Doanh nghiệp xăng dầu “lợi khủng” nhờ chênh lệch thuế

13:20 01/02/2018
Nhờ khoản chênh lệch về thuế nhập khẩu xăng dầu, 10 thương nhân đầu mối được kiểm toán đã hưởng lợi hơn 3.375 tỷ đồng trong năm 2015 và 1.433 tỷ đồng trong năm 2016.

Mới đây, Kiểm toán Nhà nước đã công bố báo cáo kiểm toán chuyên đề về xăng dầu, trong đó có nhắc đến khoản lợi mà các doanh nghiệp xăng dầu hưởng được từ mức chênh lệch này. Nhờ khoản chênh lệch về thuế nhập khẩu, 10 thương nhân đầu mối được kiểm toán đã hưởng lợi hơn 3.375 tỷ đồng trong năm 2015 và 1.433 tỷ đồng trong năm 2016.

Kiểm toán Nhà nước cho biết, đối với thuế nhập khẩu, năm 2015 và 5 kỳ điều hành đầu tiên năm 2016 (từ ngày 1-1-2015 đến 4-3-2016), liên Bộ Công Thương - Tài chính áp dụng thuế MFN trong điều hành là không phù hợp với thực tế phát sinh tại các đầu mối nhập khẩu, dẫn tới giá cơ sở tăng lên, tạo nên một khoản thặng dư lớn cho các đơn vị đầu mối. 

Theo tính toán, nhờ chênh lệch này, 10 thương nhân đầu mối được kiểm toán đã hưởng lợi hơn 3.375 tỷ đồng.  Vì thế, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã phải thay đổi cách tính thuế nhập khẩu xăng dầu. 

Cụ thể, từ kỳ điều hành 21-3-2016, việc tính toán giá cơ sở tại tổ liên ngành đối với chỉ tiêu thuế nhập khẩu được tính theo tỷ lệ thuế suất thuế nhập khẩu bình quân giữa thuế suất ưu đãi đặc biệt và thuế suất ưu đãi thông thường (MFN).Tỷ lệ thuế nhập khẩu này được Bộ Tài chính tính toán và hướng dẫn áp dụng theo từng Quý. 

Tuy nhiên, việc áp dụng tỷ lệ thuế này chỉ mang tính giải quyết tình thế, không giải quyết tận gốc vấn đề, vì vẫn phát sinh chênh lệch về thuế nhập khẩu giữa xây dựng và thực tế (do tồn tại hai chính sách ưu đãi về thuế nhập khẩu). 

Theo tính toán tại 10 thương nhân đầu mối được kiểm toán thì tổng chênh lệch thuế nhập khẩu phát sinh giữa xây dựng và thực tế của 19 kỳ điều hành năm 2016 (từ kỳ điều hành  ngày 21-1-2016) là 1.433 tỷ đồng.

Thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu cần được sửa đổi để tránh thất thu ngân sách.

Kiểm toán Nhà nước còn phát hiện số thuế bảo vệ môi trường các đơn vị phải nộp tăng thêm là hơn 170 tỷ đồng. Lý do là kê khai thuế bảo vệ môi trường chưa phù hợp về thời điểm tính thuế và mức thuế áp dụng trong giai đoạn Nhà nước điều chỉnh tăng mức thuế. 

Giai đoạn 1-1-2015 đến 30-4-2016, các đơn vị đầu mối nộp thuế bảo vệ môi trường với mức 1.000 đồng/lít xăng khoáng; 500 đồng/lít dầu diezel; 300 đồng/lít dầu mazut,... Nhưng thực tế là từ 1-5-2015, mức thuế bảo vệ môi trường đã tăng lên thành 3.000 đồng/lít với xăng; 1.500 đồng/lít với dầu diezel; 900 đồng với dầu mazut. 

Song, các đơn vị đầu mối được kiểm toán lại còn tình trạng thực hiện kê khai thuế bảo vệ môi trường theo thời điểm phát hành hóa đơn và áp dụng mức thuế cũ (trước 1-5-2015), nhưng hàng lại được giao, chuyển quyền sở hữu, rủi ro sau khi mức thuế mới có hiệu lực thi hành (1-5-2015). 

Điều này là chưa đảm bảo phù hợp về thời điểm tính thuế và mức thuế áp dụng. Qua kiểm toán xác định lại thời điểm tính thuế đối với những lô hàng này là từ ngày 1-5-2015 và mức thuế áp dụng được thực hiện theo Nghị quyết 888a/UBTVQH13, dẫn đến điều chỉnh tăng số thuế bảo vệ môi trường phải nộp qua kiểm toán là hơn 142 tỷ đồng. 

Do đó, Kiểm toán Nhà nước đề nghị các đơn vị tổ chức kiểm điểm, xem xét xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan đến sai sót, tồn tại trong việc kê khai thuế bảo vệ môi trường chưa phù hợp về thời điểm tính thuế và mức thuế áp dụng trong giai đoạn Nhà nước điều chỉnh tăng mức thuế, phải nộp bổ sung qua kiểm toán là hơn 142 tỷ đồng.

Liên quan đến vấn đề trích, chi quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG), Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ rõ bất cập. Cụ thể, khi giá cơ sở tăng so với kỳ trước, việc điều hành giá vẫn thực hiện trích quỹ và vừa chi quỹ BOG. Như vậy, với cách điều hành giá theo quy định hiện hành sẽ làm cho giá xăng dầu vẫn tăng sau khi thực hiện điều hành giá và thực tế nhiều doanh nghiệp đầu mối vẫn còn tồn quỹ BOG với giá trị lớn sau khi điều chỉnh tăng giá. 

Để khắc phục tình trạng này, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị chỉ trích quỹ khi giá giảm để giá vẫn ổn định (bình ổn giá) và tạo nguồn cho quỹ; khi giá tăng thì không trích  (để không làm tăng giá-để đạt mục đích bình ổn giá) và sẽ dùng quỹ bình ổn để bù đắp, nếu thiếu quỹ thì khi đó mới tăng giá. 

Tuy nhiên, cũng cần phải cân đối với mức chi sử dụng quỹ, không nên ở mức quá cao, thời gian chi không nên kéo dài, vì điều này sẽ dẫn đến giá bán trong nước thoát ly giá thế giới, nhanh cạn quỹ và khi đó sẽ buộc phải tăng giá. Thực tế phần lớn thời gian trong năm 2015, 2016, giá bán các mặt hàng xăng dầu đều nằm trong trạng thái Nhà nước áp dụng biện pháp bình ổn giá.

Doanh nghiệp xăng dầu hưởng lợi, người dân có bị thiệt?

Một trong những bất cập khác nữa được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra, đó là liên Bộ Tài chính – Công Thương đã “bỏ sót”, không công bố giá cơ sở của xăng RON 95 tại 47 kỳ điều hành. Cụ thể, tại các văn bản điều hành giá của liên Bộ Tài chính – Công Thương giai đoạn 2015 – 2016 đã công bố đầy đủ giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như xăng RON 92, dầu diesel 0,05S. 

Tuy nhiên, một số mặt hàng khác chưa được công bố giá cơ sở như dầu diesel 0,25S tại 23 kỳ điều hành giá năm 2015; xăng RON 95 tại 47 kỳ điều hành giá năm 2015, 2016. Trước thực tế trên, cơ quan Kiểm toán kiến nghị Bộ Tài chính cần nghiên cứu, áp dụng thống nhất một mức thuế nhập khẩu xăng dầu phù hợp, có thể ở mức 0%, để thuận lợi trong quản lý, điều hành giá và hạn chế tối đa trốn lậu thuế. Thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu cũng được kiến nghị sửa đổi để phù hợp tính toán giá cơ sở, đảm bảo nghĩa vụ thuế và tránh thất thu ngân sách.

10 đầu mối chọn mẫu kiểm toán gồm: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Công ty TNHH Hải Linh, Công ty Thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ, Tổng công ty Dầu Việt Nam, Công ty Xây dựng và Dịch vụ hàng hải STS, Công ty TNHH Vận tải thuỷ bộ Hải Hà, Công ty cổ phần Hoá dầu Quân đội, Tổng công ty Xăng dầu Quân đội, Công ty cổ phần Thương mại đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu, Công ty TNHH MTV TMDK Đồng Tháp.
Phạm Huyền

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai ngày 21/11 cho biết vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo môi giới hôn nhân với người nước ngoài… Đây chỉ là một trong những vụ án được Công an tỉnh Lào Cai điều tra, phát hiện trong thời gian qua. Theo Công an tỉnh Lào Cai, từ khi Chính phủ áp dụng chính sách cấp visa điện tử (Evisa) cho người nước ngoài, số người Trung Quốc dùng thị thực Evisa nhập cảnh Việt Nam tăng lên. Một số đã khai mục đích du lịch hoặc làm việc để sang Việt Nam tìm vợ… Từ các vụ án được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文