Làm gì để đánh thức tiềm năng du lịch Việt ?
- Hành động có trách nhiệm để du lịch Việt Nam phát triển bền vững
- Sự tăng trưởng vượt bậc của thị trường du lịch Việt Nam
- Doanh nghiệp du lịch Việt cần phải nghiêm túc trong việc tham gia các hội chợ du lịch quốc tế
- Nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam trong ASEAN
- Những bài toán khó của du lịch Việt
Để thúc đẩy ngành Du lịch phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có lẽ giờ là lúc các doanh nghiệp du lịch, địa phương và các bộ ngành nên cùng nhau bắt đầu lại từ những việc nhỏ nhất.
Một ngày cuối tháng 9, chúng tôi trở lại làng cổ Đường Lâm ( Sơn Tây - Hà Nội). Là ngày đầu tuần nên khá vắng khách tham quan, thi thoảng có vài tốp khách tây đi thăm qua các ngôi nhà cổ, tường đá ong và thích thú chụp hình.
Bà Guyot Delphine, du khách Pháp cho biết, bà là người Pháp gốc Việt, năm nay 78 tuổi, trong chuyến du lịch Việt Nam này, điểm đến đầu tiên bà và gia đình lựa chọn là đi tham quan làng cổ Đường Lâm, bà muốn cho 2 người con của bà biết được cuộc sống thuần nông và khung cảnh làng quê Việt, được khám phá và thưởng thức ẩm thực, quà bánh của quê hương Việt Nam.
Tới thăm ngôi nhà cổ của gia đình bà Hà Thị Điền, gia đình bà Guyot Delphine ngoài chiêm ngưỡng kiến trúc của ngôi nhà cổ, còn được giới thiệu về cách thức làm bánh gai truyền thống, thưởng thức bánh gai, bánh chè lam và uống nước vối.
Chị PascaPe Parise cùng chồng rất thích thú khi được chủ nhà niềm nở đón tiếp và thưởng thức bánh truyền thống. “ Bánh ngon quá, nước này (nước vối- PV) uống rất lạ, thú vị quá”. Là những cảm nhận của chị khi chia sẻ về những món ăn dân dã của người dân tự làm.
Thật đơn giản, không cầu kỳ nhưng từ những việc nho nhỏ như vậy lại tác động rất lớn tới cảm xúc của du khách.
Sự nồng hậu của cụ bà Đồ Thị Hậu 92 tuổi và những người trong gia đình đón tiếp sự tham quan của du khách một cách tự nhiên đã tạo nên sự gần gũi, thân thiện.
Cần nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng phục vụ, thu hút khách du lịch. Ảnh: CTV |
Bà Narelle Elkins - du khách Australia, bảo rằng cuộc sống làng quê Việt Nam thật bình dị, nhịp sống ở đây còn chậm.Tuy nhiên điều bà thấy tiếc cho Đường Lâm là làng du lịch nhưng sản phẩm du lịch còn chưa rõ nét, người dân chưa thực sự làm du lịch và coi du lịch là một nghề.
Để hấp dẫn du khách, làng cổ Đường Lâm cần phải chú trọng hơn nữa về vấn đề vệ sinh môi trường, đa dạng sản phẩm và phải xây dựng được hệ thống sản phẩm đặc trưng của vùng để bán cho du khách.
“Đi tham quan một vòng làng cổ, ngoài mấy ngôi nhà cổ, hầu như ở đây không có không khí du lịch, không có sản phẩm lưu niệm đặc trưng níu chân khách phải chi tiêu khi đến một điểm mới”, bà Narelle Elkins chia sẻ.
Với một điểm đến, du khách sẽ quan tâm đến sản phẩm du lịch ở đó như thế nào, có hấp dẫn hay không. Nhưng với chị Suzanme Treagle - người Australia - nhà điều hành tour đi khảo sát điểm đến lại có một cảm nhận khác.
Bước qua cổng ngôi nhà cổ của ông Nguyễn Văn Hùng, điểm đầu tiên chị tìm hiểu không phải là nhà cổ đến đâu, đẹp như thế nào, kiến trúc ra sao… mà là xem chủ nhà đón tiếp ra sao, khu nhà vệ sinh như thế nào, nhà bếp bày biện ra sao.
Theo chân chị, chúng tôi không khỏi bất ngờ bởi chị đã quan sát, kiểm tra khu nhà vệ sinh một cách kỹ càng. Khu vực vệ sinh của nhà ông Hùng được thiết kế với diện tích vừa đủ, sạch sẽ.
Chị cho biết, “Với tôi nhà vệ sinh sạch là yếu tố đặc biệt quan trọng trong hành trình tour của du khách và để lại ấn tượng tốt với các nhà làm tour”.
Theo chị Suzanme Treagle, với một thành phố du lịch hoặc điểm du lịch, việc đầu tư nhà vệ sinh phù hợp, sạch sẽ là điều rất cần thiết. Tuy nhiên, nhà vệ sinh tại các khu du lịch Việt Nam còn thiếu rất nhiều, đây là một hạn chế nhưng chưa được các địa phương quan tâm đầu tư đúng mức.
Du khách quốc tế thích thú thưởng thức sản phẩm địa phương và nghe giải thích về quy trình làm bánh gai, chè lam. |
Anh Nghiêm Đức Doan - hướng dẫn viên cho rằng, nhà vệ sinh tại nhiều khu du lịch, điểm đến còn thiếu, không hợp vệ sinh trở thành nỗi ám ảnh của du khách. Nhiều nơi tập trung phát triển du lịch nhưng chính quyền địa phương, doanh nghiệp lại không chú trọng cho hạng mục này.
Ở Đường Lâm nhiều hộ gia đình đón khách được Ban quản lý Làng cổ Đường Lâm và các đơn vị lữ hành tư vấn thường xuyên trong việc bảo vệ môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đến nay, nhiều ngôi nhà cổ chủ nhà đã thay đổi tư duy, biết cách làm du lịch, từ đó đông khách tới sẽ tạo ra sản phẩm và có thu nhập.
Hà Nội, với nhiều cảnh quan, điểm đến để du khách khám phá, nhưng hệ thống nhà vệ sinh công cộng cũng như thiết bị cung cấp nước uống, ghế ngồi tại nơi công cộng trên địa bàn rất thiếu và không đồng bộ.
Vì vậy, mới đây UBND Hà Nội công bố chủ trương xã hội hoá xây dựng 1.000 nhà vệ sinh công cộng được đầu tư đồng bộ về trang thiết bị, đảm bảo thẩm mỹ, phù hợp với cảnh quan của từng địa điểm; sử dụng các vật liệu bền vững, thân thiện với môi trường; thiết kế thoáng gió, sử dụng vòi nước tự động… nhiều doanh nghiệp du lịch cho rằng đây là việc cần phải làm sớm để phát triển du lịch.
Nụ cười và nhà vệ sinh là hai việc tưởng chừng như không ăn nhập với nhau trong chuỗi phát triển du lịch, nhưng lại là yếu tố đặc biệt quan trọng. Chưa nói đến sản phẩm du lịch hấp dẫn tới đâu nhưng đón tiếp khách với nụ cười tươi đã để lại ấn tượng tốt.
Trong cuộc nghị lớn bàn về du lịch mới đây, lãnh đạo Tập đoàn Tuần Châu đã đưa ra mong muốn “trước hết là từng cán bộ, chiến sĩ công an, bộ đội biên phòng, từng nhân viên tại sân bay, cửa khẩu luôn thân thiện, luôn nở nụ cười với du khách”.
Nụ cười chính là biểu hiện đầu tiên của lòng hiếu khách. Nhưng nếu như lòng hiếu khách ấy không được thể hiện ở tất cả các công đoạn khác của một hành trình du lịch thông qua những dịch vụ có chất lượng và giá cả tương xứng, với một thái độ có văn hóa và tự trọng, thì ngành Du lịch nước ta vẫn khó có bước đột phá.