Mua vàng cầu may vía Thần tài: Vừa mua xong, lỗ ngay tiền triệu
- Ngày vía “thần tài”, đường phố sực nức mùi cá lóc nướng
- Phố vàng Hà thành nhộn nhịp ngày vía Thần Tài
Xếp hàng mua vàng
Từ 5h sáng, tại “phố vàng” Trần Nhân Tông- Hà Nội, hàng chục người đã đến xếp hàng canh giờ mở cửa để mua vàng lấy may ngày vía Thần tài. Theo phản ánh, thậm chí có người cả đêm không ngủ, lang thang lên xếp hàng từ 1-2h sáng với hy vọng mua được chỉ vàng đầu tiên, “cướp” may mắn về nhà trong năm mới. Có người còn bế cả bụng bầu, trẻ em chen lấn xô đẩy trong dòng người để mua vàng cầu may.
Người mua ít thì 1 chỉ, nhiều thì dăm ba chỉ, thậm chí có “thiếu gia” chịu chơi còn “xuống tiền” mua ngay 50 chỉ vàng để về tặng người thân lấy may. Cũng không ít người tìm đến các sản phẩm vàng trang sức.
Theo ghi nhận, nhiều khách hàng cho biết dù biết mua vàng vào ngày vía Thần tài sẽ rất đông và giá cả cũng đắt hơn ngày thường nhưng họ vẫn chấp nhận để lấy vía, lấy may. Bởi vậy, phần đông khách hàng đi mua vàng ngày này không mang tính chất đầu cơ hay tích trữ, chủ yếu mua một mặt hàng nào đó để biểu tượng lấy may mắn, trong khi ngày thường, một khách hàng có thể mua 10 lượng đến 100 lượng.
Hàng nghìn người chen chúc mua vàng cầu vía Thần tài. |
Chị Quỳnh Hoa- một tiểu thương ở chợ Thanh Xuân cho biết không như những năm trước xếp hàng từ sáng sớm, năm nay chị tranh thủ buổi trưa để ra mua vàng cầu may.
“Đây là năm thứ 4 tôi mua vàng ngày Thần tài để mong cả năm may mắn, mua may bán đắt. Nói thật là công việc cũng không thuận lợi hay may mắn gì hơn so với những năm trước khi chưa mua vàng, thậm chí như năm ngoái, gia đình tôi cũng gặp nhiều chuyên xui xẻo, làm ăn khó khăn hơn. Năm nay đã cũng nản, định không mua, nhưng thấy mọi người chen chúc xếp hàng nhiều quá, sốt ruột nên cũng phải cố để mua 1 chỉ vàng lấy may. Nếu may mắn thì tốt, không may thì cũng… tại số”, chị Hoa thật thà chia sẻ.
Người người kìn kìn mua vàng, khiến cho cả đoạn phố Trần Nhân Tông tắc nghẽn. Lực lượng cảnh sát được điều động để giữ trật tự và điều phối giao thông. Nhà vàng tất bật bố trí ghế ngồi, phát số, bê nước uống phục vụ khách tại chỗ.
Thậm chí vì quá đông, cửa hàng Bảo Tín Minh Châu phải bắc loa ra ngoài hè, báo giá vàng, yêu cầu khách không quẹt thẻ mà phải chuẩn bị sẵn tiền mặt trên tay, để khi đến lượt vào giao dịch cho nhanh. Người hỉ hả vì mua được vàng sớm, kẻ thiểu não vì phải chờ lâu, người già mệt mỏi, trẻ em bị nhồi giữa dòng người khóc mếu máo… Bỏ tiền đi mua vàng mà không khác gì đi đánh vật, đi mua hàng thời bao cấp.
Vàng loạn giá, khoảng cách mua bán bị nới rộng
Trong khi người mua “tận tụy” xếp hàng để mua vàng, thì giá kim loại quý giữa các doanh nghiệp lại có dấu hiệu loạn. Dù không chênh quá lớn, nhưng doanh nghiệp mạnh ai nấy bán, và tìm cách kéo giãn khoảng cách mua vào- bán ra của vàng để kiếm lời. Diễn biến đống chú ý là dù khách hàng tăng vọt, nhưng giá vàng đúng ngày vía Thần tài có dấu hiệu giảm so với ngày hôm trước. Điều này do tác động từ giá vàng thế giới mang lại.
Tuy nhiên, việc giảm này không mang lại may mắn hơn cho khách hàng, ngược lại còn giúp các doanh nghiệp càng thêm lãi khi họ cố tình nới rộng khoảng cách mua bán. Tại thị trường Hà Nội, giá vàng miếng được SJC đầu giờ chiều bán ra ở mức 37,02 triệu đồng/lượng, giảm thêm 60.000 đồng so với buổi sáng. Trong khi đó, giá mua vào đã bị đẩy xuống mức 36,55 triệu/lượng, giảm sâu 200.000 đồng. Như vậy, khoảng cách giữa giá mua và giá bán vàng miếng tại SJC đã được đẩy lên mức 470.000 đồng/lượng.
Trong khi ngày 13-2, mức chênh lệch này chỉ là 220.000 đồng mỗi lượng. Hàng loạt đơn vị kinh doanh vàng khác cũng nới rộng khoảng cách mua - bán vàng miếng như PNJ chênh lệch 750.000 đồng/lượng; Sacombank-SBJ chênh nhau 420.000 đồng/lượng…
Tại Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI, khoảng cách chênh lệch giá vàng miếng SJC lên mức 900.000 đồng/lượng vào đầu giờ chiều. Theo đó, giá vàng miếng được DOJI niêm yết ở mức 36,6 - 37,5 triệu đồng/lương, tăng 150.000 đồng ở chiều bán nhưng giảm mạnh 400.000 đồng/lượng ở chiều mua vào. Song, đây chưa phải mức chênh lệch mua - bán vàng cao nhất trên thị trường. Mức giá cao nhất được ghi nhận là tại Ngân hàng TPBank, giá bán lẻ vàng SJC là 36,55 - 37,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Điều này đồng nghĩa với việc nếu khách hàng mua vàng sau đó bán ra ngay lập tức bị lỗ gần 1 triệu đồng mỗi lượng. Nếu so với mức chênh lệch giá mua và giá bán các đơn vị kinh doanh vàng đưa ra hồi năm ngoái, mức chênh lệch năm nay đều cao hơn 30-40%. Theo nhận định của các chuyên gia, sau ngày vía Thần tài, giá vàng sẽ tiếp tục giảm mạnh.