EVFTA mở ra thị trường rộng lớn cho doanh nghiệp Việt

10:22 16/02/2020
Ngày 12-2, Nghị viện Châu Âu (EP) bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA).


Đây thực sự là một tin vui đối với kinh tế Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp và những lo ngại về sự giảm tốc của nền kinh tế trong năm 2020. PV Báo CAND có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh xung quanh vấn đề này.

Cơ hội tiếp cận thị trường hơn 500 triệu dân

PV: Thưa Bộ trưởng, khi Nghị viện Châu Âu bỏ phiếu phê chuẩn và chính thức thông qua thì EVFTA có thể đưa ngay vào thực hiện. Ông có thể chia sẻ về những tác động tích cực của hiệp định này tới kinh tế Việt Nam và EU?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: EVFTA mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam thâm nhập vào thị trường đầy tiềm năng với 508 triệu dân và tổng sản phẩm nội địa (GDP) khoảng 18.000 tỷ USD. EU là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam, với kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) năm 2018 đạt 55,8 tỷ USD. 

Là một FTA thế hệ mới với phạm vi cam kết rộng và toàn diện, những tác động tích cực mà Hiệp định EVFTA mang lại cho nền kinh tế Việt Nam cũng trải dài trên nhiều lĩnh vực. Trong ngắn hạn, Hiệp định sẽ tác động đến nền kinh tế chủ yếu về mặt lượng; trong dài hạn, chất lượng tăng trưởng sẽ được cải thiện.

Về xuất khẩu (XK), mặc dù hiện tại EU là một trong những thị trường XK lớn nhất của Việt Nam, thị phần hàng hóa của Việt Nam tại khu vực này vẫn còn rất khiêm tốn, bởi năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam (đặc biệt là năng lực cạnh tranh về giá) còn hạn chế. 

Vì vậy, cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong Hiệp định EVFTA chắc chắn sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh về giá của hàng hóa Việt Nam khi nhập khẩu vào thị trường quan trọng này, giúp thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam - EU, giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng XK của Việt Nam. 

Với cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế và giá trị thương mại mà hai bên đã thống nhất, cơ hội gia tăng XK cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản (kể cả gạo, đường, mật ong, rau củ quả), đồ gỗ, v.v. là rất đáng kể.

Về nhập khẩu, các DN Việt Nam cũng sẽ được lợi từ nguồn hàng hóa, nguyên liệu nhập khẩu với chất lượng tốt và ổn định với mức giá hợp lý hơn từ EU. Đặc biệt, các DN sẽ có cơ hội được tiếp cận với nguồn máy móc, thiết bị, công nghệ/kỹ thuật cao từ các nước EU, qua đó để nâng cao năng suất và cải thiện chất lượng sản phẩm của mình. Đồng thời, hàng hóa, dịch vụ từ EU nhập khẩu vào Việt Nam sẽ tạo ra một sức ép cạnh tranh để DN Việt Nam nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh của mình.

Hiệp định EVFTA cũng sẽ tạo điều kiện để hình thành những chuỗi giá trị mới của Việt Nam với một đối tác quan trọng trên thế giới. Môi trường đầu tư mở hơn và thuận lợi hơn, triển vọng xuất khẩu hấp dẫn hơn sẽ thu hút đầu tư FDI từ EU vào Việt Nam nhiều hơn.

PV: EVFTA là hiệp định toàn diện, chất lượng cao và sẽ mang lại lợi ích kinh tế rõ rệt cho cả Việt Nam và EU. Tuy nhiên, khi hiệp định đi vào thực thi đòi hỏi Việt Nam cũng phải đổi mới, cải cách để phù hợp với các điều khoản cam kết. Theo Bộ trưởng, để tận dụng được cơ hội này thì Việt Nam cần phải làm gì?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Trong bối cảnh hoạt động XNK sang một số thị trường chủ lực đang gặp nhiều khó khăn do các diễn biến phức tạp của dịch bệnh, chủ nghĩa bảo hộ, EVFTA được phê chuẩn sẽ mở ra cơ hội lớn cho các DN Việt Nam, là cú hích rất lớn đối với XK của Việt Nam và giúp tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. 

Tác động này càng được cộng hưởng khi hiện nay, mới chỉ hơn 42% kim ngạch XK của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0% theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Ngoài ra, Chương trình GSP dự kiến cũng không thể kéo dài do nhiều ngành hàng của Việt Nam được EU coi là đã vượt trình độ cạnh tranh so với các nước được nhận ưu đãi khác.

Tuy nhiên, việc tham gia các FTA thế hệ mới như Hiệp định EVFTA có nghĩa là Việt Nam bước vào sân chơi lớn, chấp nhận đương đầu với các khó khăn, thách thức mới để cạnh tranh với các nước lớn.

Để chuẩn bị cho một giai đoạn mới trong tiến trình hội nhập, ngày 5-11-2016, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Nghị quyết đã được triển khai toàn diện nhằm có thể đón đầu các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Để thích ứng được với bối cảnh này, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp như:

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật theo yêu cầu của hội nhập quốc tế và các cam kết trong các FTA thế hệ mới một cách toàn diện, đồng bộ cả về kinh tế, chính trị. Nhanh chóng rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện khung khổ pháp lý cho phù hợp với điều kiện áp dụng hiện hành, đặc biệt chú trọng đến các nội dung phi truyền thống như mua sắm chính phủ, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường... 

Triển khai hoạt động cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) theo hướng đơn giản hóa, hiện đại hóa; đẩy mạnh việc cấp C/O qua Internet. Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh với thể chế ổn định, minh bạch; đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, tận dụng cơ hội chuyển giao công nghệ.

Tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của từng ngành hàng, phát huy vai trò của các hiệp hội ngành hàng, khuyến khích DN liên kết theo chuỗi sản xuất, tăng cường chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm. Giải pháp này cần sự nỗ lực đồng bộ từ cả Nhà nước lẫn doanh nghiệp bằng kế hoạch dài hạn, bài bản. 

Cần có cơ chế cảnh báo sớm để DN có thể chủ động phòng tránh các vụ kiện phòng vệ thương mại; Các chính sách xúc tiến thương mại theo từng thị trường, trong cả trung và dài hạn. 

Để chuẩn bị cho quá trình thực thi Hiệp định EVFTA, vào tháng 11 năm 2019 vừa qua, Quốc hội Việt Nam đã chính thức thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi và sẽ đưa vào thực thi kể từ đầu năm 2021. Các nội dung quan trọng nhất của cả 8 Công ước cơ bản ILO đều đã được phản ánh trong các quy định của Bộ luật này. 

Trên cơ sở đó, ngoài việc tạo ra các lợi ích kinh tế, chúng ta cũng xây dựng các thiết chế để sao cho lợi ích sẽ được chia sẻ một cách công bằng nhất cho người lao động. 

Chúng ta cũng đã sửa đổi nhiều quy định pháp luật và xây dựng các chương trình hành động của Bộ, ngành và địa phương khi tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đây là cơ sở rất tốt để tiếp tục rút kinh nghiệm và tăng cường hơn nữa hiệu quả khi thực thi Hiệp định EVFTA.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.

Chính phủ và doanh nghiệp sẵn sàng để “vươn khơi”

PV: EVFTA được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam thúc đẩy cải cách thể chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, năng lực cạnh tranh… Khi mà thời gian thực thi cũng rất gần, theo nhận định của ông, Việt Nam đã và đang thực hiện những cam kết ra sao? Tiến độ thực hiện các cam kết này như thế nào? Ở góc độ Bộ Công Thương, Bộ đã triển khai những gì?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Hiệp định EVFTA đã được ký kết sau 7 năm chính thức đàm phán. Trong bối cảnh thương mại toàn cầu đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, việc ký FTA giữa Việt Nam và EU cho thấy nỗ lực của Việt Nam trong việc hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu. 

Là một FTA thế hệ mới, Hiệp định được kỳ vọng là cú hích lớn cho XK của Việt Nam, cũng như đem đến xung lực mới cho cả nền kinh tế. Là cơ quan đầu mối trong việc thực thi các FTA, Bộ Công Thương đã có những bước chuẩn bị nhất định nhằm tận dụng được các ưu thế mà Hiệp định EVFTA mang lại.

Bộ Công Thương đã dự thảo các nội dung chính của Kế hoạch hành động để chuẩn bị cho việc thực thi Hiệp định EVFTA. Trong đó, các nhiệm vụ chủ yếu bao gồm 5 nhóm chính: Công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định EVFTA và thị trường của các nước EU; công tác xây dựng pháp luật, thể chế; nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực; chủ trương và chính sách đối với tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động tại cơ sở DN; và chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Nhằm phổ biến Hiệp định EVFTA tới đông đảo quần chúng nhân dân, đặc biệt là đối tượng DN và cán bộ quản lý nhà nước ở Trung ương cũng như địa phương, Bộ Công Thương thiết lập trang điện tử chuyên sâu về Hiệp định EVFTA tại địa chỉ evfta.moit.gov.vn, để cung cấp thông tin, giải thích cam kết cũng như kết nối với người dân và DN về EVFTA. 

Ngoài ra, công tác nghiên cứu thị trường cũng đang được đẩy mạnh nhằm hỗ trợ DN có tâm thế sẵn sàng để có thể tận dụng ngay các ưu đãi về thuế quan khi Hiệp định được chính thức đưa vào thực thi.

PV: Để tận dụng được cơ hội từ EVFTA, DN Việt cần phải làm gì? DN Việt Nam cần phải khắc phục những điểm yếu nào để có thể tận dụng được tốt nhất mà Hiệp định EVFTA mang lại, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Với Hiệp định EVFTA, gần 100% kim ngạch XK của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu khi xuất sang EU ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực hoặc sau một lộ trình ngắn. 

Đây có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong số các Hiệp định FTA đã được ký kết cho tới nay. Các ngành dự kiến sẽ được hưởng lợi nhiều từ Hiệp định này đều là những ngành Việt Nam vốn có lợi thế cạnh tranh cao như giày, dép, mũ, hàng dệt may và nông thủy sản.

Các DN cần nhận thức rõ những thách thức mà Hiệp định EVFTA sẽ mang lại như sức ép cạnh tranh là vấn đề đầu tiên đối với nền kinh tế và các DN Việt Nam. Thị trường EU là một trong những thị trường có đòi hỏi cao nhất trên thế giới. 

Việc bước qua được các rào cản thuế quan không có nghĩa là hàng hóa và dịch vụ của ta sẽ được thị trường EU chấp nhận. EU có nhiều quy định không chỉ liên quan đến tiêu chuẩn sản phẩm mà cả đối với quy trình sản xuất ra sản phẩm đó (ví dụ không được dùng hải sản được đánh bắt bất hợp pháp hay không được dùng gỗ khai thác từ rừng tự nhiên mà chưa được phép). 

Hay các đòi hỏi về lao động, môi trường của EU cũng thuộc hàng cao nhất thế giới. Chính vì vậy, các hiệp hội và DN của ta phải không ngừng vươn lên thì mới có thể vượt qua được các thách thức, khai thác được các cơ hội do Hiệp định EVFTA đem lại.

Do đó, để khai thác được tối đa lợi ích mà hiệp định này mang lại, điều kiện cần là các DN của chúng ta, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ, cần chủ động nghiên cứu thông tin để có sự chuẩn bị tích cực. Việc chuẩn bị nên được tiến hành toàn diện từ nghiên cứu các cam kết của Hiệp định, các cơ hội, thách thức của thị trường EU đến các giải pháp như nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, phát huy lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu suất, v.v. 

Cần lưu ý là để tận dụng được ưu đãi từ Hiệp định, DN cần đảm bảo sản phẩm của mình đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ, về tiêu chuẩn kỹ thuật và về vệ sinh an toàn động thực vật của EU. Nhiệm vụ này có sự phối hợp giữa cơ quan nhà nước và DN, trong đó nhà nước đóng vai trò tạo lập cơ chế, sân chơi bình đẳng, minh bạch thông tin, hỗ trợ DN, còn DN đóng vai trò then chốt và chủ động trong việc cải thiện công nghệ/kỹ thuật, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường EU.

Ngoài ra, các DN cần lưu ý rằng vượt qua những rào cản về thuế quan không có nghĩa là hàng hóa và dịch vụ của ta sẽ được chấp nhận bởi một thị trường đòi hỏi cao nhất thế giới như thị trường EU. 

Là nền kinh tế có trình độ phát triển thấp so với các nước trong khu vực đã ký FTA với EU, ta sẽ có không ít thách thức phải đối mặt để hàng hóa, dịch vụ của ta có thể đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của thị trường này. 

Tuy nhiên, cần nhìn nhận những thách thức này là con đường mà sớm hay muộn cũng phải đi qua để đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành công, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng và hiệu quả của tăng trưởng kinh tế. Đây chính là điều kiện đủ để ta có thể tận dụng hiệu quả các cam kết từ Hiệp định này nói chung và trong lĩnh vực mở cửa thị trường hàng hóa nói riêng.

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Lưu Hiệp

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động 100% lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145 Trần Quang Khải quận 1, TP Hồ Chí Minh) là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và là bảo tàng duy nhất tại Việt Nam về lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng nằm trong di tích, địa điểm trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Văn Lai.

Sáng 30/4, Công an huyện Quế Sơn (Quảng Nam) cho biết, lực lượng chức năng vừa dập tắt vụ cháy lớn xảy ra tại Cửa hàng điện tử - điện lạnh Ninh Trang (thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn). Vụ cháy không gây thiệt hại về người, song đã thiêu rụi nhiều tài sản có giá trị trong cửa hàng.

Mới đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ra một tuyên bố cho biết, Kiev đặt nhiều kỳ vọng vào Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình cho Ukraine, được lên kế hoạch tổ chức vào tháng 6 tới tại Thụy Sĩ.

Cả nước ghi nhận 207 ca mắc sởi, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2023. Nếu như 4 tháng đầu năm ngoái, Hà Nội không ghi nhận ca ho gà nào thì năm nay số mắc tăng 8 lần. Theo nhận định của chuyên gia dịch tễ, thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận một số ca mắc mới, các ổ dịch nhất là tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp sẽ có nguy cơ tăng cao.

Nhà đầu tư cho rằng do địa phương chưa được Thủ tướng phê duyệt dự án này vào trong danh mục dự án ưu tiên đầu tư thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; trong khi chính quyền thì báo cáo do nhà đầu tư chưa hoàn thành thủ tục bổ sung mục tiêu hoạt động kinh doanh đặt cược đua chó. Do vậy, từ năm 2016 đến nay, trường đua chó trị giá 300 tỷ vẫn phơi sương cùng tuế nguyệt.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文