Ngành xuất khẩu thực phẩm chế biến có nhiều khởi sắc
- Agribank tiếp sức cho người nông dân lao động xuất khẩu
- EVFTA: Cơ hội cho nhiều ngành hàng gia tăng xuất khẩu vào EU
Nếu năm 2012, ngành này tiêu thụ 14,2 triệu tấn thì đến năm 2017 tăng lên 16,93 triệu tấn, năm 2018 đạt 17,49 triệu tấn và dự báo năm 2019 sẽ là 18,26 triệu tấn. Vì vậy, doanh nghiệp (DN) cần nắm bắt cơ hội này để đẩy mạnh ngành hàng vào thị trường Trung Quốc...
Ông Nguyễn Lâm Viên - Tổng Giám đốc Công ty Vinamit cho biết, các loại thức ăn đã qua chế biến như: ngũ cốc (rang, chiên dầu, chiên phồng), chế phẩm từ đậu, trái cây khô, mứt, thủy hải sản khô, thịt khô,… đang được tiêu thụ mạnh tại thị trường Trung Quốc.
Lượng tiêu thụ loại thực phẩm này của Trung Quốc không ngừng gia tăng, tỷ lệ tăng trưởng toàn ngành trung bình năm đạt 3,58%. Năm 2012 lượng tiêu thụ 14,2 triệu tấn đến năm 2017 tăng vọt lên 16,93 triệu tấn và năm 2018 là 17,49 triệu tấn. Dự báo sản lượng tiêu thụ năm 2019 sẽ là 18,26 triệu tấn.
“Khi mạng xã hội mở rộng, xu hướng ăn vặt ở giới trẻ Trung Quốc bùng nổ, thậm chí ăn vặt thay thế thức ăn chính. Như gạo được dùng làm bánh, thay thế cơm; các loại rau, trái cây được chế biến khô, làm bánh. Đặc biệt, bánh làm từ rau, từ trái cây giữ được vitamin, khoáng chất và cả vi khuẩn thông qua công nghệ sấy lạnh được ưa chuộng. Sản lượng, doanh số tăng từ 4 - 10%/năm và ngày càng tăng mạnh. DN Việt cần bắt kịp xu hướng, đánh mạnh vào phân khúc này”, ông Viên chia sẻ.
Thực phẩm chế biến từ các loại nông sản đang rất được ưa chuộng tại thị trường Trung Quốc. |
Ông Ngô Đình Dũng – Chuyên gia thị trường, Hội DN Hàng Việt Nam Chất lượng cao (HVNCLC), cho biết: Xu hướng tiêu dùng thực phẩm là sản phẩm phải đáp ứng quan tâm của người tiêu dùng (NTD). Sản phẩm có khẩu vị nhẹ, chế biến ngày càng thuận tự nhiên hơn, theo quy trình khép kín truy xuất được nguồn gốc… ý tưởng sản phẩm thức ăn vặt trên thế giới ngày càng sáng tạo.
Điển hình như, hạt đậu phộng bọc “lớp áo” bằng cafe; bột hoành thánh chế biến thành sản phẩm snack; chanh sấy khô; chanh detox, nước giấm từ trái nhãn... Xu hướng sản phẩm thiên nhiên, hữu cơ, hỗ trợ điều trị bệnh,...ngày càng phát triển.
Để xuất khẩu thành công, DN Việt cần tăng giá trị sản phẩm, cải tiến bao bì sản phẩm có thể sử dụng được trong lò vi sóng và mang lại nhiều cảm xúc hơn để hấp dẫn người mua. Một số DN cũng thừa nhận, xu hướng của thị trường xuất khẩu là chuộng sản phẩm chế biến có nguồn gốc thiên nhiên, không lạm dụng chất hóa học, tốt cho sức khỏe.
Trung Quốc họ rất nhạy, phát hiện ra sản phẩm có hương vị không tự nhiên họ sẽ ngưng nhập hàng ngay. Như, mít tươi của Việt Nam bán rất chạy, nhưng vào mùa mưa mít bị nhạt, thị trường Trung Quốc ngưng mua. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các mặt hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam chủ yếu xuất thô nên giá trị gia tăng không cao.
Thị phần thực phẩm chế biến sâu đang còn là mảng trống của các DN Việt Nam. Nguyên nhân, 98% DN Việt Nam siêu nhỏ, nhỏ và vừa nên yếu vốn để đầu tư trang thiết bị hiện đại, đáp ứng đơn hàng có số lượng lớn của đối tác.
Bà Nguyễn Thị Bích Thủy - Giám đốc Công ty TNHH Tây Cát (Đồng Tháp), chuyên sản xuất các loại bánh phồng làm từ trái cây cho biết, hiện đang có nhiều khách hàng từ Trung Quốc, Singapore, Malaysia đặt hàng bánh chuối phồng, nhưng công ty không đáp ứng được số lượng đơn hàng. Theo yêu cầu của họ, mỗi đợt xuất hàng phải đạt ít nhất 12 tấn/tuần, nhưng khả năng công ty chỉ sản xuất khoảng 3-5 tấn/tuần.
Chính vì vậy mà chỉ có một số ít DN Việt Nam có tiềm lực kinh tế mạnh, trang bị các thiết bị máy móc hiện đại mới đáp ứng được yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Điển hình, Công ty Vinamit xuất khẩu ở khu vực các nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, các nước Trung Đông, cộng đồng EU và Mỹ. Nhưng Trung Quốc hiện là thị trường lớn của Vinamit.
Đầu năm 2019, Vinamit cũng đã nhận được chứng nhận hữu cơ từ Trung Quốc cấp cho hai sản phẩm mít tươi và mít sấy (gồm sấy chân không và sấy đông khô). Đây là DN đầu tiên của Việt Nam nhận được chứng nhận hữu cơ tại thị trường này.
Với kinh nghiệm 20 năm xuất khẩu sang Trung Quốc, ông Nguyễn Lâm Viên khuyên các DN Việt Nam có sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng nên thâm nhập thị trường Trung Quốc qua các kênh cửa hàng hoặc siêu thị. DN không nên tìm đầu mối ở phía Bắc, biên giới Trung Quốc và bán hàng cho họ đưa qua Trung Quốc, vì đây chỉ là khâu trung gian.
Nếu DN bán hàng cho đầu mối này thì hàng hóa phải qua quá nhiều khâu trung gian, bất lợi cho DN Việt. Và quan trọng nhất là phải bảo hộ được thương hiệu của mình. Xu hướng của thế giới là quan tâm đến sức khỏe nên DN hướng đến sản phẩm xanh, sạch, sinh học, hữu cơ... DN nào dám tiên phong, kiên nhẫn, thì sẽ thành công.