Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, để thu hút doanh nghiệp FDI
Trong năm 2017, TP HCM đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,25% (gấp 1,25 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế cả nước), giúp TP giữ được tỷ trọng đóng góp cho nền kinh tế cả nước ở mức khoảng 22%.
Đây cũng là lần đầu tiên, quy mô nền kinh tế TP vượt ngưỡng 1 triệu tỷ đồng. Kết quả này là nhờ môi trường đầu tư kinh doanh liên tục được cải thiện.
Trong năm 2017, về thu hút đầu tư đã có 41.629 doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký thành lập mới là 603.900 tỷ đồng.
Ngoài ra, có gần 118.107 DN đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, trong đó vốn điều chỉnh bổ sung tăng hơn 324.423 tỷ đồng.
Đặc biệt, về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), TP HCM đã bứt phá, quyết liệt trong việc cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa, bãi bỏ các thủ tục không cần thiết... và đã thu hút được 845 dự án cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư đạt 2,37 tỷ USD, 193 dự án điều chỉnh vốn tăng thêm 1,02 tỷ USD.
Ngoài ra, có 2.357 trường hợp DN FDI thực hiện thủ tục để được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của DN trong nước, với vốn đăng ký khoảng 2,22 tỷ USD. Nếu năm 2016, TP HCM chỉ thu hút được 3,46 tỷ USD đầu tư từ DN FDI, thì năm 2017 là 6,6 tỷ USD (tăng hơn 90%).
Nhờ vậy, thu hút FDI của TP HCM từ chỗ chỉ chiếm 13% cả nước năm 2016, đến năm 2017 chiếm 18,4% của cả nước (35,88 tỷ USD) và trong 3 tháng đầu năm 2018, thu hút được 1,37 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (cả nước là 5,8 tỷ USD).
Nhận định về môi trường đầu tư ở Việt Nam, tại “Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo TP HCM và DN FDI” vừa tổ chức tại TP HCM, bà Saranya Skontanarak, Chủ tịch Hiệp hội DN Thái Lan (TBA) khẳng định: “Việt Nam đã trở thành nơi đầu tư trọng tâm của các DN Thái Lan. Năm 2017, Thái Lan đã đầu tư 489 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 9 tỷ USD vào Việt Nam. Hiện, Thái Lan đang đứng thứ 10 trong số 125 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam”.
Đại diện Hiệp hội DN Ấn Độ tại Việt Nam cũng nêu rõ, Ấn Độ là một trong 10 đối tác giao thương lớn nhất của Việt Nam, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2017 đạt 7,5 tỷ USD. Đến cuối năm 2017, Ấn Độ có 168 dự án với 756,29 triệu USD, xếp thứ 27 trong số các quốc gia đầu tư tại Việt Nam.
Đại diện Hiệp hội DN Thái Lan quan tâm đến môi trường đầu tư tại Việt Nam. |
Mặc dù đạt được những kết quả khả quan trong việc thu hút DN FDI đầu tư vào các lĩnh vực, nhưng theo đánh giá của các nhà đầu tư thì quá trình phát triển kinh tế của TP HCM vẫn còn những hạn chế, yếu kém cần cải thiện như: cơ sở hạ tầng quá tải, hạ tầng giao thông lạc hậu, áp lực lớn tại các bệnh viện, trường học, nhà ở do dân số gia tăng quá nhanh, thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, nguy cơ ngập nước nghiêm trọng đã gây trở ngại cho sự phát triển nhanh, bền vững của thành phố, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN cũng như ảnh hưởng đến đời sống của người dân...
Đánh giá về đóng góp của DN FDI, ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TP HCM cho rằng: Từ chỗ chỉ đóng góp 11,3% GDP năm 1995, hiện nay đang đóng góp 17% GRDP của TP.
Ngoài ra, DN FDI còn tạo ra công ăn việc làm cho 270.000 lao động trực tiếp và hàng triệu lao động gián tiếp. Thúc đẩy quá trình chuyển dịch từ lao động thu nhập thấp sang lao động có trình độ đại học và thu nhập cao.
TP HCM xác định trong năm 2018 và những năm tiếp theo sẽ cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh. Cụ thể: về thuế, phấn đấu tỷ lệ DN kê khai nộp thuế điện tử đạt 98%, tỷ lệ DN nộp thuế điện tử đạt 90%; Về hải quan: giảm 50% thời gian tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ hải quan, kiểm tra thực tế hàng hóa; về đất đai rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục từ 57 ngày xuống còn 14 ngày. Đặc biệt, về đầu tư: Sẽ họp tổ công tác liên ngành về đầu tư ngay khi có dự án đầu tư vào TP.
Ngoài ra, TP sẽ thành lập tổ công tác liên ngành về đất đai để hỗ trợ mặt bằng cho DN. Tổ công tác sẽ nỗ lực giải quyết 2 vấn đề lớn mà các nhà đầu tư quan tâm gồm: xác định cơ bản chi phí đền bù giải phóng mặt bằng và không phát sinh thêm; Dự kiến thời gian hoàn thành giải phóng mặt bằng và bàn giao đất sạch cho nhà đầu tư; Giao Sở Kế hoạch – Đầu tư để giải quyết mọi khó khăn cho DN.