Ngân hàng e ngại khi giải quyết vốn vay cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
- Bài học nhắc các ngân hàng tăng cường biện pháp phòng ngừa
- Thúc đẩy xoá đói giảm nghèo từ hoạt động của Ngân hàng chính sách xã hội TP Hải Phòng
Ngày 5-10 tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp với Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo giải pháp tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Theo thống kê DNNVV chiếm 97% tổng doanh nghiệp (DN) đang hoạt động tại Việt Nam, đóng góp 45% GDP; 31% vào tổng thu ngân sách và thu hút hơn 5 triệu việc làm.
Ông Vũ Quốc Hùng, Vụ trưởng Chính sách tiền tệ (NHNN) đánh giá, DNNVV gặp nhiều bất lợi khi tiếp cận tín dụng. DNNVV thường DN trẻ, chưa đủ thời gian để xây dựng lòng tin với ngân hàng, tỷ lệ sống sót của DN trẻ thường thấp tạo ra rủi ro lớn cho NH. Hơn nữa, DN trẻ đang hoàn thiện nên yếu kém trong sản xuất kinh doanh, trong khả năng maketing, không đủ nhân viên kế toán đủ trình độ để áp dụng đủ các chế độ kế toán. DNNVV thường không đủ khả năng để lập dự án chi tiết nhằm thuyết phục ngân hàng.
DNNVV chiếm 97% tổng doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam |
Theo thống kê của NHNN, tính đến hết tháng 8, dư nợ tín dụng của DNNVV đạt 1,29 triệu tỷ đồng; tăng 7,49% do với cuối năm 2016 và chiếm hơn 21% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Các tổ chức tín dụng tích cực tiếp cận nhóm DNNVV với nhiều chương trình cho vay ưu đãi.
Chương trình kết nối ngân hàng – DN tại các địa phương đã tổ chức 260 buổi gặp, thảo luận, gỡ khó cho DN với cam kết cho vay trên 390.000 tỷ đồng, doanh số giải ngân đạt 375.000 tỷ đồng cho hơn 30.000 DN. Ngân hàng gia hạn, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ cho hơn 25.000 tỷ đồng cho hơn 1.000 DN. Ngân hàng còn áp dụng giảm lãi suất, giảm phí cho gần 6.000 DN với tổng dư nợ 17.000 tỷ đồng.
Bà Lê Phương, Giám đốc Cty TNHH Chè Á Châu cho rằng, việc thiếu vốn để đổi mới công nghệ, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế trở thành vòng luẩn quẩn. Vốn ít nên đầu tư công nghệ thấp, khiến năng suất thấp và kéo theo tốc độ tăng trưởng thấp và khiến mức tích luỹ vốn cho nền kinh tế thấp.
Ông Lâm Văn Chiều, Phó giám đốc Cty TNHH Cường Tân - DN sản xuất giống lúa lai F1 hàng đầu Việt Nam cho biết, diện tích sản xuất lớn nhưng đi thuê của nông dân và quy hoạch thành “Cánh đồng mẫu lớn” với vốn đầu tư xây dựng trung bình 60 triệu đồng/ha. Nhưng phần đất đai sản xuất, hạ tầng cánh đồng không có giá trị thuế chấp để bảo lãnh vay vốn nên ông Chiều đề nghị NH xem xét DN làm ăn hiệu quả được tăng tỷ lệ vay tín chấp nhằm phát triển sản xuất, kinh doanh.
Nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, việc mở rộng tín dụng cho DNNVV trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa DN với DN, giữa NH với NH có nhiều rủi ro như sử dụng vốn sai mục đích; rủi so về sử dụng vốn ngắn hạn cho đầu tư dài hạn, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản. Rủi ro do DN mở rộng quy mô không phù hợp với nhu cầu thị trường và năng lực quản lý của DN. Rủi ro về quản lý vốn, quản lý tài chính của DN thiếu minh bạch.
Theo ông Nghĩa, DN đáng ra đầu tư sản xuất 1.000 tấn sản phẩm sẽ có lãi nhưng lại đầu tư lên 2.000 tấn khi chưa tìm hiểu kỹ thị trường khiến giảm lãi, thậm chí lỗ vốn. Việc DN đẩy quy mô lên cao khi chưa tìm hiểu kỹ là tự ghè đá vào đầu mình.
Chuyên gia ngân hàng Cấn Văn Lực cho rằng, lãi suất không phải điểm nghẽn giữa DN và ngân hàng (NH) mà quan trọng nhất là có trung tâm thông tin để đưa thông tin của DN với NH và đưa các gói tín dụng của NH đến với DN.
Hiện nay, DN đang thiếu minh bạch (thông tin, tài chính, hoạt động, web thông tin, phương án kinh doanh); ngại hoàn thiện hồ sơ để vay vốn do thiếu cán bộ hoặc nghĩ thủ tục phức tạp; thiếu tài sản đảm bảo khiến NH khó cho vay vốn. “Nghề NH là huy động vốn và cho vay nhưng chưa gặp DN để cho vay rủi ro tín dụng cho DNNVV còn lớn.
Trong khi đó DN chưa mặn mà mua bảo hiểm cho khoản vay. Vấn đề hình sự hoá nền kinh tế đã khiến cán bộ tín dụng e ngại khi cho vay khi chưa đủ các điều kiện bởi khi rủi ro xảy ra vướng lao lý. Chúng tôi mong muốn bớt đi câu chuyện hình sự hoá quan hệ kinh tế”, ông Lực nói.