Làng hoa Tây Tựu rộn ràng chuẩn bị vụ hoa Tết

10:25 08/01/2021
Trong những ngày cuối năm, tại làng hoa Tây Tựu - một trong những “vựa hoa” lớn nhất của Thủ đô Hà Nội, người trồng hoa đang tất bật chuẩn bị cho vụ Tết - vụ thu hoạch lớn nhất trong năm. Những ruộng hoa ly, hoa cúc, hoa hồng… đang trổ nụ chờ thu hoạch đúng dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.


Thời tiết lạnh thuận lợi cho hoa

Trong cái rét ngọt những ngày cuối năm, chúng tôi có mặt tại làng hoa Tây Tựu, phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Trên những ruộng hoa, người trồng hoa đang tỉ mẩn thực hiện những công đoạn cuối cùng chăm chút cho những luống hoa của mình chờ thu hoạch vào đúng dịp Tết Nguyên đán. Theo nhận định của các chủ vườn, cuối năm, thời tiết lạnh đã tạo thuận lợi cho người trồng hoa.

Gia đình bà Nguyễn Thị Gái, trú tại thôn 2, phường Tây Tựu, có 7 mẫu trồng hoa ly với 3 kho lạnh để phục vụ bảo quản hoa. Bà Gái cho biết, cả 2 con trai và con gái của bà đều trồng hoa từ hơn chục năm nay. Không chỉ có đất trên địa bàn phường, gia đình bà còn thuê đất tại Đan Phượng trồng hoa ly. 

Để phục vụ cho vụ hoa Tết Tân Sửu năm nay, con cái bà đã vay vốn ngân hàng để đầu tư. Thời điểm đặt củ, chăm sóc và thu hoạch hoa, mỗi mẫu ly cũng phải thuê thêm 3, 4 người làm. Bình quân một sào trồng ly với tất cả chi phí từ củ giống, phân bón, thuốc trừ sâu, lưới…, số vốn bỏ ra cũng từ vài trăm triệu đến tiền tỷ với các loại củ giống tốt. 

“Thời điểm này, hoa ly đã cao khoảng 1m và đang ra tai nên không cần chế độ chăm sóc gì khác. Giai đoạn mới trồng, cây cần che chắn trong nhà lưới và thắp điện giúp cho nhiệt độ ấm, kích thích chi củ ly nhanh nảy mầm. Từ giờ đến cuối năm, thời tiết lạnh sẽ giúp hoa vừa đẹp lại cho thu hoạch đúng dịp”, bà Gái cho biết. Nhớ lại vụ hoa Tết năm ngoái, bà Gái cho hay, thời tiết nắng ấm quá khiến hoa ly nở nhanh, nở sớm. Sau khi thu hoạch, hoa ly phải đưa vào phòng lạnh để bảo quản khiến giá bán hoa không được cao, thậm chí người trồng ly thua lỗ.

Ruộng hoa cúc của chị Phan Thị Hương, tổ dân phố Trung 8, phường Tây Tựu thời điểm này đang trổ nụ. Chị Phan Thị Hương chỉ cho chúng tôi biết tác dụng của việc tỉa bớt nụ hoa trên cây: “Mỗi cây hoa cúc chỉ giữ lại 1 nụ to và 1, 2 nụ nhánh để đến lúc thu hoạch, cây sẽ có 1 bông hoa to và thêm nụ lộc bên cạnh. Bên cạnh đó, việc tỉa bớt nụ trên cây cũng sẽ giúp cây dồn chất nuôi các nụ còn lại, bông cúc nở to, đẹp”. 

Công đoạn tỉa nụ tốn khá nhiều thời gian bởi sự tỉ mỉ, cẩn thận. Gia đình chị Hương năm nay có 2 sào cúc để thu hoạch cho vụ Tết. Thời gian từ lúc gieo hạt cho đến lúc thu hoạch khoảng chừng 5 tháng. Chị cho hay, mỗi sào cúc sẽ cho khoảng 2 vạn bông. Trừ chi phí cây giống, thuốc, phân... nếu trúng mùa, hai sào hoa mang về cho gia đình chị khoảng 40 triệu đồng tiền lãi. Ngoài cúc ta vàng, tại làng hoa Tây Tựu, người dân còn trồng cả cúc kim cương, vàng đồng, đại đóa, mắt ngọc… Tuy nhiên, hoa cúc ta với nụ to, màu vàng rực rỡ được tiêu thụ mạnh nhất trong dịp Tết Nguyên đán hàng năm. 

Tại làng Tây Tựu còn có nhiều vườn hoa hồng, vườn hoa đồng tiền, vườn hoa violet… Năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nguồn cầu hạn hẹp, người dân trồng cũng gặp khó khăn. Người trồng hoa ai nấy cũng mong chờ thời tiết thuận lợi để có được vụ hoa phục vụ Tết.

Mong chờ giá hoa Tết cao

Theo ông Đặng Trần Phi, Chủ tịch UBND phường Tây Tựu, phường hiện có 287,4ha đất trồng hoa. Tỷ lệ các hộ gia đình trồng hoa trên địa bàn phường chiếm 57%. Để mở rộng sản xuất, bà con nhân dân trên địa bàn phường còn thuê đất ở các huyện khác trên địa bàn Hà Nội như Đan Phượng, Hoài Đức, Phúc Thọ, Mê Linh… với tổng diện tích 412 ha để trồng hoa. Năm nay, do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nên thu nhập của nhân dân trên địa bàn phường bị ảnh hưởng đáng kể. Sức tiêu thụ và giá các loại hoa bị giảm mạnh. Tuy nhiên, qua ghi nhận trong thời điểm cuối năm, hoa Tây Tựu đã được tiêu thụ mạnh trở lại, giá hoa tăng và ổn định. Đặc biệt, thời tiết lạnh cũng sẽ giúp cho vụ hoa của bà con thuận lợi hơn, từ đó cho năng suất thu hoạch cao hơn.

Chị Phan Thị Hương chia sẻ, giá hoa cúc hiện nay khoảng 1.000 đồng/bông thu tại ruộng. Tuy nhiên, đến thời điểm Tết, giá hoa có thể sẽ tăng lên từ khoảng 4.000 đồng/bông, thậm chí cao hơn. “Hoa đẹp, nhu cầu cao thì giá hoa chắc chắn cũng sẽ cao hơn. Không thể nói trước giá hoa sẽ là bao nhiêu”, chị Hương nhấn mạnh. Còn bà Nguyễn Thị Gái cũng cho rằng: “Hoa ly tại thời điểm này, giá đã dao động khoảng 170.000 đồng đến 180.000 đồng/10 cành loại 5 tai, loại 3 tai khoảng 130.000 đồng/10 cành. Tết đến chắc chắn giá sẽ cao hơn rồi. Cầu mong thời tiết thuận lợi”, bà Gái chia sẻ.

Người trồng hoa trông nhiều vào vụ Tết vì giá hoa cao gấp đôi, gấp ba ngày thường. Sau một mùa dịch bệnh COVID-19 gây khó khăn cho sản xuất và tiêu thụ hoa thì hiện giá hoa Tây Tựu đã bắt đầu đi vào ổn định. Người trồng hoa mong thời tiết thuận lợi để vừa ổn định thu nhập cho gia đình, vừa có hoa phục vụ Tết cho mọi nhà.

Nguyễn Hương

Sáng 11/5, TP Hải Phòng tổ chức chương trình duyệt đội ngũ và diễu hành quần chúng biểu dương lực lượng chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Hải Phòng (13/5/1955- 13/5/2025) và Lễ hội Hoa Phượng Đỏ 2025. Đồng chí Trần Lưu Quang, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Chính sách, Chiến lược Trung ương đến dự.

Liên quan đến vụ sụt lún nghiêm trọng tại đường dẫn lên cầu Hòa Bình, thuộc xã Hòa Hội, huyện Châu Thành (Tây Ninh), trưa 11/5, UBND huyện Châu Thành (Tây Ninh) cho biết, nguyên nhân ban đầu được xác định do mưa lớn kéo dài, làm vỡ túi bùn cục bộ gây ra. Vụ việc khiến 5 người bị thương nhẹ, trong đó có 4 người đã trở về nhà.

Đã qua 2,5 năm, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Nam Anh Đảo Ngọc bị “đứng hình”, gây thiệt hại lớn. Hợp đồng với đối tác tại Phú Quốc lên đến 955 tỷ đồng, nhưng chỉ mới thực hiện được khoảng 15% và đến nay không thể tiếp tục thực hiện. Ông Sự cho biết đã nhiều lần đề nghị Cục Thuế Kiên Giang cho xuất hóa đơn điện tử nhưng đều bị từ chối.

Sáng 11/5, Thượng tá Lê Minh Hoàng, Phó Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tiếp nhận chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ngãi và thông tin trao đổi của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lâm Đồng, đơn vị đã phối hợp với Tổ công tác của phòng CSHS Công an tỉnh, bắt giữ 4 đối tượng trên đường chạy trốn, sau khi có liên quan đến vụ cố ý gây thương tích xảy ra trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Sau khi Báo CAND có bài viết: “Núi rừng Vĩnh Ô lại rỉ máu vì “vàng tặc”, phản ánh tình trạng khai thác vàng trái phép ở rừng phòng hộ Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), chính quyền địa phương và lực lượng chức năng đã vào cuộc. Ba chốt kiểm soát được thiết lập tại các tiểu khu 582, 583 (xã Vĩnh Ô) và 575H (xã Vĩnh Hà).

Từ Nghị quyết 68 đến hành động là một chặng đường. Doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt và tận dụng cơ hội này như thế nào? TS Nguyễn Sĩ Dũng – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách của Chính phủ đã có cuộc trao đổi với PV Báo CAND về chủ đề này. 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.