Doanh nghiệp phải trả giá khi gian lận xuất xứ hàng hóa

09:41 27/06/2019
Mấy ngày qua, dư luận “dậy sóng” bởi Công ty Cổ phần tập đoàn Asanzo được bình chọn Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) đứng trước nghi vấn gian lận xuất xứ hàng hóa bằng cách dán nhãn lên hàng nước ngoài thành hàng Việt Nam.

Từ vụ việc này, không những cảnh báo về những thiệt hại khi doanh nghiệp (DN) cố tình gian lận về xuất xứ hàng hóa tại thị trường nội địa, mà kể cả các thị trường xuất khẩu cũng sẽ quay lưng với hàng Việt, nếu phát hiện có sự đánh tráo xuất xứ hàng hóa...

Ngay sau khi Asanzo bị tố là hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt Nam để lừa NTD trong nước, Hội DNHVNCLC đã tước quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận HVNCLC đối với DN này, đồng thời đứng ra xin lỗi người tiêu dùng (NTD). Còn các hệ thống phân phối (siêu thị, trung tâm điện máy...) thì ngưng bán sản phẩm của Asanzo để chờ kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan Công an, thuế, hải quan, quản lý thị trường... cũng đã vào cuộc để làm rõ vụ việc. Thực ra, đây không phải là vụ việc đầu tiên, mà trước đó tại thị trường trong nước cũng đã xảy ra nhiều trường hợp hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt Nam để lừa NTD như lụa Khải Siêu, khoai lang Trung Quốc “đội lốt” Đà Lạt...

Từ những vụ việc trên cho thấy, đây là hệ quả của việc buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng, điều này không chỉ gây thiệt hại đến các DN làm ăn chân chính, mà còn làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của các DN ngoại khi vào làm ăn tại thị trường Việt Nam. Điển hình, sản phẩm bugi của Công ty NGK SPARK PLUS bị làm giả bán tại thị trường Việt Nam.

Ông Trần Thanh Kha, Trưởng phòng cấp cao Công ty NGK SPARK PLUS Việt Nam cho rằng, công ty ở Nhật Bản, đầu tư vào thị trường Việt Nam năm 2015. Tại Việt Nam, sản phẩm của công ty chiếm 70% thị phần, nhưng có đến 20% là hàng giả. Trong đó, hơn 90% hàng giả được sản xuất và nhập khẩu từ Trung Quốc. Chính vì vậy, để các DN nước ngoài yên tâm đầu tư tại Việt Nam, họ rất cần các chính sách để bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ.

Sản phẩm Asanzo “đội lốt” hàng Việt đã bị tháo dỡ trên kệ của siêu thị điện máy.

Với thị trường xuất khẩu, LS Châu Việt Bắc, Phó Tổng thư ký trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết, thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong năm 2018 VCCI đã nhận được hơn 100 thư khiếu nại từ các hải quan nước ngoài yêu cầu thẩm tra lại 287 bộ chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) được phát hành bởi VCCI. Các mặt hàng bị khiếu nại phổ biến gồm: tôm, xe, đinh vít, lốp xe, quần áo, gạch men, găng tay, da giày, thực phẩm...

Nguyên nhân khiếu nại chủ yếu 2 dạng: Thứ nhất là C/O giả và thứ hai là do nghi ngờ về hàng hóa chưa đủ tiêu chuẩn xuất xứ Việt Nam. Đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc đang hết sức căng thẳng do Mỹ đánh thuế cao hàng Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ, dẫn đến nguy cơ nhiều loại hàng hóa của Trung Quốc sẽ chuyển sang Việt Nam, công đơn giản, sau đó gắn xuất xứ Việt Nam để xuất sang Mỹ. Hiện, có nhiều ngành hàng của Việt Nam đã và đang lọt vào “tầm ngắm” của các nước trên thế giới do lo ngại về vấn đề xuất xứ hàng hóa.

Theo phân tích của LS Nguyễn Thị Phương Thảo, Văn phòng Luật sư IDVN thì, gần đây Mỹ tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại, trong đó có biện pháp điều tra chống lẩn tránh thuế đối với hàng hóa Việt Nam. Như mặt hàng ván ép của Trung Quốc có khả năng bị điều tra nên các nhà sản xuất Trung Quốc đã chuyển toàn bộ ván ép sang Việt Nam, sau đó chỉ thực hiện khâu đơn giản là mở ra, đóng gói lại, rồi dán nhãn tại Việt Nam để xuất sang Mỹ.

Tương tự, một số mặt hàng thép xuất xứ Trung Quốc cũng “đội lốt” hàng Việt Nam với thủ đoạn tương tự để xuất khẩu và bị thị trường Mỹ để ý. Những hành vi như trên bị coi là lẩn tránh thuế theo pháp luật Mỹ. Nếu kết quả điều tra phát hiện DN Việt Nam có hành vi lẩn tránh thuế thì toàn bộ mức thuế áp dụng tại quốc gia đang chịu thuế sẽ bị “áp” 100% cho DN Việt Nam. Như ván ép gỗ của Trung Quốc mức thuế 300%, thì cũng sẽ áp cho DN Việt Nam mức thuế 300% khi xuất sang Mỹ nếu DN có hành vi lẩn tránh thuế.

Ngoài ra, DN còn bị kiểm tra bất ngờ bởi hải quan và Bộ Thương mại Mỹ. Ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch Hội Da giày TP Hồ Chí Minh cũng thông tin, hiện có nhiều khách hàng trước đây nhập hàng Trung Quốc đã chuyển sang tìm kiếm nguồn cung tại Việt Nam, nhưng đáng tiếc là không có nhiều DN da giày Việt Nam tận dụng được cơ hội này do năng lực sản xuất còn hạn chế.

Trong khi đó, hàng hóa Trung Quốc bị đánh thuế cao tại Mỹ, đơn hàng lại chuyển sang Việt Nam thì khả năng chuyển tải hàng Trung Quốc vào Việt Nam là rất lớn. Chỉ cần một DN Việt Nam có gian lận xuất xứ hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ, thì cả ngành da giày của Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ bị áp thuế trừng phạt.

Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2019, nguồn vốn từ Trung Quốc “chảy” vào Việt Nam tăng nhanh đạt 2 tỷ USD, trong đó có tới 85% vốn đăng ký vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Điều này có nghĩa trong thời gian tới, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam có thể sẽ gia tăng và nếu không thận trọng thì nguy cơ bị gian lận xuất xứ để xuất khẩu sẽ không tránh khỏi.

Để ngăn chặn tình trạng hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt, Tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó Chủ tịch VIAC cho rằng, trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc đang hết sức căng thẳng do việc đánh thuế của Mỹ lên hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc nên xu hướng DN Trung Quốc chuyển hướng sản xuất tại các thị trường khác, trong đó có Việt Nam. Khi đó, DN Việt Nam sẽ chịu sự cạnh tranh trực tiếp từ các DN Trung Quốc, không chỉ ở thị trường xuất khẩu, mà ngay tại thị trường nội địa.

Thêm vào đó, do Trung Quốc là thị trường nhập khẩu nguyên liệu truyền thống của Việt Nam nên nhiều khả năng DN Trung Quốc sẽ tìm cách đưa hàng vào Việt Nam nhằm đánh tráo nguồn gốc xuất xứ rồi xuất khẩu qua Mỹ. Chính vì vậy, vấn đề hiện nay là phải cảnh báo đến các DN Việt Nam về sự nguy hiểm nếu tiếp tay cho hoạt động chuyển tải hàng hóa của Trung Quốc. Hành vi này có thể gây thiệt hại nặng nề về sau cho cả ngành hàng và nền kinh tế Việt Nam.

Thúy Hà

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 2 thi thể trên sông.

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 2414/TB-TTCP thông báo kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2021 tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Ngày 23/11, Công an thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá thông tin, đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Vũ Minh Dương (SN 2006), trú tại xã Hoạt Giang, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá để điều tra tội “Chống người thi hành công vụ”.

Ngày 23/11, Viện KSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết đã phê chuẩn Quyết định khởi tố vụ án “Điều khiền phương tiện hàng hải vi phạm quy định về hàng hải của Nước CHXHCN Việt Nam” của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để tiến hành điều tra theo quy định pháp luật. Đồng thời, các cơ chức năng, đại lý hàng hải được chủ tàu ủy quyền, công ty bảo hiểm cũng đang phối hợp chặt chẽ trong công tác tìm kiếm, cứu hộ, bảo đảm môi trường và khắc phục hậu quả vụ tai nạn.

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文