Hỗ trợ ngành gỗ tận dụng tốt ưu đãi khi xuất khẩu vào EU
Trong đó, ngành gỗ là một trong số các ngành hàng được hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định EVFTA. Ngay khi EVFTA có hiệu lực, sẽ có đến 82% dòng thuế được xóa bỏ (hiện thuế suất phần lớn 2%-6%), 18% số dòng thuế còn lại sẽ trở về 0% sau 3-5 năm.
Tuy nhiên, lo ngại lớn nhất của DN gỗ Việt Nam đó là nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu. Chính vì vậy, để được hưởng các ưu đãi thuế quan từ EVFTA là không hề đơn giản, vì yêu cầu về quy tắc xuất xứ của EVFTA rất khắt khe, doanh nghiệp (DN) có thể khó đáp ứng...
“EU là thị trường có kim ngạch NK đứng thứ 2 thế giới, chiếm 14,9% tổng NK toàn cầu. Mặc dù EU là thị trường XK lớn thứ 2 của Việt Nam, nhưng ta chỉ mới chiếm thị phần khoảng 2% trong tổng NK của EU. Do vậy, đây chính là cơ hội để DN Việt Nam tăng trưởng XK”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định như thế tại hội nghị Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào thị trường EU, thực thi hiệu quả hiệp định EVFTA, vừa được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hiện EU là thị trường XK gỗ và sản phẩm gỗ lớn thứ tư của Việt Nam, đồng thời cũng là một trong những thị trường chính cung cấp nguồn gỗ nguyên liệu cho thị trường trong nước. Các DN nhận định, Hiệp định EVFTA có hiệu lực, thách thức cho DN nhiều hơn là lợi thế. Bởi, khi đó hàng hóa nhập khẩu từ EU tạo ra sức ép không nhỏ cho DN trong nước, bởi các DN thuộc EU có lợi thế hơn hẳn DN Việt Nam về quy mô, năng lực cạnh tranh, kinh nghiệm thị trường...
Mặt khác, để được hưởng các ưu đãi thuế quan trong EVFTA cũng không hề đơn giản vì yêu cầu về quy tắc xuất xứ của Hiệp định này rất nghiêm ngặt. Các DN gỗ Việt Nam phải bảo đảm sử dụng gỗ nguyên liệu 100% hợp pháp, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng (bao gồm cả gỗ NK và gỗ trong nước). Trong khi đó, nhu cầu về gỗ nguyên liệu gỗ ngày càng lớn để đáp ứng thị trường trong nước và XK, nhưng trong nước Chính phủ không cho phép khai thác gỗ rừng tự nhiên, nên nguồn nguyên liệu gỗ phần lớn là NK, điều này cũng là áp lực của DN.
Bộ Trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, Hiệp định EVFTA vừa là thách thức nhưng cũng vừa là lợi thế của DN trong nước. Cụ thể, lợi thế đó là số lượng DN ngành gỗ lớn với 4.600 DN. Bên cạnh đó, chúng ta vừa phát triển kinh tế đi đôi với việc phát triển môi trường, đặc biệt chú ý đến nguồn lực trồng để tạo nguyên liệu sản xuất chế biến.
Năm 2019, đã có 30 triệu m3 gỗ có nguồn gốc từ rừng trồng, đáp ứng đến 85% nguyên liệu để chế biến ngành hàng gỗ. Chính vì vậy, năm 2019 Việt Nam đã XK lớn với kim ngạch đạt 11,3 tỷ USD gỗ và sản phẩm đồ gỗ, đứng thứ 6 thế giới về XK gỗ và đồ gỗ, đứng thứ 2 châu Á (sau Trung Quốc). Với thị trường EU, trong năm 2019 XK gỗ và đồ gỗ đạt 500 triệu USD, dung lượng thị trường lớn nên thời gian tới khu vực này rất cần sản phẩm gỗ và đồ gỗ.
Đại diện Cục Xúc tiến thương mại (XTTM) - Bộ Công Thương nhìn nhận, thị trường EU có yêu cầu rất khắt khe về nguồn gốc của các sản phẩm gỗ, nên khi DN XK vào EU phải khai báo nguồn gốc gỗ hợp pháp.
Bên cạnh đó, thị trường EU cũng yêu cầu cao đến giá trị thiết kế của sản phẩm. Chính vì vậy, để tiếp cận và đáp ứng yêu cầu đa dạng của khách hàng tại EU, đòi hỏi các DN ngành gỗ cần nhanh chóng khắc phục chất lượng, mẫu mã sản phẩm, cải thiện thiết kế, đồng thời có các chính sách xây dựng thương hiệu và thương mại điện tử phù hợp.
Để hỗ trợ các DN ngành đồ gỗ, Cục XTTM cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức XTTM trong và ngoài nước, Hiệp hội ngành gỗ và lâm sản Việt Nam tổ chức các sự kiện XTTM với mục đích nâng cao năng lực quản trị chất lượng trong khâu thiết kế sản phẩm với mẫu mã và kiểu dáng phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng tại một số thị trường trọng điểm của EU.
Bên cạnh đó, cũng sẽ thử nghiệm, áp dụng thêm các công cụ mới để kết nối khách hàng, đối tác, như các phần mềm thiết kế sản phẩm 3 chiều (3D), hội chợ online 3D, tương tác trực tuyến… để bắt kịp xu hướng phát triển của ngành và của quốc tế. Mặt khác, sẽ triển khai quảng bá tiềm năng ngành chế biến gỗ, chất lượng và thương hiệu gỗ của Việt Nam thông qua các hội chợ, triển lãm, kênh thông tin điện tử chuyên ngành tại các nước EU…
“DN phải chủ động tìm hiểu Hiệp định VEFTA, xây dựng kế hoạch dài hạn, bài bản, có sự chuẩn bị tốt nhất để đối mặt với áp lực cạnh tranh xã hội. Lưu ý đến các nguyên tắc, tiêu chuẩn về lao động như: Quy định về chấm dứt hình thức lao động cưỡng bức, không sử dụng lao động trẻ em, không phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp tại nơi làm việc. Lưu ý các quy định, nguyên tắc về bảo vệ môi trường, gỗ và sản phẩm gỗ phải được khai thác hợp pháp”, ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên – Bộ Công Thương, khuyến nghị.
Để EVFTA được EU phê chuẩn, Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng, thương mại gỗ và sản phẩm gỗ (VPA/FLEGT) là một phần không thể thiếu của EVFTA. Vì vậy, VPA/FLEGT vừa là cơ hội, nhưng cũng là thách thức lớn đối với cộng đồng DN ngành gỗ.
Để tạo thuận lợi cho DN XK vào thị trường EU, Bộ Trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chia sẻ thông tin, tới đây, Bộ NN&PTNT sẽ ban hành kế hoạch thực hiện, trong đó đối với ngành đồ gỗ sẽ nhanh chóng triển khai Hiệp định VPA/FLECT để thúc đẩy XK gỗ và sản phẩm gỗ bền vững.
Bên cạnh đó, cần tập trung vào các vấn đề then chốt: Đó là phải tăng cường diện tích rừng trồng có chứng chỉ vì hiện nay Việt Nam chỉ có 250.000ha rừng trồng được cấp chứng chỉ. Tất cả các DN ngành gỗ khi tham gia chuỗi cung ứng phải minh bạch từ khâu đầu tiên đến khâu cuối cùng. Kể cả Hiệp hội ngành hàng, người sản xuất rừng trồng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định. Phải chú ý khai thác lợi thế ngành nghề thủ công mỹ nghệ để gia tăng chuỗi giá trị.
“Theo đó, Chính phủ cũng có thể chế, cơ chế, chính sách, đề án; Cấp địa phương, cấp DN cũng vào cuộc, người dân cũng tham gia … tất cả cùng chung tay để tạo nên một hệ sinh thái ngày càng bền vững hơn, để khai thác tốt hơn thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng”, ông Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.