Không để biến động về giá đối với hàng hóa phục vụ Tết
- Hà Nội chuẩn bị 26.000 tỷ đồng hàng hoá phục vụ Tết Nguyên đán
- Thời tiết thất thường, lo thiếu đặc sản phục vụ Tết
Tuy nhiên, thời gian qua, một số mặt hàng nông sản như thịt heo, thịt gà… có hiện tượng giảm giá do thừa nguồn cung, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của người nông dân. Nguyên nhân chủ yếu do hoạt động nuôi trồng còn thiếu định hướng, thiếu quy hoạch vùng.
Riêng chuỗi cung ứng hàng bình ổn thị trường, do có sự liên kết chặt chẽ giữa các nhà phân phối, nhà sản xuất, nông trại và các hợp đồng được ký kết từ trước, cam kết ổn định giá trong thời gian dài nên không bị tác động nhiều, hoạt động nuôi trồng, thu nhập của người nông dân trong chuỗi không bị ảnh hưởng.
Nhiều DN đã chuẩn bị sẵn lượng hàng khá dồi dào để cung ứng cho thị trường Tết. |
Để chuẩn bị cho thị trường Tết, các DN tham gia Chương trình bình ổn thị trường đã chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho 2 tháng mùa Tết hơn 17.812 tỷ đồng (tăng 4,17% so với nguồn vốn chuẩn bị Tết 2017), trong đó giá trị hàng hóa để bình ổn thị trường hơn 7.044 tỷ đồng. Lượng hàng chuẩn bị cung ứng cho thị trường Tết cũng tăng 20% - 30% so Tết 2017.
Các DN tham gia Chương trình bình ổn thị trường cam kết không điều chỉnh tăng giá bán trong 1 tháng trước Tết và 1 tháng sau Tết (từ ngày 15-1-2018 đến hết ngày 15-3-2018), đồng thời thực hiện giảm giá sâu trong 2 ngày cận Tết đối với các mặt hàng thiết yếu như: thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm...
Nhằm ổn định thị trường, Sở Công thương sẽ phối hợp sở, ngành, địa phương có liên quan, nắm chắc diễn biến thị trường, đảm bảo cung ứng cân đối cung - cầu hàng hóa đáp ứng nhu cầu của NTD; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa, giá cả, chấp hành quy định về điểm bán. Chi cục Quản lý thị trường sẽ phối hợp UBND 24 quận, huyện tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm đối với hàng lậu, sản xuất hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng.