Khó khăn chống gian lận thuế trong thương mại điện tử
- Chặn "bẫy" trong thương mại điện tử thời hội nhập
- Trò lừa núp danh “thương mại điện tử”
- Thương mại điện tử Việt trước áp lực của nhà đầu tư ngoại
- Những cạm bẫy trong thương mại điện tử
“Chuyển giá là vấn đề phức tạp mang tính toàn cầu. Việt Nam cần xây dựng cơ sở hướng dẫn chống xói mòn chuyển giá về thuế”, ông Hoàng Thùy Dương, Phó Tổng Giám đốc Công ty Kiểm toán quốc tế KPMG cho biết như thế tại hội thảo “Chống gian lận thuế qua hoạt động chuyển giá và thương mại điện tử - Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam” do Trường Bồi dưỡng cán bộ Tài chính - Bộ Tài Chính tổ chức ngày 1-12 tại TP Hồ Chí Minh.
Liên quan đến hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), bà Nguyễn Thị Hánh – Phó Vụ trưởng, Phó trưởng ban thường trực Ban cải cách và hiện đại hóa Tổng cục Thuế Việt Nam cho biết: “Tính đến thời điểm này cơ quan chức năng chưa tham gia thanh tra về tình trạng chuyển giá trong giao dịch TMĐT”.
Lý do bà Hánh đưa ra đó là, Việt Nam có khoảng 90 triệu người nhưng có trên 40 triệu người sử dụng Internet và trên 130 triệu thuê bao di động. Hiện Việt Nam đang xếp thứ 17 thế giới về tốc độ phát triển Internet và xếp thứ 8 trong khu vực. Nhận thức rõ thị trường TMĐT là cơ hội phát triển thuận lợi trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nên không ít doanh nghiệp (DN) đã tham gia TMĐT với hàng loạt trò chơi trực tuyến, mua bán hàng qua mạng, quảng cáo trực tuyến, nội dung số...
Thương mại điện tử phát triển nhưng cơ quan chức năng đang gặp khó khăn trong quản lý thuế. |
Mặc dù thị trường TMĐT tạo nhiều cơ hội phát triển cho DN, người dân thuận lợi trong việc mua sắm nhưng quản lý đối với kênh kinh doanh này không đơn giản, đặc biệt là quản lý việc thực hiện nghĩa vụ thuế của DN.
Đại diện Tổng cục Thuế Việt Nam nhận định, thách thức lớn nhất đó là việc xác định bản chất giao dịch và giá trị, giá bán sản phẩm vô hình, dịch vụ và các sản phẩm đã được số hóa. TMĐT có thể ẩn danh, nặc danh, vì vậy việc xóa bỏ dấu vết là hoàn toàn có thể thực hiện được, điều này gây khó cho cơ quan thuế. Ngoài ra, TMĐT còn gây khó khăn cho cơ quan quản lý trong việc tìm kiếm các giao dịch độc lập hoặc các bên độc lập để so sánh trong quá trình xác định giá tính thuế.
Không chỉ gặp khó khăn trong việc quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, mà thương mại truyền thống trình trạng cũng không khá hơn.
Ông Hoàng Trần Hậu – Giám đốc Trường Bồi dưỡng cán bộ Tài chính, Bộ Tài Chính cho biết, hành vi chuyển giá gần đây diễn ra phức tạp, đã xuất hiện trong nhiều loại hình DN có quan hệ liên kết kinh tế với nhiều hình thức khác nhau, tinh vi hơn, khó phát hiện hơn. Điều này gây khó khăn cho công tác quản lý của các cơ quan nhà nước về tài chính, khi nguồn thuế của quốc gia đang bị thất thoát. Dự báo trong giai đoạn tới, việc quản lý thuế cũng sẽ tiếp tục còn nhiều khó khăn do sự phức tạp của nền kinh tế, sự chậm trễ và thiếu đồng bộ trong hệ thống pháp luật, sự lỏng lẻo trong kiểm soát của cơ quan chức năng đã tạo lỗ hổng để DN tìm cách lách luật, thực hiện hành vi gian lận trong kê khai thuế.
Ông Hoàng Thùy Dương – Phó Tổng Giám đốc Công ty Kiểm toán quốc tế KPMG cho biết, chuyển giá là vấn đề phức tạp mang tính toàn cầu. Việt Nam cần xây dựng cơ sở hướng dẫn chống xói mòn chuyển giá về thuế. Theo kết quả khảo sát của KPMG, hơn 50% DN đã chuẩn bị xây dựng các bước trên dự thảo báo cáo chống sụt giảm thu nhập chịu thuế và dịch chuyển lợi nhuận (BEPS) trong đó có 80% DN ưu tiên xác định giá chuyển nhượng.
Về giải pháp trong công tác quản lý chống chuyển giá trong kinh doanh nói chung và TMĐT nói riêng, bà Nguyễn Thị Hánh khẳng định, Việt Nam chưa có chính sách quản lý thuế cho TMĐT Việt Nam. Các bộ ngành đang bổ sung để hoàn thiện, đang trong quá trình xem xét.
Sắp tới, Việt Nam sẽ hoàn thiện hệ thống cơ sở pháp lý, cơ chế phối hợp quản lý. Tăng cường nâng cao năng lực, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ công chức chuyên trách quản lý giá chuyển nhượng và các công chức khác có liên quan. Trong đó, vấn đề quan trọng nhất cần thực hiện là xây dựng cơ sở dữ liệu xác định giá thị trường.