Logistics chưa đuổi kịp phát triển của thương mại điện tử
- Việt Nam đưa ra đề xuất về thương mại điện tử
- Thương mại điện tử tăng trưởng mạnh nhưng khó thu thuế
Thương mại điện tử (TMĐT) ở Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng vượt bậc với mức tăng 25% và mức tăng trưởng này sẽ duy trì đến năm 2020. Song hành với sự phát triển của TMĐT là dịch vụ logictics (dịch vụ nhận hàng, vận chuyển, lưu kho…). Tuy nhiên, trên thực tế, dịch vụ logictics hiện chưa phát triển kịp với TMĐT nên đang trở thành điểm nghẽn, cản sự phát triển của TMĐT...
Chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh (ngụ quận 7, TP Hồ Chí Minh), chủ cửa hàng chuyên kinh doanh online sản phẩm giày nữ thời trang cho biết, sản phẩm của chị bán ra thị trường với giá 360.000 đồng/sản phẩm, cộng với chi phí giao hàng 20.000 -30.000 đồng. Mỗi tháng tiêu thụ khoảng 1.200 – 1.500 sản phẩm trên cả nước.
Nếu nhìn vào doanh thu thì đây là con số tốt, nhưng do khâu vận chuyển, giao hàng còn nhiều bất cập nên cửa hàng chị Hạnh phải gánh thêm nhiều chi phí phát sinh, thậm chí... mất luôn nhiều khách hàng. Cụ thể, để hàng hóa nhanh chóng đến tay khách hàng, chị Hạnh đã ký hợp đồng với một đơn vị giao hàng nhanh, có mạng lưới nhân viên giao hàng trên toàn quốc.
Mặc dù theo cam kết, những đơn hàng gửi thường mất thời gian 2-4 ngày, gửi nhanh thì trong ngày (ở TP Hồ Chí Minh) hoặc 1-2 ngày ở ngoại tỉnh. Nhưng thực tế, chị Hạnh liên tục bị khách hàng phàn nàn vì không ít đơn hàng, khách hàng chờ đến 7-10 ngày vẫn chưa nhận được. Nhiều trường hợp khách hàng bực bội, hủy luôn đơn hàng. Khi nhận những phàn nàn của khách hàng, chị Hạnh liên lạc với đơn vị giao hàng thì được thông báo “hàng hóa đang trên đường vận chuyển”.
Với những trường hợp như vậy, người bán vừa không bán được hàng, vừa lại bị mất phí ship hàng hai lần (lần chuyển đi và lần hoàn về), hàng hóa trả về thì bị trầy xước, trong khi đơn vị nhận vận chuyển - giao hàng thì phủi trách nhiệm. “Chi phí cho vận chuyển, giao hàng ngốn mất 30-40% giá thành của đơn hàng”, chị Hạnh cho biết.
Nhu cầu mua hàng hóa qua thương mại điện tử của người tiêu dùng ngày càng tăng, nhưng dịch vụ vận chuyển, giao hàng chưa phát triển kịp với sự phát triển của thương mại điện tử. Ảnh minh họa: CTV |
Bức xúc của chị Hạnh chỉ là một trong nhiều trường hợp của chủ cửa hàng, DN, trong điều kiện bán hàng online đang ngày càng nở rộ như hiện nay. Nhận thấy điểm nghẽn từ khâu vận chuyển, giao hàng của các chủ bán hàng online, trên thị trường việc làm cũng đã xuất hiện các dịch vụ giao hàng (shipper).
Theo đó, khi nhận đơn hàng để giao cho khách, các shipper cũng thanh toán trước tiền đơn hàng đó cho người bán để tạo niềm tin, các đơn hàng này sẽ được các shipper nhanh chóng đi giao ngay trong ngày. Có thể thấy, dịch vụ giao hàng này đã trở thành một nghề “hot” trên thị trường việc làm, đáp ứng được nhu cầu giao hàng nhanh chóng.
Tuy nhiên, hạn chế của dịch vụ này là còn manh mún, nhỏ lẻ, chỉ giải quyết nhanh chóng những đơn hàng trong khu vực nội thành, nội tỉnh, nên chỉ đáp ứng phù hợp với các chủ kinh doanh online nhỏ lẻ. Trong khi đó, rất nhiều DN có website bán hàng online, DN TMĐT lớn như: Sendo, Adayroi!, Tiki, Lazada, Shopee, Vatgia... đang rất cần các đơn vị giao hàng chuyên nghiệp có mạng lưới phân phối trên toàn quốc.
Nhu cầu mua hàng hóa qua thương mại điện tử của người tiêu dùng ngày càng tăng, nhưng dịch vụ vận chuyển, giao hàng chưa phát triển kịp với sự phát triển của thương mại điện tử. |
Dưới góc độ là DN TMĐT đang sử dụng dịch vụ logistics, Giám đốc Lazada Express Vũ Đức Thịnh nhận xét: “Phương tiện vận chuyển ở nước ta không đa dạng, không tăng trưởng kịp với sản lượng hàng hóa, giá thành cao, lại thiếu nhân lực có trình độ và kinh nghiệm”. Đại diện Công ty CP Công nghệ Sen Đỏ cũng cho biết: “Trong chuỗi dịch vụ logistics thì khâu vận chuyển được coi là xương sống của TMĐT, nhưng hiện nay chi phí vận chuyển của các DN logistics còn khá cao”.
Hiện nay, tại thị trường trong nước, tổng số DN hoạt động trong lĩnh vực logistics khoảng hơn 3.000 DN, trong đó 20% là công ty Nhà nước, 70% là công ty TNHH và DN tư nhân là 10%. Tuy nhiên, theo Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam, hiện chưa có nhiều DN logistics có thể đáp ứng tốt nhất những yêu cầu của DN TMĐT. DN logistics Việt Nam chủ yếu quy mô nhỏ và vừa, tính chuyên nghiệp chưa cao, đặc biệt là chưa liên kết chặt chẽ để phục vụ khách hàng, chỉ đáp ứng được các dịch vụ giao nhận, cho thuê kho bãi, làm thủ tục hải quan, gom hàng lẻ... và chưa tham gia điều hành cả chuỗi logistics như các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Trong khi đó, thông tin từ Hiệp hội TMĐT Việt Nam, tốc độ tăng trưởng TMĐT của Việt Nam đạt trên 25% và sẽ duy trì đến năm 2020. Để việc mua hàng qua mạng thành công thì cần phải có dịch vụ logictics tốt.
Chính vì dịch vụ logictics không phát triển theo kịp với tốc độ phát triển của TMĐT nên hiện có hơn 40% người tiêu dùng không hài lòng về tốc độ giao hàng, chi phí giao nhận cũng khá cao so với nhu cầu mua sắm online. Riêng về chi phí, hiện logistics ở Việt Nam đang chiếm tới 30% doanh thu TMĐT, trong khi một số nước như Ấn Độ chỉ có 10-15%, Mỹ chiếm 11,7%, Trung Quốc 12%...
Trước thực tế đó, bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và kinh tế số (Bộ Công Thương) nhìn nhận: “Để TMĐT phát triển hơn nữa không chỉ chú trọng đến chất lượng và uy tín của sản phẩm, mà dịch vụ giao nhận cũng phải thuận lợi, nhanh chóng, giá cạnh tranh. Đặc biệt, cần có mối liên kết chặt chẽ giữa dịch vụ logictics và các DN TMĐT theo hướng phát triển ứng dụng công nghệ mới”.
Xác định thời gian giao hàng và chi phí vận chuyển là những yếu tố cạnh tranh gay gắt, khắc nghiệt nhất trong TMĐT hiện nay, nhiều DN TMĐT đã bứt phá bằng cách áp dụng các dịch vụ giao hàng nhanh và đưa các công nghệ vào trong DN. Điển hình, Lazada mở dịch vụ hỏa tốc; Tiki tuyên bố thời gian giao hàng chỉ trong vòng 2 giờ; nhiều DN TMĐT khác cũng có cam kết thời gian giao hàng chỉ trong ngày... Là DN hoạt động trong lĩnh vực logistics, đồng thời cũng là đơn vị được Tiki chọn giao hàng nhanh, đại diện Công ty cổ phần dịch vụ Giao Hàng Nhanh cho rằng, giải pháp căn cơ nhất để giải quyết nút thắc trong logictics đó là phải có sự liên kết giữa các DN dịch vụ logistics để từ đó đưa ra giải pháp tổng thể từ kho bãi, lưu chuyển hàng hóa, quy trình chuẩn... nhằm giảm chi phí. |