Ngành mía đường gặp khó trước thách thức mang tên “đường lậu”
- Thanh tra toàn diện Nhà máy mía đường cồn Long Mỹ Phát
- Nhà máy mía đường cồn Long Mỹ Phát là “thủ phạm” gây ô nhiễm nước sông Cái Lớn
Hoạt động khép kín “3 nhà”, từ trồng mía đến sản xuất, kinh doanh nên tưởng chừng sẽ không dễ bị tổn thương, bị phá vỡ tính liên kết song những năm qua, ngành mía đường đang phải đối mặt với thách thức gay gắt. Hiệp hội mía đường Việt Nam cho biết, tình trạng nhập lậu đường, vi phạm pháp luật trắng trợn và kéo dài đang là tác nhân trực tiếp “hủy diệt” ngành mía đường cả nước.
Kỳ 1: Vật vã trước các “chiêu” hợp thức
Hiệp hội mía đường Việt Nam cho biết, qua số liệu về xuất khẩu đường của các doanh nghiệp (DN) Thái Lan vào thị trường Campuchia do Văn phòng mía đường OCSB thuộc Bộ Công nghiệp Thái Lan công bố, trừ đi số lượng tiêu thụ tại thị trường Campuchia, Hiệp hội đã ước tính được số lượng đường lậu tuồn vào tiêu thụ tại Việt Nam.
Theo đó, ngay từ năm 1999, lượng đường sản xuất của các DN Thái Lan được đưa vào Việt Nam đã ở mức 100 ngàn tấn. Giai đoạn này, đường lậu sản xuất từ Thái Lan tuồn vào Việt Nam thông qua cửu vạn mang vác hoặc tận dụng mùa nước nổi dùng các phương tiện thủy vận chuyển tại một vài tỉnh biên giới Tây Nam (An Giang, Đồng Tháp) và tiêu thụ chủ yếu khu vực biên giới. Đến giai đoạn 2009-2015, đường lậu tuồn vào trong nước đã vọt lên mức 350 ngàn tấn/năm.
Các cán bộ chức năng kiểm tra, bắt giữ các trường hợp buôn lậu đường. Ảnh: CTV. |
Giai đoạn này, đường lậu tuồn vào trong nước qua 3 hình thức, gồm nhập lậu qua khu vực biên giới Tây Nam; nhập lậu qua khu vực biên giới ở miền Trung và đường lậu từ nguồn tạm nhập tái xuất ở các cảng, cửa khẩu. Giai đoạn này, quy mô tiêu thụ đường lậu đã tràn ngập các tỉnh ĐBSCL, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Trung hoặc phía Bắc. Hoạt động nhập lậu có tăng, giảm do sự kiểm soát chặt hoặc lỏng lẻo của lực lượng chức năng.
Năm 2015, sau khi trùm buôn lậu Tỷ “đường” Vi Ngươn Thạnh (An Giang) bị bắt giữ, lượng đường lậu có giảm một thời gian nhưng sau đó vẫn tiếp tục tăng. Từ đó đến nay, mỗi năm có khoảng 800 ngàn tấn đường lậu tràn vào thị trường nội địa, bằng hơn 2/3 tổng lượng đường sản xuất trong nước.
Theo Hiệp hội mía đường, nếu như trước đây, ở khu vực phía Nam đường nhập lậu chủ yếu qua biên giới ở tỉnh An Giang, thì nay đã mở rộng ra các tỉnh như Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An, Tây Ninh, Bình Phước. Khu vực miền Trung trước đây đường lậu chủ yếu tập trung ở xung quanh cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh), nay đã hoạt động mạnh và công khai hơn ở cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị).
Thậm chí, đường lậu đã thâm nhập qua các cảng biển ở khu vực phía Bắc nên quy mô tiêu thụ đường lậu đã mở ra cả nước với xu hương tăng chưa thể kiểm soát.
Về phương thức, thủ đoạn buôn lậu đường thời gian qua, Hiệp hội mía đường cho biết, giai đoạn 1998-2008, qua đường bộ, đường thủy nội địa để vận chuyển qua biên giới, nếu bị phát hiện cửu vạn sẵn sàng “bỏ của chạy lấy người”. Sau khi đường lậu về đến kho, các đầu nậu xả bao ra, phun nước vào là lập tức số đường lậu này ngả màu giống đường sản xuất trong nước.
Ngay thời điểm đó, một số đầu nậu đã lợi dụng cơ chế cho nhập đường cát bằng cách sử dụng hóa đơn, giấy tờ hợp lệ của các DN được phép nhập khẩu để vận chuyển đường lậu. Khi bị phát hiện, các đầu nậu trưng giấy tờ với số lượng, loại đường giống nhau… nên dù biết đó là đường lậu, lực lượng kiểm tra cũng khó xử lý.
Giá mía thấp, nông dân phải dùng sức trong khâu thu hoạch. |
Nhiều đầu nậu còn dùng hóa đơn bán hàng bị tịch thu hóa giá, hay giấy tờ xuất kho của một nhà máy đường trong nước nào đó để hợp thức hóa cho số lượng đường lậu đã nhập về.
Từ 2009-2015, đường nhập lậu qua biên giới Tây Nam chủ yếu tập trung tại các khu vực cửa khẩu Vĩnh Xương, Khánh Bình, Tịnh Biên (An Giang) và Hồng Ngự (Đồng Tháp). Thời điểm này với quy mô buôn lậu lớn, đường lậu được tập kết trên các xuồng máy hoặc sà lan loại lớn phía bên kia sông thuộc địa phận Campuchia để chờ cơ hội thẩm lậu vào Việt Nam, sang bao không nhãn mác để đưa đi tiêu thụ.
Ở khu vực miền Trung, đường lậu chủ yếu tập trung tại 2 cửa khẩu là Lao Bảo và Cầu Treo. Tại 2 cửa khẩu này, đường sản xuất từ Thái Lan được nhập lậu và gian lận thương mại để đưa vào nội địa tiêu thụ. Một lối vào nữa của đường lậu tại các cửa khẩu này là lợi dụng quy định mua hàng miễn thuế của cư dân biên giới. Đầu nậu dùng đăng ký cư dân địa phương để mua nhiều lần với số lượng lớn, ngay cả những người đã chết cũng có tên trong danh sách mua đường.
Số liệu thống kê của cơ quan chức năng ở Quảng Trị trước đây đã cho thấy, chỉ trong vòng một năm, lượng đường có xuất xứ Thái Lan nhập qua cửa khẩu Lao Bảo đã lên tới 33 ngàn tấn. Lượng đường này sau đó tái xuất được 12 ngàn tấn, còn 21 ngàn tấn nằm lại thị trường nội địa.
Giai đoạn từ 2016 đến nay, đường lậu chủ yếu tập trung ở những tỉnh có đường biên giới như An Giang, Long An, Tây Ninh, Đồng Tháp, Quảng Trị… và một trong những thủ đoạn các trùm buôn lậu vẫn sử dụng phổ biến để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng là lột vỏ bao, đem trộn với đường nội. Hình thức khác là đầu nậu quay vòng hóa đơn từ những đợt thanh lý đường buôn lậu. Chỉ bằng bộ chứng từ này, đầu nậu có thể quay vòng cả năm cho các lô đường nhập lậu.
Ngoài ra, một phương thức đang được các đầu nậu sử dụng là “phù phép” đường cát trắng thành đường phèn - loại đường chưa có bất cứ hành lang pháp lý nào để kiểm soát. Chỉ cần xây dựng cơ sở chế biến đường phèn gần biên giới, biến đường lậu trở thành đường phèn là có thể tự do vận chuyển đi tiêu thụ khắp cả nước.
Người trồng mía và ngành sản xuất đường gặp khó khăn bởi đường nhập lậu. |
Hiệp hội mía đường cho biết, lượng đường do nhập lậu và gian lận thương mại đang xóa bỏ mọi nỗ lực chuẩn bị hội nhập ATIGA (Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN) của DN sản xuất kinh doanh đường và người trồng mía. Niên vụ 2018-2019 cũng là năm thứ 3 liên tiếp ngành mía đường chịu sự tác động tiêu cực của khí hậu thời tiết, giá cả thị trường… trong khi còn phải lo chống chọi với lượng đường nhập lậu gần bằng số lượng đường sản xuất chính thống trong nước khiến kết quả sản xuất của nhiều nhà máy tiếp tục giảm sút.
Theo Hiệp hội mía đường, từ niên vụ 2015-2016, đã có 17 nhà máy đường thua lỗ, một số nhà máy đã mất vốn chủ sở hữu. Tình trạng này khiến hộ trồng mía khốn đốn theo, trồng mía thu nhập thấp, một số vùng thua lỗ phải bỏ ruộng hoặc chuyển sang loại cây trồng khác khiến diện tích mía nguyên liệu đã giảm từ 30-60% diện tích. Thiếu mía nguyên liệu, các nhà máy phải duy trì sản xuất ở công suất thấp, một số nhà máy đã phải tạm dừng hoặc có thể phá sản vào cuối năm nay và trong năm tới.
Thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh thời điểm chuẩn bị kết thúc niên vụ sản xuất 2018-2019, ông Lê Xuân Trung, Tổng thư ký Hiệp hội mía đường cho biết, hiện đã có 19/36 nhà máy đường kết thúc vụ ép; các nhà máy đã ép được hơn 11,3 triệu tấn mía, sản xuất được hơn 1,1 triệu tấn đường. Trong khi đó, lượng đường sản xuất từ đường thô nhập khẩu cũng đạt hơn 193 ngàn tấn.
Theo lãnh đạo Hiệp hội mía đường, từ niên vụ trước, hầu hết các nhà máy đường đã phải bán giá sỉ gần sát với giá đường lậu, ở mức hơn 10 ngàn đồng/kg; một số nhà máy đã phải bán bằng hoặc thấp hơn giá thành dù đối mặt với nguy cơ thua lỗ. Khi đó, giá đường trắng đã tinh luyện giảm khoảng 2 ngàn đồng/kg, nhưng lượng đường do các nhà máy sản xuất ra tiêu thụ vẫn rất chậm. Tổng lượng đường tồn kho lên đến hơn 700 ngàn tấn, chiếm tới 2/3 số lượng sản xuất của một vụ.
Thực tế này khiến nhiều nhà máy rơi vào nợ “khủng” tiền mua mía của nông dân. Cụ thể, Công ty đường Cần Thơ nợ nông dân 110 tỉ đồng; Công ty đường Trà Vinh nợ 70 tỉ đồng; Công ty đường Sóc Trăng nợ 100 tỉ đồng. Các nhà máy đường Bình Định, Nivi đã phải trả tiền mía cho nông dân bằng đường và nhiều nhà máy đã bị nông dân tập trung đông người để đòi tiền mía gây mất an ninh trật tự tại địa phương.
Sang đến niên vụ 2018-2019, tình hình cũng không mấy khả quan. Theo Tổng thư ký Hiệp hội mía đường Lê Xuân Trung, giá bán đường có xuất xứ Thái Lan nhập lậu tại TP Hồ Chí Minh chỉ từ 10,1-10,5 ngàn đồng/kg; tại Đông Hà là 9,3-9,9 ngàn đồng/kg; tại Lao Bảo là 9,6-10,3 ngàn đồng/kg; khu vực biên giới Tây Nam từ 9,7-10,3 ngàn đồng/kg và giá đường nhập lậu này tại Huế, Đà Nẵng, Đồng Hới cũng chỉ từ 9,8-10,6 ngàn đồng/kg… khiến giá bán đường của các nhà máy cũng phải hạ xuống bằng hoặc thấp hơn giá thành sản xuất; giá thu mua mía tiêu chuẩn tại ruộng cho nông dân của các nhà máy đường cũng giảm chỉ còn 720 - 900 ngàn đồng/tấn.
Trong khi đó, theo Hiệp hội mía đường, tình trạng đường nhập lậu, gian lận thương mại không giảm so với năm trước mà đang có xu hương gia tăng, công khai. Càng khó khăn hơn với ngành mía đường khi việc nhập các loại đường khác thay thế đường mía để chế biến thực phẩm, nhất là nước giải khát đang tăng rất mạnh. Năm 2018 vừa qua, loại đường này đã được nhập về tổng cộng 148 ngàn tấn...
Trước tình trạng hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại với mặt hàng đường diễn ra 20 năm qua nhưng mới chỉ có duy nhất một cá nhân bị bắt giữ, Hiệp hội mía đường Việt Nam cho biết đã phải tự điều tra để vạch rõ chân tướng các “trùm” buôn lậu. Tên các cá nhân và đơn vị đã và đang tiếp tục công khai thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận với mặt hàng này được Hiệp hội lập, gồm: “trùm” Bích (Đồng Tháp) với thương hiệu Ngọc Bích, sử dụng đường Thái Lan đóng bao; “trùm” Mười Tường; “trùm” Bích Phương - Thành Thành Phát (Bình Phước); Công ty TNHH Bình Kim An (An Giang); Công ty TNHH Huỳnh Phát Đạt; trùm Lệ “liều” (Long Xuyên); “trùm” Bích Thuận (Tịnh Biên - An Giang) cùng hầu hết các cửa hàng chuyên doanh mặt hàng đường tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh đều công khai bày bán đường nhập lậu. |