Giá thịt lợn dịp Tết Nguyên đán sẽ không tăng đột biến
Thông tin về tình hình nguồn cung nông sản thực phẩm chất lượng an toàn phục vụ Tết Tân Sửu 2021 vào chiều 14/1, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến cho biết, năm 2020 sản lượng thịt các loại đạt khoảng 5,37 triệu tấn, tăng 3,5% so với năm 2019, sữa tươi đạt trên 1,1 triệu tấn, tăng 12,9% so với cùng kỳ, trứng 14,15 tỷ quả, tăng 6,6%.
Dự kiến, từ nay đến hết Tết Nguyên đán 2021, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, nhất là thịt, trứng sẽ tăng lên từ 5-10% so với bình quân. Nhu cầu thịt các loại khoảng 250.000-350.000 tấn/tháng, khoảng 1-1,1 tỷ quả trứng gia cầm…Tuy nhiên, với việc duy trì ổn định đàn gia súc, gia cầm, tình hình tái đàn lợn đạt kết quả tốt và tình hình dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ, về cơ bản thị trường sẽ ổn định, cân đối cung cầu đảm bảo không bị thiếu hụt thực phẩm.
Bộ NN&PTNT khẳng định, nguồn cung thịt lợn dịp Tết Nguyên đán không thiếu và không đột biến về giá. |
Về thủy sản, tổng sản lượng đạt khoảng 8,4 triệu tấn, tăng 1,9% so với năm 2019. Trong đó, khai thác ước đạt khoảng 3,84 triệu tấn, tăng 3,2%, nuôi trồng 4,56 triệu tấn, tăng 3,9%. Như vậy, hoàn toàn đáp ứng được tiêu dùng trong nước, kể cả dịp Tết Tân Sửu và lễ hội xuân 2021.
Thông tin thêm về việc này, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT cho hay, đến thời điểm này, tổng đàn lợn cả nước có 27,3 triệu con, đạt 88% so với trước khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi, tăng 22% so với tháng 1 năm 2020. Trong năm 2020, tốc độ tái đàn lợn rất mạnh, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn. Tổng đàn lợn thịt của 16 doanh nghiệp chăn nuôi lớn hiện có 5,5 triệu con, tăng 175% so với hồi đầu năm. Ngoài ra, nhiều tỉnh, thành chăn nuôi lớn cũng có tốc độ tái đàn mạnh như Bình Phước tăng 188%…
Liên quan đến giá thịt lợn trong nước đang có xu hướng tăng cao, ông Trọng cho rằng, giá lợn như hiện nay là hài hòa giữa sản xuất - lưu thông và tiêu dùng. Thời điểm hiện nay là giai đoạn nhu cầu tiêu dùng thịt lợn tăng cao nhất trong năm nên đã khiến giá thịt lợn có xu hướng tăng chứ không phải do nguồn cung khan hiếm. “Chắc chắn giá thịt lợn dịp Tết này không tăng đột biến như Tết Canh Tý 2020 vì hiện tại chúng ta có thể chủ động được thực phẩm cho dịp cuối năm”, ông Trọng nhấn mạnh.
Theo phân tích của lãnh đạo Cục Chăn nuôi, nhu cầu thực phẩm dịp cuối năm dự báo tăng 10-15% và với mức tăng này không làm đẩy giá thịt lợn lên. Tuy vậy, ông Trọng cũng lo ngại về tình trạng thẩm thấu lợn qua biên giới vào Trung Quốc, và nếu không kiểm soát được tình trạng này thì cũng khó có thể đảm bảo giá thực phẩm trong nước.
“Hiện vẫn có tình trạng thẩm lậu lợn qua biên giới, có hiện tượng nhập lợn từ Thái Lan về rồi trà trộn cả lợn Việt Nam vào để xuất khẩu đi Trung Quốc. Hiện, nhu cầu thịt lợn của Trung Quốc đang rất cao, trong khi giá gấp đôi thị trường Việt Nam. Do vậy, các đối tượng thương lái tìm đủ mọi cách để có thể đưa lợn qua biên giới vào Trung Quốc thu lời lớn”- ông Trọng lo ngại.
Về thời điểm đóng cửa việc nhập khẩu thịt lợn sống với Thái Lan để đảm bảo cho người chăn nuôi trong nước, ông Phùng Đức Tiến cho hay, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp cùng các Bộ, ngành liên quan đánh giá về nhu cầu tiêu dùng trong nước, tốc độ tái lợn và khả năng cung ứng trong nước rồi mới xem xét đóng cửa vào thời điểm nào. “Lợn sống nhập khẩu từ Thái Lan vào Việt Nam ngoài việc phải đáp ứng tất cả các quy định của OIE thì phải tuân thủ theo Luật Thú y, việc kiểm tra đánh giá rất nghiêm ngặt và sát sao”, ông Tiến nhấn mạnh.
Theo đó, khi lợn nuôi ở Thái Lan phải đảm bảo tiêm vaccine phòng bệnh, có giám sát lưu hành và các tiêu chí về chăn nuôi an toàn. Khi lợn nhập về đến cửa khẩu biên giới Việt Nam phải nuôi cách ly tối đa 5 ngày, nếu không có biểu hiện gì mới đưa vào giết mổ. “Đến nay, tất cả các trường hợp nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan về Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào có biểu hiện lây lan bệnh tật cho gia súc trong nước”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết.