sơ cùng 2 đối tượng Hồ Xuân Tâm (SN 1998) và Bùi Vinh Quang (SN 1993, cùng trú xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình) đến Phòng ANĐT Công an tỉnh Quảng Nam để tiếp tục điều tra, làm rõ về hành vi tàng trữ tiền giả.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文