Nắm chắc quy tắc xuất xứ để chinh phục thành công thị trường EU

08:07 01/06/2020
Hiệp định EVFTA được phê chuẩn và đưa vào thực thi trong thời gian tới sẽ mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU.

Ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, trên 85% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ cho hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU. 

Tuy nhiên, để được hưởng ưu đãi thuế quan, doanh nghiệp Việt Nam cần đáp ứng các quy định về quy tắc xuất xứ của Hiệp định EVFTA. Nhân dịp này, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã chia sẻ với báo chí một số thông tin liên quan đến quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA.

PV: Thưa ông, so với các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà hiện nay Việt Nam đang tham gia, quy định về quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA được đánh giá như thế nào?

Ông Phan Văn Chinh: Quy định về quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA không phải là mới hoàn toàn đối với các doanh nghiệp Việt Nam vì quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA được xây dựng và đàm phán dựa trên quy tắc xuất xứ trong GSP, là cơ chế ưu đãi mà EU dành cho Việt Nam nhiều năm nay. Hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang EU theo cơ chế GSP tương đối nhiều. 

Tuy nhiên, so với các FTA khác mà Việt Nam đang tham gia, quy định về quy tắc xuất xứ trong EVFTA có nhiều điểm mới hơn, cả về cách diễn đạt tiêu chí và các quy định kèm theo. Chẳng hạn một số mặt hàng như dệt may, mực và bạch tuộc chế biến được phép cộng gộp xuất xứ với nguyên liệu từ nước không phải thành viên Hiệp định, quy định cho hưởng ưu đãi đối với một số lãnh thổ đặc thù hay chia nhỏ hàng hóa ở nước thứ ba ngoài Hiệp định… 

Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA không hoàn toàn mới nhưng tương đối phức tạp. Chính vì vậy, để tận dụng tốt cơ hội mà Hiệp định mang lại, doanh nghiệp Việt Nam cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để thực thi Hiệp định trong thời gian tới.

PV: Trong Hiệp định EVFTA sẽ áp dụng song song hai cơ chế là cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) truyền thống và tự chứng nhận xuất xứ?

Ông Phan Văn Chinh: Theo cam kết, Hiệp định cho phép áp dụng cơ chế cấp C/O (C/O mẫu EUR.1) và cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Tại Việt Nam, thời điểm áp dụng tự chứng nhận xuất xứ do nội luật quy định. Trước khi áp dụng cơ chế này, Việt Nam sẽ thông báo tới EU và ban hành hướng dẫn trong nước. 

Cụ thể: Đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam: Với lô hàng có trị giá dưới 6.000 euro, bất kỳ nhà xuất khẩu nào cũng được phép tự chứng nhận xuất xứ (tương tự quy định GSP hiện hành). Với lô hàng có trị giá trên 6.000 Euro, áp dụng cơ chế C/O do cơ quan, tổ chức được Bộ Công Thương ủy quyền cấp. 

Đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam: Với lô hàng có trị giá dưới 6.000 euro, bất kỳ nhà xuất khẩu nào cũng được phép tự chứng nhận xuất xứ (tương tự quy định GSP hiện hành). Với lô hàng có trị giá trên 6.000 euro, chỉ có nhà xuất khẩu đủ điều kiện theo quy định của EU mới được tự chứng nhận xuất xứ.

Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương.

PV: Vậy ông có thể nói rõ hơn về tiêu chí xuất xứ cụ thể đối với một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường châu Âu?

Ông Phan Văn Chinh: Tiêu chí xuất xứ đối với thủy sản nguyên liệu và thủy sản chế biến trong EVFTA là xuất xứ thuần túy, theo đó thủy sản phải được sinh ra hoặc lớn lên tại một nước thành viên Hiệp định EVFTA. Tiêu chí xuất xứ thuần túy đối với thủy sản trong EVFTA được xem là linh hoạt hơn so với GSP do trong GSP, thủy sản được coi là có xuất xứ thuần túy khi đồng thời sinh ra và lớn lên tại EU, hoặc nước được hưởng GSP. Bên cạnh đó, Việt Nam được phép sử dụng mực và bạch tuộc nguyên liệu từ các nước ASEAN (quy tắc cộng gộp) để sản xuất mực và bạch tuộc chế biến xuất khẩu sang EU.

Trong khi đó, tiêu chí xuất xứ đối với sản phẩm dệt may trong EVFTA là tiêu chí hai công đoạn - “từ vải trở đi”, tức vải nguyên liệu được dùng để may quần áo phải được dệt tại Việt Nam, hoặc các nước thành viên EU. Đồng thời, sản phẩm dệt may cần đáp ứng tiêu chí công đoạn gia công chế biến cụ thể quy định tại Hiệp định. Tuy nhiên, Hiệp định EVFTA cho phép sử dụng linh hoạt 10% (theo trọng lượng) sợi hoặc xơ và 8% (theo giá trị) nguyên liệu dệt may khác không có xuất xứ được sử dụng trong quá trình sản xuất.

PV: Như vậy, tiêu chí xuất xứ đối với mặt hàng dệt may trong EVFTA, hay tiêu chí “từ vải trở đi”, là phức tạp hơn so với tiêu chí xuất xứ cho mặt hàng này trong các FTA khác mà Việt Nam đang tham gia, thưa ông?

Ông Phan Văn Chinh: Tiêu chí xuất xứ “từ vải trở đi” cũng đã có trong FTA giữa ASEAN và Nhật Bản hay FTA song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản. Thậm chí, tiêu chí xuất xứ đối với dệt may trong Hiệp định CPTPP còn phức tạp và khó hơn khi yêu cầu sợi tham gia vào quá trình sản xuất sản phẩm dệt may cũng phải có xuất xứ trong khối CPTPP. 

Tiêu chí xuất xứ “từ vải trở đi” trong EVFTA vẫn là thách thức đối với các doanh nghiệp dệt may Việt Nam do ngành dệt may hiện nay vẫn đang phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, mà lại nhập khẩu từ những nước ngoài EU như Trung Quốc hay Đài Loan. Hơn nữa, tiêu chí xuất xứ của dệt may trong EVFTA được quy định rất cụ thể, đến từng công đoạn, đòi hỏi doanh nghiệp phải hiểu thật rõ và đúng các tiêu chí để có thể áp dụng được.

PV: Theo ông, cơ chế xác minh xuất xứ trong Hiệp định EVFTA có điểm gì khác biệt không?

Ông Phan Văn Chinh: Cơ chế xác minh xuất xứ trong Hiệp định EVFTA là cơ chế xác minh giữa cơ quan chính phủ và cơ quan chính phủ (G to G), thời gian hai bên phối hợp thực hiện xác minh xuất xứ hồ sơ giấy là 10 tháng. Trong trường hợp nước nhập khẩu liên tục phát hiện gian lận xuất xứ hàng hóa; hoặc nước xuất khẩu thiếu hợp tác, không cho nước nhập khẩu kiểm tra xác minh xuất xứ tại cơ sở sản xuất, hai bên cùng bàn biện pháp khắc phục. 

Sau 30 ngày không đạt được đồng thuận, vụ việc được đưa lên Ủy ban thực thi Hiệp định và sau 60 ngày không đạt được biện pháp giải quyết, bên nhập khẩu áp dụng biện pháp tạm dừng ưu đãi. Thời gian áp dụng tạm dừng ưu đãi là 3 tháng và có thể gia hạn thêm 3 tháng.

PV: Khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực thì cơ chế GSP trước nay EU dành cho Việt Nam có còn được áp dụng hay không, thưa ông?

Ông Phan Văn Chinh: Theo quy định của EU, khi một nước đang được EU cho hưởng cơ chế GSP mà ký kết Hiệp định thương mại tự do với EU thì cơ chế GSP sẽ tự động kết thúc. Tuy nhiên, trong thời gian đầu EVFTA có hiệu lực, do các bước cắt giảm thuế trong biểu cam kết thuế quan của EU nên thuế quan ưu đãi của EU tại thời điểm EVFTA có hiệu lực có thể cao hơn so với mức thuế mà Việt Nam đang được hưởng trong GSP. Chính vì vậy, EU cho phép Việt Nam chuyển đổi từ GSP sang EVFTA với lộ trình 7 năm.

PV:  Để hỗ trợ cho doanh nghiệp có thể tham gia và tận dụng ưu đãi ngay từ những ngày đầu Hiệp định EVFTA có hiệu lực, Bộ Công Thương cũng như Cục Xuất nhập khẩu đã triển khai những hoạt động nào?

Ông Phan Văn Chinh: Với vai trò là cơ quan đầu mối thực thi Hiệp định EVFTA tại Việt Nam, Bộ Công Thương đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để chuẩn bị trong giai đoạn trước và sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, trong đó có thể kể đến công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn các quy định tại Hiệp định, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình cấp C/O, tổ chức các hội thảo tuyên truyền, phổ biến Hiệp định EVFTA… 

Cục Xuất nhập khẩu sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam cách xử lý, thực hiện và rà soát về mặt kỹ thuật khi có yêu cầu về kiểm tra, xác minh xuất xứ từ phía EU trong trường hợp cần thiết, để bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, nhằm ngăn chặn các hành vi gian lận xuất xứ, ngoài việc thực hiện các chương trình nâng cao năng lực của cơ quan, tổ chức cấp C/O, Cục sẽ thành lập các đoàn trực tiếp kiểm tra, xác minh xuất xứ tại cơ sở sản xuất của doanh nghiệp để đảm bảo việc thực hiện quy tắc xuất xứ EVFTA.

PV: Doanh nghiệp cần chuẩn bị những gì để có thể tận dụng ưu đãi ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực và được đưa vào thực thi?

Ông Phan Văn Chinh: Do quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA yêu cầu sự tham gia lớn của nguồn nguyên liệu trong khu vực FTA, ví dụ như thủy sản, dệt may hay da giày, các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao năng lực sản xuất, chế biến sâu, tìm kiếm nguồn nguyên liệu trong khu vực hoặc phát triển các nguồn nguyên liệu từ trong nước. Đồng thời, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm hiểu, tham gia các hoạt động phổ biến, tuyên truyền về Hiệp định để có thể hiểu rõ, hiểu đúng các quy định về quy tắc xuất xứ, tự tin áp dụng ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!


Lưu Hiệp (ghi)

Nhiều xe chữa cháy chuyên dụng cùng trang thiết bị hiện đại và hàng chục CBCS Cảnh sát PCCC và CNCH được huy động chiến đấu với "giặc lửa" tại hiện trường vụ hỏa hoạn ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội). May mắn không có thiệt hại về người.

Ngày 9/1, Công an TP Vinh, tỉnh Nghệ An cho biết: đơn vị vừa phá thành công chuyên án, bắt giữ 2 đối tượng về hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, thu giữ số ma túy lớn và nhiều vật chứng liên quan khác.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, khoảng 1.000 kiều bào, trong đó có 100 kiều bào tiêu biểu, sẽ tham gia chương trình Xuân Quê hương 2025, mở đầu cho một năm đầy ắp những sự kiện lớn của đất nước, đồng thời, là cơ hội để vinh danh những đóng góp của người Việt Nam ở nước ngoài với quê hương, động viên kiều bào tiếp tục nỗ lực vì sự phát triển của đất nước. 

Ngày 9/1, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Hoà Bình cho biết, đơn vị vừa phối hợp với Công an huyện Kim Bôi đã phát hiện, đấu tranh được nhiều tài khoản trên các nền tảng mạng xã hội có tên “@hotieubao123, @hotieubaoservice, @hatokibotnetstealer; @jero_stealer_japan” có hành vi mua bán phần mềm mã độc sử dụng để tấn công mạng.

Ngày 9/1, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Hoàng Khánh Linh (SN 2004, trú tại TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) về tội giết người. Điều rất đau lòng là bị hại trong vụ án chính là người Linh yêu. 

Thông tin từ Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho biết, hiện có 4 nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN) kinh doanh thương mại điện tử dựa trên nền tảng số tại Việt Nam chưa thực hiện quy định về đăng ký thuế thông qua Cổng thông tin điện tử (TTĐT) của Tổng cục Thuế.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文