Doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn khó “chen chân” đưa hàng vào siêu thị
- Nhiều trở ngại khi doanh nghiệp đưa hàng vào siêu thị
- Vì sao doanh nghiệp Việt khó đưa hàng vào siêu thị?
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết, với các DN, cơ sở sản xuất trong ngành lương thực thực phẩm chủ yếu là DN vừa và nhỏ (DNVVN), nên rất hạn chế về quy mô, vốn và công nghệ. Do đó, các DN gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận kênh phân phối thị trường bán lẻ.
“Nhiều DN trong nước gần như không thể chào sản phẩm mới cho siêu thị do mức chiết khấu khá cao (15-25%). Để đảm bảo lợi nhuận, DN buộc phải đẩy giá thành cao hơn so với bên ngoài 15-30%. Trong khi đó, rất nhiều mặt hàng của Thái Lan đang được quảng bá, bày bán khắp các chợ truyền thống, hệ thống siêu thị, khiến DN trong nước điêu đứng bởi giá cả hàng Thái thường rẻ hơn và chất lượng, mẫu mã thiết kế cũng được người tiêu dùng (NTD) đánh giá cao hơn hàng nội một bậc. Trong xu thế hội nhập, các DN sẽ càng gặp khó khăn hơn khi cạnh tranh với các DN nước ngoài trên chính thị trường trong nước”, bà Chi băn khoăn.
Tại buổi hướng dẫn phát triển bán hàng tại hệ thống siêu thị dành cho DNVVN do Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức mới đây, nhiều DN cho rằng rất sợ khi đưa hàng vào siêu thị, kể cả siêu thị Co.opmart. Họ sợ chi phí cao, tiền “lobby” cao, công nợ cao, phải đi “cửa sau”, phải thông qua “cò”...
Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ kêu khó đưa hàng vào siêu thị dù rất muốn. |
Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Nhân, Tổng giám đốc Saigon Co.op (SGC) cho biết, hiện SGC đang kinh doanh 350.000 mã hàng, mỗi tháng có 1.700 mặt hàng mới vào siêu thị.
“Nếu DN nói khó vào siêu thị thì làm sao có số lượng hàng mới vào như vậy được. Tôi nghĩ quy trình đưa hàng vào siêu thị ở các hệ thống khác cũng vậy, mục đích để tìm ra sản phẩm chất lượng tốt nhất, đảm bảo kinh doanh tốt nhất tại hệ thống mình”, ông Nhân nói và cho biết thêm khi nhà cung cấp đến SGC chào hàng, phải qua 3 bộ phận: Phòng giao dịch, Phòng kinh doanh, Phòng kế hoạch tổng hợp, để phân tích, đánh giá sản phẩm và đưa ra quyết định. Với 3 bộ phận làm việc như vậy nên không có chuyện “chung chi” cho ai được. Còn với trường hợp nhà cung cấp phản ánh muốn đưa hàng vào siêu thị phải thông qua “cò”, ông Nhân khẳng định, không có chuyện đó.
“Nếu nhà cung cấp nào gặp được “cò” thì báo trực tiếp cho SGC. Trong hồ sơ chào hàng, SGC yêu cầu phải có giấy giới thiệu của đơn vị đó cũng nhằm để tránh vấn đề trên. Với vấn đề công nợ, chủ trương của SGC là hạch toán minh bạch, rõ ràng. Đặc biệt với nhà cung cấp hàng nông sản thì càng hỗ trợ hơn”, ông Nhân chia sẻ.
Đại diện Phòng kinh doanh của một siêu thị chia sẻ kinh nghiệm, khi DN đặt hàng lên kệ siêu thị là chính thức tham gia vào thương trường, cạnh tranh một cách sòng phẳng. Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy, hầu hết khi xây dựng chính sách giá, DNVVN chỉ đưa giá rẻ để nhanh thành công, nhưng DN quên rằng ngoài giá, NTD mong chờ các chương trình khuyến mãi.
Nhiều khi, siêu thị cũng muốn hỗ trợ DN đưa hàng đến NTD qua cách là thực hiện chương trình khuyến mãi, nhưng DN cho biết là đã hết ngân sách. Trong khi đó, các thương hiệu lớn rất mạnh trong chuyện này. DN cũng cần biết, nên đầu tư ở những thời điểm nào là thuận lợi, chẳng hạn như thời điểm nào trong năm siêu thị có khuyến mãi lớn. Nếu DN không đủ kinh phí thì nên phân bổ để markeing hiệu quả nhất. DN cũng lưu ý, thường là 1- 6 tháng, nếu sản phẩm không bán chạy như kỳ vọng thì siêu thị sẽ xem xét lại.
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, việc hỗ trợ sản phẩm trong nước để vào hệ thống phân phối cũng đang là nhiệm vụ của Bộ Công thương. Hiện, cả nước có hơn 1.000 siêu thị, hơn 5.000 cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, cửa hàng chuyên dụng... Tại hệ thống siêu thị, tỷ lệ hàng Việt đạt 80-90% (riêng hệ thống SGC có tới 95%). Tỷ trọng hàng sản xuất trong nước tại một số hệ thống của DN phân phối có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã chuyển biến lên 80% như Lotte Mart, Aeon.. Dự kiến đến 2020, cả nước sẽ có 1.200 siêu thị và tốc độ các cửa hàng tiện lợi tăng nhanh, đó cũng là cơ hội cho hàng Việt.
Tuy nhiên, mặc dù cơ hội đã mở nhưng nhiều DN, sản xuất trong nước vẫn chưa tận dụng cơ hội để đưa hàng vào hệ thống phân phối. Bà Lê Thị Mai Linh, Phó chủ tịch điều hành quan hệ đối ngoại và truyền thông tập đoàn Central Group Việt Nam (siêu thị Big C) dẫn chứng không riêng Big C, sản phẩm khi có mặt trong hệ thống phân phối hiện đại thì là bằng chứng cho thấy sản phẩm đó phải đảm bảo chất lượng về an toàn thực phẩm (ATTP), có thương hiệu và hiệu ứng trên thị trường. Nhưng thực tế, khi siêu thị mua nông sản từ nông dân, họ vẫn còn vướng mắc chưa rành hết những giấy tờ để đảm bảo ATTP, đó chỉ là cái cơ bản thôi chưa kể những giấy tờ khác.
Bà Phạm Thị Thanh Tuyền, Giám đốc giao dịch nhà cung cấp của SGC chia sẻ: “Các DN hay than phiền là nói đưa hàng vào hệ thống phân phối quá khó. Vậy phải biết cái khó xuất phát từ đâu, cần làm rõ”. Ví dụ, khi DN đưa hàng vào hệ thống phân phối của SGC thì cần quan tâm 6 điều. Đầu tiên phải làm tốt mảng nghiên cứu thị trường bởi hầu như DN chưa đặt ra vấn đề này, thường rơi vào DN nhỏ lẻ.
Nếu DN đi chào mà sản phẩm đó thị trường bão hòa rồi thì SGC không nhận. Tiếp đến là tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng. Bởi thực tế, nhiều DN xây dựng tiêu chuẩn để đối phó, nên “quên” đối chiếu giữa sản phẩm mà mình sản xuất và các tiêu chuẩn chính DN công bố. Thứ 3, bao bì nhãn mác phải đủ sức cạnh tranh. Thứ 4, các chính sách truyền thông khuyến mãi, hậu mãi, DN cần chuẩn bị cụ thể. Thứ 5, phải chính chủ DN đi chào hàng.
“Bản thân tôi ngồi bộ phận thường xuyên giao dịch, tiếp nhận mỗi ngày hơn 100 nhà cung cấp với mấy trăm sản phẩm. Nhưng không ít đơn vị cử người đi chào mà họ không hề biết gì về sản phẩm. Với những trường hợp như thế, chúng tôi phải gọi điện thoại lại giám đốc DN để hỏi kỹ thông tin về sản phẩm”, bà Tuyền chia sẻ. Và điều cuối cùng, khi đưa sản phẩm ra thị trường, DN cần test với NTD vì họ chính là người quyết định mua sản phẩm của DN.