Lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc đang phải chịu phí quá cao
- XKLĐ những tháng cuối năm: Nhiều cơ hội mới
- Nhiều người bị lừa do thiếu thông tin về XKLĐ
- Chiếm đoạt nhiều tỷ đồng dưới chiêu trò liên kết XKLĐ
Theo đánh giá của ILO Việt Nam, so với lao động di cư từ nhiều nước khác, người lao động Việt Nam chịu chi phí di cư cao nhất. Họ cũng phải trả nhiều tiền hơn để đi làm việc ở nước ngoài và phải vay mượn để thanh toán cho những khoản chi phí đó làm cho người lao động dễ bị rơi vào tình trạng lệ thuộc vì nợ nần và buôn bán người.
“Phá rào” phí môi giới
Anh Nguyễn Văn Tuyến (Trực Ninh, Nam Định) vừa về nước sau 3 năm đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan. Hiện không ít người vẫn mong muốn được đi xuất khẩu để tìm kiếm cơ hội “đổi đời”, tuy vậy anh Tuyến không hề có mong muốn xuất cảnh nữa để đi kiếm tiền nơi xứ người.
Lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc đang phải chịu phí cao nhất trong khu vực. |
Theo anh Tuyến, để được sang Đài Loan làm công nhân dạng xuất khẩu lao động, mỗi người lao động phải đóng ít nhất 140 đến 160 triệu đồng chi phí các loại, đây là một số tiền không nhỏ với các gia đình ở các vùng quê. Không chỉ vay người thân, họ hàng, người ta phải vay mượn ngân hàng và trả lãi hằng tháng, nếu không có tiền gửi về, thì khoản nợ kia sẽ ngày càng nhiều.
“Nhiều người nghĩ rằng đi xuất khẩu lao động kiếm tiền rất dễ, gửi tiền về rất nhiều, nhưng không phải như vậy. Sang đó, làm việc rất cực nhọc. Từng đi xuất khẩu lao động nên tôi biết, các công ty đa số sẽ vẽ ra những cuộc sống toàn màu hồng cho các bạn trẻ và để bạn bỏ ra số tiền không nhỏ cho chuyến đi, nhưng không biết tương lai sẽ ra sao.
Theo quy định chi phí đi Đài Loan khá phù hợp, không quá cao, trung bình khoảng 4.000USD, thu nhập ổn định (khoảng từ 15-19 triệu đồng/tháng), thời gian xuất cảnh nhanh (thường 3-4 tháng). Thế nhưng, hiện nay không ít công ty vẫn "phá rào" thu phí trên trời, hàng nghìn đô, dẫn đến chi phí khi xuất cảnh được quá lớn, lao động sang đó làm việc bị áp lực về tiền bạc”, anh Tuyến nói.
Để sang được Nhật Bản theo dạng thực tập sinh, gia đình anh Phạm Văn Thanh, quê ở Bỉm Sơn - Thanh Hóa cũng phải bỏ ra số tiền không hề nhỏ là hơn 240 triệu đồng. Thế nhưng tháng 7 vừa rồi anh đã phải về nước trước thời hạn 1 năm do không chịu nổi thời tiết khắc nghiệt ở nơi làm việc.
Với kinh nghiệm 2 năm tại Nhật Bản, anh Thanh cho hay, nhiều bạn trẻ đi Nhật thông qua những công ty có chi phí môi giới cao, để có tiền gửi về Việt Nam cho gia đình trả nợ đã phải trốn ra ngoài làm việc, nhiều trường hợp bị cảnh sát bắt.
“Áp lực có khi đến từ chính những người nhà của các bạn đi xuất khẩu lao động, gia đình các bạn nghĩ rằng tiền kiếm ở Nhật rất dễ, phải gửi nhiều về, nhưng đâu có nghĩ rằng, kiếm tiền nơi đất khách quê người chật vật như thế nào. Làm 8 tiếng mỗi ngày rồi xoay ca, căng thẳng, mệt mỏi và áp lực đến mất ngủ”, anh Thanh cho biết.
Theo chị Phạm Thúy Hoa, đại diện một công ty chuyên xuất khẩu lao động Nhật Bản thì chi phí đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản hiện không quá cao. Đơn cử như đơn hàng liên quan đến xây dựng phí xuất cảnh còn 3.600 đến 4.000 USD. Không phải đặt cọc chống trốn. Tiền ăn, ở, học sau trúng tuyển trọn gói vào khoảng 500 đến 800 USD và khoảng 10 triệu các chi phí phát sinh khác. Vậy tổng chi phí để đi hết khoảng 110 đến 130 triệu đồng.
“Những người phải trả cao hơn mức này chủ yếu là do đi phải những công ty thu sai quy định về phí môi giới. Hiện tại theo quy định thì lao động đi xuất khẩu lao động Nhật Bản không phải đặt cọc, ký quỹ chống trốn nữa, thế nhưng có thể có những doanh nghiệp vẫn làm sai quy định, thu cọc hoặc ký quỹ chống trốn.
Điều quan trọng là người lao động phải tìm hiểu kỹ, bất kỳ công ty nào hoạt động đều phải dựa trên sự kiểm soát và quản lý của Nhà nước. Nên chỉ cần ngồi ở nhà là bạn có thể biết được công ty đấy có uy tín hay không. Cách tra cứu chính xác nhất xem công ty bạn đang tìm hiểu có uy tín không là truy cập website của Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ LĐ- TB&XH”, chị Hoa chia sẻ.
Phải giảm chi phí cho người lao động
Theo bà Nguyễn Thị Mai Thủy, Phụ trách Chương trình Lao động di cư của ILO Việt Nam, lao động ở Việt Nam đi ra nước ngoài làm việc chủ yếu thông qua các doanh nghiệp, dịch vụ và đã phải trả phí cao nhất trong khu vực.
"Khi chúng tôi phỏng vấn các lao động, họ chia sẻ rằng, vì phải trả chi phí cao, vay mượn tiền để được đi nên họ bắt buộc phải tìm kiếm cơ hội có việc làm thu nhập cao hơn. Trong khi đó, ở nước ngoài, vẫn có chủ sử dụng lao động sẵn sàng tuyển những lao động không có giấy tờ hợp pháp, nên việc bỏ trốn ra ngoài vẫn xảy ra", bà Thủy cho biết.
Chuyên gia ILO Nguyễn Thị Mai Thủy còn cho rằng, phải giảm thiểu các chi phí dịch vụ đối với người đi lao động nước ngoài. Việc này cũng giúp cho các doanh nghiệp tuyển dụng có đạo đức hơn, phát triển lâu dài và bền vững.
“Chúng ta vẫn còn rất nhiều điểm chưa hợp lí trong vấn đề chi phí đi lao động nước ngoài, đặc biệt là phí môi giới. Trên thực tế, người lao động Việt Nam đang phải trả 2 lần phí dịch vụ, bao gồm việc trả tiền cho môi giới ở trong nước và ở nước sở tại, nhưng để bảo vệ quyền lợi người lao động lại rất khó khăn”, bà Thủy cho hay.
Đề cập đến việc người lao động đang phải chịu chi phí quá cao, bà Trần Thị Vân Hà, Trưởng phòng Thông tin (Cục Quản lý lao động ngoài nước) cho rằng, tâm lý mong muốn đi nhanh của người lao động còn khá phổ biến, thậm chí là không muốn học, không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn muốn đi. Do đó, vẫn có lao động chấp nhận bỏ phí cao để vượt qua các vòng sơ tuyển của doanh nghiệp dịch vụ.
Theo bà Hà, việc sửa đổi Luật số 72 về lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tới đây cũng sẽ xem xét các vấn đề này. Vì hiện nay, dù có 4 hình thức chính, nhưng thực tiễn đã phát sinh các hình thức mới, như hợp tác giữa các địa phương 2 nước, hoặc việc nhiều công dân đi ra nước ngoài hợp pháp tự tìm được việc làm.
"Chúng tôi cũng sẽ nỗ lực giảm chi phí dịch vụ, bằng việc tăng cường hành lang pháp lý để đảm bảo lợi ích cho người lao động và doanh nghiệp phái cử. Luật này dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào năm 2020", bà Hà thông thông tin.