Học cách sống chung cùng hạn và xâm nhập mặn
- Cấp bách triển khai các giải pháp ứng phó xâm nhập mặn
- Đồng bằng sông Cửu Long đối diện xâm nhập mặn sớm và sâu
Để đến Hòa Minh buộc phải qua phà. Cứ 40 phút, bến phà Bãi Vàng ở Hưng Lợi có một chuyến xuất bến, đưa khách qua sông Cổ Chiên để đến cù lao Hòa Minh và ngược lại.
Ông Nguyễn Văn Nối, nhân viên HTX vận tải Phước Vinh cho biết: “Mỗi ngày phà hoạt động từ 5h40 phút đến 17h40, cách nhau khoảng 40 phút là phà xuất bến. Trước đây chủ yếu là các chuyến đò nhỏ đưa khách từ cù lao Hòa Minh vào đất liền, còn hiện nay phà lớn có thể chở tối đa 90 khách, xe máy và 2 xe tải 3,5 tấn”.
Hơn 15 năm, ông Nối gắn với công việc đưa khách qua sông Cổ Chiên để đến với Hòa Minh nên khá rõ về vùng đất này. “Mấy năm trở lại đây, đời sống bà con ở cù lao rất phấn khởi. Đường sá rộng rãi, ôtô lưu thông thuận tiện và đời sống kinh tế của bà con cũng khấm khá”, ông Nối chia sẻ.
Ông Phạm Văn Lước kể chuyện nuôi tôm tự nhiên vào mùa nước mặn trên diện tích vừa thu hoạch lúa. |
Cù lao Hoà Minh có đặc điểm tự nhiên là 6 tháng có nước ngọt và 6 tháng nước mặn. Làm cán bộ nông nghiệp ở xã Hoà Minh lâu năm, anh Lê Trung Nghĩa hiểu rất rõ về đời sống của bà con vùng đất này.
“Vì xã đảo nên trước đây đời sống bà con gặp nhiều khó khăn. Người dân chủ yếu trồng hoa màu, lúa nước và nuôi trồng thủy sản, theo nghề biển. Những năm gần đây, chủ động thích ứng với điều kiện tự nhiên, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp nên đời sống người dân từng bước ổn định, vươn lên khá giàu. Những căn nhà lầu bề thế, có giá trị vài tỷ đồng xuất hiện ngày càng nhiều ở xã”, anh Nghĩa phấn khởi.
Theo lời anh Nghĩa, từ tháng 7 đến tháng 11 (AL) hàng năm là vào mùa nước ngọt nên người dân tranh thủ xuống giống trồng lúa hữu cơ, hoa màu. Còn từ tháng 11 đến tháng 8 năm sau, khi bắt đầu có nước mặn, người dân mở nước vào ruộng thả giống nuôi trồng thuỷ sản, như tôm, cua. Sau mỗi vụ nuôi trồng thuỷ sản, đất được bổ sung một lượng lớn hữu cơ, giúp cây lúa phát triển tốt.
“Giá trị con tôm lớn hơn cây lúa nên khi trồng lúa, bà con sẽ không dùng hóa chất để tránh ảnh hưởng đến con tôm. Ngược lại, cây lúa hấp thu cặn bã từ ao nuôi tôm, cua giúp làm sạch môi trường, tạo điều kiện cho các sinh vật phù du phát triển làm nguồn thức ăn cho tôm, cá”, anh Nghĩa nói.
Lão nông Phạm Văn Lước dẫn chúng tôi ra tham quan mô hình trồng lúa hữu cơ và nuôi tôm trên diện tích rộng hơn 20.000m2 ở xã Hòa Minh. Trên diện tích 20.000m2, ông Lước dành 7.000m2 sản xuất lúa hữu cơ kết hợp với nuôi tôm càng, còn 13.000m2, ông Lước dẫn nước mặn vào thả nuôi tôm tự nhiên, mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng. Vụ lúa vừa rồi, ông Lước thu được hơn 5 tấn, bán với giá 10.200 đồng/kg. Sau khi thu hoạch lúa, ông Lước dẫn nước mặn vào ruộng để nuôi tôm.
Theo lời lão nông này, mô hình này mới được áp dụng khoảng 5-6 năm trở lại đây và có thu nhập khá ổn định. “Trước đây mình trồng lúa, năm trúng năm thất nhưng chủ yếu là thất. Còn hiện nay với mô hình này thì sống khoẻ, dù không lời nhiều nhưng có dư chút đỉnh, đủ an hưởng tuổi già nên bà con rất phấn khởi”, ông Lước tâm sự. Dọc theo các bờ bao, ông Lước trồng rất nhiều dừa. Lão nông này giải thích, việc trồng dừa là để lấy thức ăn thả xuống nuôi tôm.
Ông Võ Tấn Nhi, Phó Chủ tịch UBND xã Hoà Minh thông tin, diện tích trồng lúa, hoa màu trên địa bàn xã chiếm tỷ lệ khá thấp, chủ yếu người dân trồng lúa tự nhiên, sản xuất lúa sạch bán với giá cao hơn, còn lại là nuôi trồng thủy sản. “Nuôi trồng thủy sản chiếm ưu thế, còn lúa và hoa màu chiếm tương đối. Bà con trồng lúa chỉ để dành ăn hoặc chia lại cho người khác với giá hơn 10.000 đồng/kg”, ông Võ Tấn Nhi nói.
Xã này có 1.524 lượt hộ thả nuôi tôm thẻ công nghiệp với diện tích 550 hecta, 65 hộ thả nuôi tôm sú công nghiệp với diện tích 25 hecta, 438 hộ thả nuôi tôm thẻ quảng canh với diện tích 219 hecta, tôm sú quảng canh có 876 hộ thả nuôi với diện tích 483 hecta, tôm càng xanh có 235 hộ thả nuôi với diện tích 115 hecta.
Trên bờ bao của diện tích trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản, người dân trồng cỏ, trữ rơm làm thức ăn chăn nuôi cho bò, với tổng đàn hơn 3.600 con. Mô hình này đã giúp người dân có thêm nguồn thu nhập, nhiều nông hộ vươn lên khá, giàu. “Ở đây, bà con đã thích nghi với hạn mặn, nuôi trồng thuận với tự nhiên nên không bị ảnh hưởng. Nông dân trồng lúa hữu cơ, nuôi tôm càng. Phân tôm tạo điều kiện cho lúa phát triển”, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Minh bày tỏ.