Ngân hàng “vào mùa” tăng lãi suất

07:07 18/10/2018
Nối tiếp đà tăng trong thời gian gần đây, cuộc đua tăng lãi suất huy động vẫn chưa dừng lại, đặc biệt khi cả 4 ngân hàng lớn đều đã nhập cuộc.


4 ngân hàng lớn đồng loạt tăng lãi suất

Bảng lãi suất của Ngân hàng Vietcombank mới đây cho thấy lãi suất tiết kiệm được nâng thêm 0,1- 0,3% ở một loạt kỳ hạn dưới 1 năm. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn dưới 3 tháng của Vietcombank là 4,4%/năm, tăng 0,1 điểm phần trăm; kỳ hạn 3 và 6 tháng thêm 0,2 điểm phần trăm lần lượt là 4,8%/năm và 5,5%/năm. Các kỳ hạn trên 6 tháng giữ nguyên. Trong đợt tăng lãi suất gần đây, nhà băng này cũng đã tăng thêm 0,1 điểm phần trăm đối với lãi suất kỳ hạn trên 1 năm.

Tương tự Vietcombank, Agribank cũng nâng mạnh lãi suất ở kỳ hạn ngắn. Theo đó, lãi suất dưới 3 tháng đồng loạt là 4,5%/năm, tăng 0,2 - 0,3 điểm phần trăm. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng nâng thêm 0,2 điểm phần trăm, lãi suất kỳ hạn 9 tháng thêm 0,1 điểm phần trăm. Trước đó, VietinBank và BIDV tăng thêm 0,2 điểm phần trăm với kỳ hạn ngắn.

Như vậy, đợt tăng lãi suất này, đặc điểm chung của nhóm ngân hàng có vốn Nhà nước là đều tập trung vào kỳ hạn ngắn. Hiện lãi suất kỳ hạn 1 - 2 tháng của các ngân hàng này đã tới 4,4 - 4,5%/năm, thay vì mức 4,1% duy trì một thời gian dài từ tháng 8 trở về trước; kỳ hạn 3 tháng tăng từ 4,6% lên 4,8%/năm; kỳ hạn 6 tháng tăng từ 5,3% lên 5,5%/năm. Ở kỳ hạn dài lãi suất hiện là 6,6% - 6,9%/năm và mức cao nhất đang là 7%/năm.

Nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động kỳ ngắn hạn.

Câu chuyện tăng lãi suất không mới, vì nó đã rải rác được các ngân hàng thực hiện từ mấy tháng nay, và diễn ra khá phổ biến ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần. Với nhóm “big4”, việc tăng lãi suất cũng đã được triển khai, nhưng chưa thể hiện sự ráo riết để mức “dàn hàng” như thời điểm này.

Tuy nhiên, nếu so sánh với mức lãi suất cùng kỳ hạn của khối “big4” với nhóm cổ phần thì mặt bằng lãi suất mới tăng vẫn đứng thấp hơn. Dẫn số liệu cho thấy, lãi suất kỳ hạn ngắn dù có tăng, nhưng biên độ tăng hẹp, ông Nguyễn Hoàng Minh- PGĐ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện tốc độ huy động vốn tăng chậm hơn tốc độ cho vay, ví dụ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, đến cuối tháng 9, huy động chỉ tăng 7,2%, trong khi tăng trưởng tín dụng đã đạt 11,5%, chưa kể về kỳ hạn, nguồn tiền huy động trung và dài hạn chiếm 18%, trong khi tín dụng trung và dài hạn chiếm tới 53%.

Bởi vậy, mặt bằng lãi suất biến động phản ánh chính cung cầu thị trường. Hơn nữa, thông thường vào quý IV, nhu cầu vốn của nền kinh tế tăng cao, nên việc tăng lãi suất huy động cũng là điều dễ hiểu. Đáng chú ý, hiện lãi suất cho vay cũng được một số nhà băng điều chỉnh thêm 0,2 đến 1%, đưa lãi suất cho vay ngắn hạn lên mức 7-9%/năm, còn lãi suất dài hạn là 9-12%/năm.

Nói về nguyên nhân của việc tăng lãi suất, các chuyên gia kinh tế cho rằng điều này thể hiện việc dự báo xu hướng thị trường của các ngân hàng trước áp lực lạm phát trong thời điểm cuối năm 2018 và đặc biệt là 2019. Bên cạnh đó, do chịu ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại thế giới ngày càng căng thẳng, Trung Quốc sẽ chịu áp lực phá giá đồng Nhân dân tệ, qua đó làm áp lực lên các đồng tiền khác, bao gồm cả VNĐ cũng chịu ảnh hưởng. Việc đẩy lãi suất lên để nhằm nâng giá trị tiền đồng và qua đó hạn chế áp lực lên tỷ giá.

Thanh khoản hệ thống eo hẹp

Bộ phận phân tích của công ty Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HSC) trong báo cáo của mình cho rằng động cơ chính để các ngân hàng nâng lãi suất là thanh khoản trong hệ thống kém đi. Lượng tài sản ròng trên thị trường liên ngân hàng đã kém đi kể từ giữa tháng 7, với giá trị hiện tại khoảng 220.000 - 250.000 tỷ đồng, giảm xấp xỉ 100.000 tỷ đồng từ đỉnh vào đầu tháng 7.

Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn ngắn vẫn ở mức cao mặc dù đã giảm trong tháng 9. Còn PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thì dẫn số liệu Tổng cục Thống kê cho thấy tính tới thời điểm 20-9-2018, tăng trưởng tín dụng đạt mức 9,52% so với tháng 12-2017, thấp hơn so với cùng kỳ hai năm trước (2016: 10,46%; 2017: 11,02%).

Bên cạnh đó, tăng trưởng huy động vốn của các ngân hàng thương mại đạt 9,15%, cũng thấp hơn so với cùng kỳ hai năm trước. Chênh lệch lãi suất huy động-tín dụng là một trong những nguyên nhân dẫn tới hiện tượng thanh khoản hệ thống eo hẹp trong Quý III/2018. Ngoài ra, việc NHNN bán ra ngoại tệ để bình ổn tỷ giá cũng làm cho tổng phương tiện thanh toán tăng chậm hơn, dẫn tới thanh khoản eo hẹp.

“Một hệ quả tất yếu là lãi suất trên thị trường liên ngân hàng bị đẩy lên cao, đặc biệt trong khoảng thời gian từ giữa tháng Tám tới giữa tháng Chín. Lãi suất kỳ hạn qua đêm và một tuần nhiều thời điểm đã tiệm cận mức 4,70%, cao hơn khá nhiều cả dịp cận Tết Nguyên đán năm ngoái. Sự eo hẹp của thanh khoản hệ thống dẫn tới nhiều NHTM đã có động thái tăng lãi suất huy động…”, TS. Thành phân tích.

B.K

Liên quan đến vụ huy động hơn 3.700 tỷ đồng và mất khả năng thanh toán xảy ra tại Công ty TNHH MTV Tư vấn đầu tư GFDI, chiều nay (18/11), Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Quang Hoàng (SN 1988, Tổng Giám đốc), và Trần Thị Mỹ Hạnh (SN 1992, Trưởng phòng ngân quỹ công ty) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Dù liên tục lao dốc trong 2 tuần qua, nhưng vàng vẫn chưa từng đánh mất sức hấp dẫn của mình. Mỗi khi giá kim loại quý tăng hoặc giảm mạnh, thị trường đều "dậy sóng", người người nhà nhà nhộn nhịp giao dịch. Cơ quan điều hành khẳng định sẽ đưa ra các giải pháp khiến vàng không trở thành mặt hàng hấp dẫn để đầu cơ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文