Ngày đầu thực hiện cách ly xã hội, hàng hoá dồi dào, giá cả ổn định
- Hà Nội cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày từ 6h00 ngày 24/7
- Hà Nội: Shipper sẽ không được hoạt động
Giá cả không biến động nhiều
Tại nhiều chợ, lực lượng chức năng đã nhắc loa tại chợ và các khu vực tập trung đông người nơi công cộng, yêu cầu người dân tuân thủ nghiêm quy định mới.
Trước thông tin Hà Nội thực hiện giãn cách từ 6h ngày 24/6, nhiều gia đình ở Hà Nội đã đi chợ từ sáng sớm, mua thực phẩm và rau xanh, chủ yếu ra rau củ quả, bí xanh để được dài ngày.
Theo chị Thanh Nga (quận Cầu Giấy) hai vợ chồng chị đi chợ từ 4h30 sáng, hàng hoá tại chợ tươi ngon, phong phú, giá cả như ngày thường.
Theo như chia sẻ của chị Nga, mướp có giá bán 8 nghìn đồng/1kg; 12 nghìn đồng/1 kg bầu; bó đỏ 17 nghìn đồng/1kg; cà chua 20 nghìn đồng/1kg; đào 30 nghìn đồng/1kg; 40 nghìn /1 chục trứng…
Đa số tại các chợ dân sinh đều đầy đủ hàng hoá, không diễn ra cảnh cháy hàng. |
Tại chợ Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) , lúc 8h30 sáng, nhiều quầy thịt lợn đã gần hết. Người mua thịt nườm nượp. Đáng chú ý, thay vì người dân mua vài lạng thịt đủ ăn hàng ngày thì sáng nay, đa số người mua chọn liền một lúc mấy kg, gồm: sườn, thịt mông, nạc xay…
Xách túi vài cân thịt lợn tổng giá trị hơn 1 triệu đồng, chị Nguyễn Hiền (Trung Văn) cho biết: “Sáng nay tôi mới biết Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, tôi mua luôn một thể, đằng nào nhà cũng phải dùng. May mà ra giờ này còn mua kịp”.
Ở quầy thịt lợn khác, tiểu thương Trần Thị Lan chỉ còn vài miếng thịt vụn trên bàn, vừa bán vừa nói với khách hàng: “Chờ một chút, tôi có thêm nửa con nữa đang mang tới”.
Tại quầy rau quả, cũng khác với mọi ngày, mặc dù thời điểm trên rau quả vẫn còn khá nhiều nhưng đa số người mua đều mua số lượng lớn. Khách hàng thường mua luôn 1kg, vài kg bí xanh, khoai tây, bầu. Rau ăn lá như rau cải mơ, rau muống… hết từ sớm. Giá rau xanh không có biến động.
Giá thịt lợn và rau xanh tại các chợ ổn định. |
Trong khi đó, tại chợ làng Văn Nội, Chợ Cổng ( Phú Lương- Hà Đông), Chợ Xốm lượng người đi chợ buổi sáng khá đông và các quầy hàng bán thịt, rau xanh, đậu phụ, bún, trứng khá đắt hàng. Nhiều hàng đến 10h30 là hết hàng. Nhiều quầy thịt mổ đến 2-3 con. Người mua thường mua từ 1-3kg rất nhiều. Giá thịt lợn tại các chợ có giá ổn định.
Tiểu thương Nguyễn Thị Hoa cho biết, sườn, thịt ba chỉ có giá 140 nghìn đồng/1kg; thịt nạc vai, thịt nạc 140 nghìn đồng/1kg; thịt cả mỡ 120 nghìn đồng/1 kg.
“ Chợ vẫn mở bình thường và thịt lợn giá vẫn ổn định. Từ sáng đến 10h30 nhà tôi đã lấy 2 con lợn rồi, hôm nay bán đắt hàng. Thịt lợn hết lại có, người dân đổ xô đi mua nhiều hôm nay thì ngày mai chợ lại vãn, sức mua lại chậm lại mất vài hôm”, chị Hoa chia sẻ.
Về mặt hàng rau xanh tại chợ khá phong phú, rau muống 5 nghìn đồng/1 mớ; Mướp 10-15 nghìn đồng/1kg; giá đỗ 20 nghìn đồng/1kg; bí xanh 20-25nghìn đồng/1kg; khoai tây 20-25 nghìn đồng/1kg; bí đỏ 15-20 nghìn đồng/1 kg tuỳ loại. Trứng vịt 40 nghìn đồng/1 chục; trứng gà công nghiệp 35-45 nghìn đồng/1 chục; trứng gà so 45 nghìn đồng/1 chục.
Còn tại các siêu thị như hệ thống cửa hàng thực phẩm Coopmart và siêu thị Coopmart Hà Đông lượng khách hàng đến mua sắm bình thường, khách vào chủ yếu mua thực phẩm, rau xanh. Trong sáng nay, ghi nhận thấy mặt hàng tươi sống, các loại thịt, thuỷ hải sản sức mua tăng hơn.
“Tại Hà Nội, Coopmart đã tăng dự trữ hàng hoá, làm việc với các nhà cung cấp để đảm bảo hàng hoá cung ứng đầy đủ, người dân yên tâm và đến siêu thị mua hàng. Trong thời gian này, để phòng chống dịch, người dân nên mua hàng trực tuyến như gọi điện mua hàng, qua zalo, fb, Coopmart sẽ phục vụ tận nơi, với nhiều ưu đãi, giá cả ổn định”, bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Coopmart Hà Nội cho hay.
Đảm bảo nguồn cung trong mọi tình huống
Trao đổi với báo chí, ngày 24/7, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan tái khẳng định, các doanh nghiệp phân phối hàng hóa trên địa bàn Hà Nội đã tăng mức dự trữ lên từ 3 - 5 lần và làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp, đảm bảo nguồn cung phục vụ người dân trong mọi tình huống.
Theo bà Lan, Hà Nội bảo đảm dự trữ đầy đủ 17 nhóm hàng thiết yếu, đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng của người dân khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại. Theo đó, lượng hàng hóa chuẩn bị sẵn sàng phục vụ Nhân dân trên địa bàn trong 3 tháng khoảng 194.000 tỷ đồng; lượng hàng hóa dự kiến hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố khoảng 21.500 tỷ đồng.
Cụ thể, ngành Công Thương Hà Nội dự trữ 836.000 tấn gạo, 167.346 tấn thịt lợn, thịt trâu bò 48.150 tấn, 55.782 tấn thịt gia cầm, trên 1 triệu quả trứng gia cầm…
“Căn cứ theo mức độ lây lan của dịch đã xác định tổng trị giá lượng hàng hóa phục vụ Nhân dân tại các khu vực cách ly, phong tỏa theo cấp độ như sau: cấp độ 1 từ 20 ca nhiễm đến dưới 1.000 trường hợp mắc bệnh trở lên là 313,78 tỷ đồng; cấp độ 2 từ 1.000 - 3.000 trường hợp mắc là 1048,71 tỷ đồng; cấp độ 3 từ trên 3.000 đến 30.000 trường hợp mắc là 5359,05 tỷ đồng", bà Phương Lan nêu rõ.
Trên địa bàn TP có 459 chợ dân sinh vẫn hoạt động phục vụ nhu cầu người dân. |
Hiện hàng hóa hiện đang rất dồi dào. Các hệ thống phân phối đều tăng cường dự trữ lượng hàng hóa thiết yếu tăng 30 - 50%, trong thời gian 3 tháng và tăng gấp 3 lần so với tháng bình thường, với tổng giá trị hàng hóa khoảng 194.000 tỷ đồng (17 mặt hàng thiết yếu). Bên cạnh đó các doanh nghiệp còn dự trữ lượng hàng hóa theo chương trình bình ổn thị trường năm 2021 là 5.698 tỷ đồng.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 459 chợ, 28 trung tâm thương mại, 123 siêu thị, 1.800 cửa hàng tiện ích, 141 chuỗi, 2.382 điểm bán hàng hoá bình ổn giá, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa… sẵn sàng phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân trên địa bàn.
Hà Nội đã dự trữ tổng giá trị hàng hóa khoảng 194.000 tỷ đồng. |
Trước những khó khăn của doanh nghiệp bán lẻ trong quá trình vận chuyển hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, bà Trần Thị Phương Lan nêu rõ, Sở Công Thương đã đề xuất UBND TP Hà Nội chấp thuận cho phép 132 xe ô tô, xe sitec của 20 doanh nghiệp được hoạt động 24/7 cung ứng hàng hóa thiết yếu, nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu Nhân dân, bình ổn thị trường và công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tiếp tục trình thành phố cho phép thống nhất phương án chấp thuận cho xe các tỉnh, thành phố và xe của doanh nghiệp lưu thông 24/7ngày phục vụ vận chuyển hàng hóa phòng chống dịch.
Đồng thời, phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Công an TP Hà Nội tạo điều kiện cho 495 xe ô tô chở hàng hóa, nông sản, nguyên vật liệu tỉnh Bắc Giang (đã bảo đảm các quy định phòng chống dịch về người, phương tiện, hàng hóa) được phép lưu thông trên địa bàn Hà Nội, qua các chốt, trạm kiểm dịch theo quy định để kịp thời cung cấp hàng hóa phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.