Hàng hoá giả xuất xứ gây nguy hại cho doanh nghiệp làm ăn chân chính
- Phát hiện 7 xe ô tô xuất xứ Trung Quốc có bản đồ “đường lưỡi bò”
- Ngăn chặn 1,8 triệu tấn nhôm “đội lốt” xuất xứ Việt Nam đi Mỹ
Với tình trạng này, doanh nghiệp làm ăn chân chính của Việt Nam sẽ có nguy cơ chịu sự kiểm soát chặt chẽ khi xuất vào Mỹ. Ngoài ra, các quốc gia khác, thị trường cũng cảnh giác với hàng hóa Việt Nam.
Hàng Trung Quốc “mượn đường” sang Mỹ
Ông Claudio Dordi, Giám đốc Dự án tạo thuận lợi thương mại (USAID - Hoa Kỳ) cho biết, khi Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá đối với một số hàng xuất khẩu từ Trung Quốc, kim ngạch nhập khẩu hàng từ Trung Quốc giảm nhưng lại tăng từ quốc gia thứ 3, trong đó có Việt Nam như kim ngạch của một số mặt hàng nhựa, dụng cụ quang học...
Lo ngại về việc hàng hóa nước ngoài gian lận xuất xứ của Việt Nam, ông Claudio Dordi cho hay, thời gian qua, những sản phẩm xuất từ Việt Nam sang châu Âu đã bị phát hiện được chuyển tải từ Trung Quốc. Châu Âu đã có cuộc điều tra chống bán phá giá chính thức. Điển hình như vụ xe đạp năm 2000; Bật lửa ga năm 2004; Giày mũ da năm 2008…
“EU phát hiện ra hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc giảm mạnh sau khi áp thuế chống bán phá giá. Bên cạnh đó, công đoạn lắp ráp và xuất khẩu từ Việt Nam chủ yếu bắt đầu sau khi áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp, thay thế cho hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc trước đây”, ông Claudio Dordi nói.
Ông Claudio Dordi cũng nói, việc chuyển tải không phải là hiện tượng mới ở Việt Nam và có rất nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau. Ngoài ra, sản phẩm tháo rời rồi xuất sang Việt Nam, sau đó trải qua công đoạn lắp ráp rất giản đơn thành sản phẩm hoàn chỉnh rồi xuất đi Mỹ, EU. “Sự lắp ráp đơn giản này không đủ để được coi hàng có xuất xứ Việt Nam. Đây cũng là gian lận xuất xứ”, ông Claudio Dordi nhấn mạnh.
Ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý hải quan, Tổng cục Hải quan dẫn chứng một loạt vụ việc mà cơ quan hải quan Việt Nam vừa phát hiện. Điển hình là Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh bắt giữ lô hàng của Công ty TNHH B. Hàng hóa được tạm nhập từ Trung Quốc và tái xuất sang Hoa Kỳ.
“Doanh nghiệp khai báo hàng là cap internet. Nhưng qua kiểm tra thực tế lô hàng nhập khẩu, các sợi cáp quang mang hiệu Monster, trên bao bì sản phẩm có in sẵn dòng chữ Made in Vietnam”, ông Tuấn nhấn mạnh
Theo ông Âu Anh Tuấn, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc ngăn chặn gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại còn gặp nhiều khó khăn là do các quy định chồng chéo, bất hợp lý. Cụ thể, Nghị định 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định ghi nhãn hàng hoá nhưng cho phép bổ sung sau, do đó, phần lớn doanh nghiệp không ghi nhãn “Made in Viet Nam” mà sau khi khai báo mới bổ sung, gây khó cho cơ quan quản lý.
Đồng thời, Nghị định này cũng không áp dụng với hàng hoá xuất khẩu nên việc ghi nhãn còn nhiều kẽ hở. Do vậy, thời gian tới sẽ đẩy mạnh rà soát các giao dịch, doanh nghiệp có xuất nhập khẩu hàng hoá tăng đột biến so với năng lực, quy mô sản xuất để tiến hành thu thập, củng cố thông tin, tiến hành phân tích, điều tra làm rõ vi phạm.
Một số hàng hoá giả xuất xứ Việt Nam bị lực lượng chức năng phát hiện. |
Tăng cường kiểm soát tại cửa khẩu
Trước việc một số nhóm hàng xuất nhập khẩu tăng đột biến, Tổng cục Hải quan sẽ đưa các nhóm hàng này vào diện theo dõi và tích cực triển khai công tác đấu tranh phòng chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ. Còn chuyển tải bất hợp pháp để lại những hệ lụy gì đối với Việt Nam, theo chuyên gia Hoa Kỳ, sẽ làm tăng rủi ro cho doanh nghiệp và sản phẩm tuân thủ của Việt Nam sẽ bị chậm trễ khi làm thủ tục xuất khẩu tại một số nước như Mỹ.
Đồng thời tăng rủi ro hàng hoá của Việt Nam do sẽ bị áp thuế cao hơn. Vì vậy, đối với doanh nghiệp làm ăn chân chính, tuân thủ của Việt Nam sẽ có nguy cơ chịu sự kiểm soát chặt chẽ khi xuất vào Mỹ. Ngoài ra, các quốc gia khác, thị trường cũng cảnh giác với hàng hóa Việt Nam.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Trần Lê Huy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định cũng băn khoăn cho rằng, khi các cơ quan chức năng tăng cường các biện pháp cấm hoặc ngăn chặn phòng ngừa về gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, trong đó có mặt hàng gỗ thì phía VCCI sẽ kiểm tra chặt toàn bộ hồ sơ cấp C/O: tăng thời gian kiểm tra, cấp C/O, nhất là DN mới XK; Hải quan địa phương: áp luồng đỏ toàn bộ sản phẩm đồ gỗ XK. Các cơ quan khác: tăng cường hoạt động kiểm tra, thanh tra toàn bộ DN.
Theo đó, việc xuất khẩu đồ gỗ đối với doanh nghiệp tuân thủ pháp luật (đại đa số) hay DN có nghi ngờ (thiểu số) đều bị phân luồng đỏ, nhất là thời gian cao điểm mùa hàng. Điều này sẽ dẫn tới tăng chi phí, thời gian thông quan hàng XK. Rớt hàng tại cảng, bị phạt 5-7% giá trị hợp đồng, nếu trễ 1 tuần, bị bỏ hàng, hủy hợp đồng.
Trước thực tế trên, ông Huy kiến nghị, không áp dụng phân luồng đỏ cho toàn bộ các doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ trên phạm vi cả nước như hiện nay.
Bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, trước nguy cơ bị “mượn đường” và hàng hóa nước ngoài lợi dụng để đội lốt, giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang các nước đối tác trong FTA mà Việt Nam là thành viên nhằm hưởng thuế suất ưu đãi, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều giải pháp ngăn chặn.
Cơ quan Hải quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa ngay tại cửa khẩu, kiểm tra sau thông quan các lô hàng, các doanh nghiệp XNK có nghi vấn về gian lận xuất xứ. Bên cạnh đó, cơ quan hải quan phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra, xác minh năng lực sản xuất của doanh nghiệp.