Không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa trong mọi tình huống
- Hà Nội đảm bảo đầy đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu người dân
- Linh hoạt, đảm bảo thông thương hàng hóa
- Gỡ khó vận tải hàng hóa hằng ngày
Cung ứng hàng hóa bị ảnh hưởng nghiêm trọng
Tại cuộc họp, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, nhìn chung, thời gian qua, giá hàng hóa tại hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại tại các địa phương được niêm yết công khai, thống nhất trên toàn hệ thống. Nhiều siêu thị cam kết giữ giá bình ổn như Central Group, Saigon Coop... Tại hệ thống chợ, giá hàng hóa thiết yếu thường cao hơn giá tại hệ thống siêu thị từ 5% trở lên, tùy mặt hàng và tùy từng địa phương.
Theo phản ánh của một số doanh nghiệp (DN) phân phối, việc tăng giá hàng hóa là không mong muốn nhưng vẫn phải điều chỉnh tăng giá cả một số mặt hàng do một số nguyên nhân như: Thời gian vận chuyển từ vùng trồng về các cửa hàng/điểm bán tăng đáng kể khi qua các chốt kiểm soát liên tỉnh và tình trạng ùn ứ kéo dài trên các quốc lộ dẫn đến chi phí vận chuyển tăng (cộng thêm giá xăng tăng) và tỷ lệ hư hao hàng tươi sống tăng cao; chi phí nhân công tăng do nhân viên phải tăng ca liên tục từ kho đến cửa hàng khi nhu cầu tiêu dùng tăng đột biến; nhiều nhân viên phải đi cách ly, hoặc trong vùng phong tỏa không thể tiếp tục công việc.
Kiên quyết không để thiếu hàng hóa, lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh cho người dân trên địa bàn 19 tỉnh, thành phố phía Nam. |
Cùng đó chi phí để lấy giấy xét nghiệm chỉ có giá trị 3 ngày cho nhân viên (tài xế giao hàng, nhân viên kho, nhân viên đi làm ở từ 2 tỉnh lân cận nhau trở lên...); chi phí thuê chỗ ở cho nhân viên ở gần kho và cửa hàng để hạn chế di chuyển giữa 2 tỉnh lân cận hoặc giảm thiểu nguy cơ nhân viên bị cấm di chuyển do sinh sống ở vùng phong tỏa; hàng hóa tăng giá từ phía nhà cung cấp do tăng chi phí vận chuyển, phí nhân công, tài xế, hư hỏng do kéo dài thời gian lưu thông...
Tại cuộc họp, nhiều địa phương đề xuất mở lại chợ truyền thống. Các tỉnh sẵn sàng phối hợp với TP Hồ Chí Minh để cung ứng, vận chuyển hàng hóa. Đặc biệt, các địa phương đều cam kết làm hết sức để bảo đảm cung ứng hàng hóa cho TP Hồ Chí Minh.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, sau 7 ngày thực hiện áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, việc cung ứng hàng hóa bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, việc lưu chuyển hàng hóa giữa các tỉnh, các vùng và ba miền gặp nhiều khó khăn. “Trong bối cảnh đó, việc áp dụng Chỉ thị 16 tại 19 tỉnh, TP từ 0h ngày 19/7/2021, nếu không có biện pháp quyết liệt thì rất gay go”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đặt vấn đề trong khâu kết nối, vận chuyển hàng hóa cần chú ý hai đúng: “Đúng địa chỉ - đúng nhu cầu”.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đề nghị, TP Hồ Chí Minh cần nắm bắt rõ nhu cầu tiêu thụ của địa phương, nghiên cứu mở lại một phần hệ thống phân phối các mặt hàng thiết yếu; có thể thành lập các bộ phận thống kê, hàng ngày gửi thông tin về hai Bộ là Công Thương và NN&PTNT để cùng nhau tháo gỡ. Ngoài ra, các địa phương cập nhật thông tin nhanh nhất có thể, Sở Công Thương phối hợp với Sở NN&PTNT khảo sát trực tiếp các vùng nguyên liệu để nắm thông tin.
Xử lý nghiêm các hành vi găm hàng, nâng giá
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, dự báo nếu tình hình phức tạp hơn có thể đứt gãy các chuỗi cung ứng, đặc biệt là chuỗi cung ứng lao động trong các ngành sản xuất ra hàng hóa, vật tư thiết yếu phục vụ đời sống người dân lương thực thực phẩm, rau củ quả, hàng tươi sống và cả thuốc men.
Bên cạnh đó, việc lưu thông hàng hóa có thể sẽ gặp khó khăn nếu không tuân thủ các chỉ đạo của Chính phủ, của các bộ, ngành, mỗi địa phương dựng lên một hàng rào cản trở và nếu như không giải quyết được vấn đề hàng hóa thiết yếu cho người dân thì vấn đề xã hội sẽ nảy sinh. Do vậy, tại cuộc họp hai ngành Công Thương – NN&PTNT thống nhất 3 quan điểm chỉ đạo. Thứ nhất, trong mọi tình huống, hai ngành chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, nhân dân các địa phương không được để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, nhất là lương thực thực phẩm, rau củ quả, hàng tươi sống và thuốc men.
Thứ hai, bám sát sự lãnh đạo chỉ đạo của cấp ủy chính quyền các địa phương 19 tỉnh, thành phố. Tổ công tác tiền phương của hai Bộ cùng Ban chỉ đạo cung ứng hàng hóa cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam phải phối hợp với nhau để các lực lượng trên địa bàn phải tuân thủ sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, đồng thời tuân thủ sự chỉ đạo, khuyến cáo của hai Bộ. Thứ ba, hai ngành, ba lực lượng ở địa phương cần đoàn kết thực hiện nhiệm vụ chung đặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự điều phối của Tổ công tác tiền phương hai Bộ.
Theo đó, trong thời gian tới, các địa phương cần khẩn trương đánh giá tình hình thực tế của địa phương; khảo sát, nắm bắt, dự báo thật sát về nhu cầu hàng hóa thiết yếu của các địa phương, trên cơ sở đó đưa ra các kịch bản cân đối cung cầu tại chỗ, kịp thời thông báo cho các Tổ công tác tiền phương thuộc hai Bộ, kịp thời đưa ra những giải pháp giải quyết.
Ngoài ra, các địa phương phải kê ra được cái gì mình thiếu, cái gì mình có, cái gì cần mua bán. Xây dựng kịch bản cho những tình huống phức tạp hơn, ở mức độ cao nhất, vai trò Nhà nước cung ứng vô điều kiện hàng hóa thiết yếu cho các địa phương. Đồng thời, chủ động kết nối cung cầu với các cơ sở sản xuất chế biến, các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp cung ứng trên địa bàn tỉnh, giữa các tỉnh trong vùng và với cả nước kịp thời cung cấp hàng hóa thiết yếu cho người dân.
“Bằng mọi giải pháp, hai Bộ Công Thương – NN&PTNT cam kết, kiên quyết không để thiếu hàng hóa, lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh cho người dân trên địa bàn 19 tỉnh, TP phía Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, muốn kết nối được phải nắm rõ đầu mối giao nhận, nhu cầu của địa phương từ khâu thu hoạch, vận chuyển, phân phối. Đồng thời, khuyến cáo địa phương kiện toàn hệ thống phân phối; duy trì các chợ truyền thống, chợ đầu mối kèm trong điều kiện đảm bảo các quy tắc phòng, chống dịch COVID-19. Lực lượng QLTT của các tỉnh, TP khu vực phía Nam phải đóng vai trò chủ công, chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng tại địa phương kịp thời, thường xuyên xử lý nghiêm các hành vi găm hàng, nâng giá, dứt khoát không để xảy ra hiện tượng, hành vi trục lợi từ đại dịch COVID-19.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu, trong hôm nay (18/7), Tổng cục QLTT phải tăng cường lực lượng cho các tỉnh phía Nam, phải kiểm tra, xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm trong đại dịch. Phải cam kết với người dân, với địa phương không để xảy ra hành vi nâng giá, găm hàng, trục lợi, hàng giả, hàng gian, hàng kém chất lượng…
Bộ NN&PTNT cấp tốc thành lập tổ công tác chỉ đạo sản xuất, tiêu thụ nông sản ở các tỉnh phía Nam Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan vừa ký quyết định khẩn cấp thành lập Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, TP phía Nam trong điều kiện 19 tỉnh, TP phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ 0 giờ ngày 19/7. Tổ công tác có 14 thành viên, do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam làm tổ trưởng. Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu, tổ công tác phối hợp với các tỉnh, TP khu vực Nam Bộ, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và các địa phương có liên quan thúc đẩy hoạt động sản xuất, thu hoạch nông sản, đảm bảo nhu cầu tiêu thụ nông sản tại các địa phương khu vực phía Nam bị giãn cách do dịch COVID-19. Chỉ đạo Sở NN&PTNT các địa phương rà soát kế hoạch sản xuất thời vụ đảm bảo gắn với kế hoạch tiêu thụ nông sản; xây dựng các phương án, kế hoạch tiêu thụ nông sản kịp thời ứng phó với dịch COVID-19. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng đề nghị tổ trưởng tổ công tác chỉ đạo xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện nhiệm vụ và điều hành hoạt động của tổ công tác theo sự phân công của Bộ trưởng; báo cáo Bộ trưởng về kết quả hoạt động của tổ công tác (hằng tuần và đột xuất theo yêu cầu). |