Nắm bắt xu thế mới, dịch chuyển thị trường xuất khẩu
- Doanh nghiệp cần thận trọng để tránh “sập bẫy” tại thị trường xuất khẩu
- Doanh nghiệp cần chủ động để tránh bị kiện tại thị trường xuất khẩu
Ở chiều ngược lại, các DN Việt Nam cũng đã nhanh nhạy, kịp thời nắm bắt xu thế để chuyển hướng thị trường xuất khẩu, nhằm tránh những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra...
“Hiện, đã có rất nhiều DN Mỹ đã đầu tư vào ngành dệt may tại Việt Nam. Điển hình như tại Nhơn Trạch – Đồng Nai, một tập đoàn của Mỹ đã đầu tư nhà máy rất lớn tại đây, và tôi cho rằng việc các DN Mỹ đầu tư vào Việt Nam là cách cơ cấu trong nguồn cung thiếu hụt của ngành dệt may Việt Nam”, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) nhận xét.
Nói về ngành gỗ, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (Hawa) cho biết hiện đang có một quá trình chuyển dịch đầu tư từ các quốc gia như Đài Loan, Trung Quốc và rất nhiều hãng của Mỹ đầu tư ở các khu công nghiệp về đồ gỗ rất lớn tại Bình Dương, Tây Ninh và một số tỉnh Miền Trung.
Sự dịch chuyển đầu tư của các DN nước ngoài vào Việt Nam khiến đơn giá nhân công tăng cao, dẫn đến sẽ có sự cạnh tranh giữa các DN. Bên cạnh đó, nguy cơ lẩn tránh thương mại cũng đang là vấn đề tiềm ẩn những rủi ro.
Trước tình hình thị trường trong nước có sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa DN “nội” và DN có vốn đầu tư nước ngoài, xuất khẩu cũng gặp không ít khó khăn, các DN trong nước đã chủ động tìm cách để chuyển hướng đầu tư, nhằm giữ vững thị phần. Với ngành dệt may, ông Vũ Đức Giang cho biết, ảnh hưởng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, ngành dệt may thật sự đã bị “ngấm đòn”.
Cụ thể, ngành sợi Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc rất lớn, trên 2 tỷ USD/năm, nhưng 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu sợi vào Trung Quốc giảm sâu. Nguyên nhân, do đồng nhân dân tệ của Trung Quốc phá giá, nên sợi Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc không cạnh tranh nổi với các sản phẩm sợi Trung Quốc. Các đơn hàng sản xuất của Trung Quốc giảm nên sức mua của các nhà sản xuất vải cũng giảm.
Ngoài ra, Việt Nam mua vải từ Trung Quốc bị tăng giá, thời gian giao hàng phức tạp, vấn đề thanh toán tiềm ẩn rủi ro... là những áp lực lớn cho DN ngành dệt may trong nước. Kế hoạch đặt ra trong năm 2019, xuất khẩu dệt may sẽ đạt 39,5 - 40 tỷ USD, xuất sang 4 thị trường trọng tâm nhất là: Mỹ (42%), EU (22%), Nhật Bản (20%), Hàn Quốc (15%)...
Nhờ khai thác đúng thị hiếu khách hàng, ngành chế biến gỗ tăng trưởng cao tại thị trường xuất khẩu. |
“Không bán được hàng cho Trung Quốc, chúng tôi chuyển sang thị trường thứ 3. Hiện chúng tôi đang xuất khẩu tương đối lớn, đó là thị trường các nước Trung Đông. Sợi Việt Nam xuất khẩu sang Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản và xuất cho thị trường Mỹ để sản xuất vải. Nhìn chung, ngành sợi hiện nay rất đa dạng thị trường nên mặc dù gặp khó khăn tại thị trường lớn là Trung Quốc, nhưng chúng tôi vẫn giữ được thị phần. Vì thế, trong 8 tháng đầu năm nay, tăng trưởng ngành dệt may trên 10% và khả năng đạt kim ngạch xuất khẩu 39 - 40 tỷ USD trong năm nay là hoàn toàn đạt được”, ông Giang lạc quan nhưng cũng nêu ra một số khó khăn.
Hiện nay Việt Nam nhập khẩu bông lớn thứ 2 của Mỹ và đây là một trong những thị trường nhập khẩu bông trọng tâm của Việt Nam. Tuy nhiên, do không có tổng kho ngoại quan của Mỹ tại Việt Nam nên DN không chủ động được nguồn nguyên liệu bông (trong khi Mỹ có tổng kho ngoại quan ở Indonesia). Nếu vấn đề này được giải quyết thì ngành dệt may Việt Nam sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn nữa.
Với ngành đồ gỗ, ông Nguyễn Chánh Phương cho rằng Mỹ là thị trường chủ yếu của ngành đồ gỗ Việt Nam với hơn 40% sản lượng xuất khẩu của toàn ngành. Đặc biệt, năm 2018, 2019 con số tăng trưởng từ hơn 20% lên đến hơn 30%. Đồ gỗ Việt Nam có sản phẩm, mẫu mã ở mức trung bình rất phù hợp với thị trường Mỹ do thị trường này yêu cầu giá cả, chất lượng vừa phải.
Nhìn nhận vấn đề ở góc độ là Giám đốc Công ty AA Long An, ông Phương cho rằng, trong hai năm qua, Công ty AA Long An đã cố gắng mở rộng một số mặt hàng mà Việt Nam không phải là thế mạnh, ví dụ như tủ bếp, đồ văn phòng... Đây là những sản phẩm thế mạnh trước đây của Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, nhưng gần đây Việt Nam đã vượt trội.
“DN xuất khẩu cần nghiên cứu kỹ thị trường, đầu tư dây chuyền máy móc công nghệ mới để đầu tư vào những mặt hàng không phải là thế mạnh. Thị trường xung quanh khu vực Châu Á Thái Bình Dương là thị trường rất tiềm năng của Việt Nam”, ông Phương khuyến nghị.
Ông Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban kinh tế thế giới - Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch – Đầu tư, khuyến khích DN trong ngắn hạn nên khai thác những lỗ hổng thị trường do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Chẳng hạn, DN có thể gia tăng xuất khẩu vào Mỹ ở 12 nhóm hàng thực phẩm chế biến như thịt, động vật giáp xác, rau quả..., vì nằm ở mức thuế không cao và thị phần không nhiều, nên là cơ hội lớn cho DN Việt.
Tập trung phối hợp kiểm soát gian lận xuất xứ, chống lẩn tránh thuế Hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng cộng với bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung căng thẳng đã và đang đặt ra “bài toán” khó với Việt Nam trong kiểm soát gian lận xuất xứ, chống lẩn tránh thuế. Bởi, trong thời gian qua, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã và đang bị cảnh báo trước nguy cơ bị điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại (PVTM) của các thị trường xuất khẩu (XK) lớn, điển hình là Mỹ. Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, trong giai đoạn 2000-2016, có 15 vụ việc điều tra lẩn tránh thuế PVTM với hàng hóa XK của Việt Nam. Như vậy, trung bình diễn ra 1 vụ/năm. Tuy nhiên, chỉ trong các năm 2017 và 2018, mỗi năm đã có 3 vụ việc được tiến hành khởi xướng điều tra. Dự kiến, xu hướng này sẽ tiếp tục gia tăng khi Việt Nam đã có những dấu hiệu về dịch chuyển đầu tư cũng như phạm vi, số lượng sản phẩm bị áp dụng biện pháp PVTM đang gia tăng. Đặc biệt, mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh vừa ký văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố Danh sách cảnh báo các sản phẩm có nguy cơ bị điều tra PVTM, chống lẩn tránh thuế (cập nhật đến tháng 7-2019). Theo đó, các sản phẩm được phân loại theo 4 mức độ cảnh báo. Các sản phẩm ở mức cảnh báo 4 và 3 là nhóm mặt hàng cần tiến hành theo dõi chặt chẽ, kiểm tra hoạt động của các DN liên quan. Nhóm sản phẩm ở mức cảnh báo 2 và mức 1 là nhóm cần quan tâm và tiếp tục theo dõi. Trong danh sách 13 mặt hàng được công bố, gỗ dán dùng nguyên liệu là gỗ cứng là mặt hàng duy nhất được cảnh báo ở mức độ 4. Mặt hàng này, Mỹ đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm NK từ Trung Quốc vào tháng 12-2016; áp thuế tạm thời từ tháng 6-2017 và áp thuế chính thức tháng 12-2017. Do XK gỗ dán từ Trung Quốc vào Mỹ giảm song XK mặt hàng này từ Việt Nam vào Mỹ tăng lên, Việt Nam đã rơi vào “tầm ngắm” điều tra lẩn tránh thuế của Mỹ. Bên cạnh gỗ dán, có tới 6/13 mặt hàng nằm ở mức độ cảnh báo 3 gồm: Đá nhân tạo; giá để đồ bằng sắt; đệm mút; xe đạp điện; lốp xe tải và xe khách; thép chống ăn mòn. Các sản phẩm ở mức cảnh báo 2 gồm: Vành thép không gỉ; thép tấm cán nóng; sản phẩm đúc bằng gang và xơ sợi tổng hợp. Các sản phẩm ở mức cảnh báo 1 gồm thép chống ăn mòn và ruy băng trang trí. Về câu chuyện PVTM, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng, hiện nay có những nước, điển hình như Mỹ đã có những đổi thay trong cách thức tiếp cận các vụ kiện chống lẩn tránh PVTM, đặt ra nguy hiểm cho Việt Nam. Ví dụ như câu chuyện của ngành thép. Trong 70 năm qua, sản xuất tôn từ thép cán nóng của Việt Nam được Mỹ xem là quá trình đã có sự chuyển đổi căn bản. Tuy nhiên, hiện nay nếu Việt Nam sử dụng thép cán nóng Trung Quốc sản xuất ra tôn để XK sang Mỹ lại được Mỹ xem xét, có thể coi là lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá mà Mỹ áp dụng cho Trung Quốc. Các nước NK hàng hoá như Mỹ rất có thể sẽ áp dụng tối đa biện pháp chống lẩn tránh thuế. Nếu một ngày họ áp dụng ngẫu hứng cách tiếp cận này cho cả hàng dệt may, da giày, hạt điều... thì câu chuyện càng nguy hiểm hơn. Trước những lo ngại trên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Chính phủ đã ban hành Quyết định 824/QĐ-TTg ngày 4-7-2019 phê duyệt Đề án tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh PVTM, gian lận xuất xứ. Bộ Công Thương sẽ khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai nghiêm túc các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao trong Đề án. Theo đó, việc triển khai Đề án cần mang tính tập trung, trọng điểm nhằm tạo chuyển biến trong công tác phòng chống lẩn tránh, gian lận xuất xứ. Lưu Hiệp |