Nỗ lực ngăn chặn hàng giả dịp cuối năm
- Ngăn chặn hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
- Ngăn chặn hàng giả, gian lận thương mại, bảo đảm an toàn thị trường Tết
Để người tiêu dùng không lâm vào cảnh “tiền mất tật mang”, thời điểm này, các trinh sát Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế Công an tỉnh Lâm Đồng đang khẩn trương vào cuộc, lần theo dấu vết các đường dây chuyên sản xuất, vận chuyển và kinh doanh những mặt hàng phi pháp nhằm đấu tranh, quyết tâm bóc trần và xử lý nghiêm.
Thượng tá Nguyễn Việt Đức, Phó trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, mặc dù Lâm Đồng không có đường biên giới giáp với các nước trong khu vực nhưng TP Đà Lạt hằng năm đón tiếp hơn 6 triệu lượt du khách, cùng với 1,3 triệu dân địa phương đã trở thành thị trường tiềm năng, hấp dẫn.
Lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, giữ ổn định thị trường dịp cuối năm. Ảnh: Công Tường. |
Bên cạnh đó, Lâm Đồng còn là tỉnh sản xuất nông nghiệp hàng đầu của cả nước với các loại rau, hoa, trà và cà phê ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, hằng năm cần một lượng khổng lồ về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... Nhiều năm qua, đây là các sản phẩm thường xuyên bị làm giả hoặc sản phẩm kém chất lượng, gây thiệt hại nặng nề cho người nông dân.
Từ đầu năm 2019, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế Công an tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng phương án, kế hoạch trọng tâm, tập trung đấu tranh, phòng chống có hiệu quả các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Nhờ làm tốt công tác nắm bắt địa bàn, từ đầu năm tới nay, các trinh sát đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý trên 200 vụ việc trong lĩnh vực thương mại.
Trong đó khởi tố vụ án hình sự 7 vụ với 9 bị can. Điển hình là 10 tấn thuốc bảo vệ thực vật đã hết hạn sử dụng nhưng Công ty TNHH UPL Việt Nam (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) đã sửa chữa hạn sử dụng ghi trên bao bì sản phẩm sau đó vận chuyển lên tỉnh Lâm Đồng tiêu thụ.
Khi vừa đưa ra thị trường, các trinh sát của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế Công an tỉnh Lâm Đồng đã kịp thời phát hiện, phối hợp với các cơ quan chức năng bắt giữ. Ngoài tịch thu, tiêu hủy toàn bộ lô hàng trên, đơn vị còn củng cố hồ sơ, tham mưu Giám đốc Công an tỉnh đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng xử phạt doanh nghiệp này hơn 320 triệu đồng.
Tình trạng buôn bán các loại “Đặc sản Đà Lạt” không rõ nguồn gốc, xuất xứ những năm qua luôn là vấn đề gây nhức nhối cho người dân và khách du lịch. Đây là các sản phẩm luôn được du khách đặc biệt quan tâm.
Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế Công an Lâm Đồng thu giữ nhiều hàng giả dịp cuối năm. |
Trước khi rời Đà Lạt, du khách thường mua đặc sản về làm quà cho gia đình, người thân, các loại mứt luôn là sự lựa chọn được nhiều người ưu thích. Lợi dụng điều này, không ít thương nhân đã nhập sản phẩm kém chất lượng của Trung Quốc với giá rẻ về thay đổi bao bì, gắn nhãn mác “Đặc sản Đà Lạt” để bán, đánh lừa người tiêu dùng.
Qua công tác trinh sát, nắm bắt địa bàn, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế đã phát hiện bà Dương Thị Hiền (ngụ tại TP Đà Lạt) nhập lậu gần 700kg mứt có xuất xứ từ Trung Quốc về Đà Lạt nhằm phân phối lại cho các địa điểm kinh doanh trên địa bàn. Toàn bộ số hàng trên đã bị tiêu hủy và lập hồ sơ xử lý hành chính bà Dương Thị Hiền. Ngày 1-8, qua công tác trinh sát, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế Công an tỉnh Lâm Đồng đã phát hiện, bắt giữ 15 thùng carton bên trong chứa 113 sản phẩm với 44 loại hàng hóa là mỹ phẩm và 39 sản phẩm là các loại máy móc tại cửa hàng Thanh Vân, đường Hai Bà Trưng, TP Đà Lạt.
Chủ cơ sở đã không xuất trình được nguồn gốc các lô sản phẩm là mỹ phẩm, máy móc này. Sau khi củng cố hồ sơ, chủ cửa hàng đã bị cơ quan chức năng phạt hành chính 19 triệu đồng.
Trung tá Mai Văn Toàn, Đội trưởng Đội 3, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, cao điểm những tháng cuối năm, nhất là sắp tới Đà Lạt diễn ra Festival hoa, các đối tượng có thể sẽ lợi dụng để tiến hành những hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ hàng gian, hàng giả và kém chất lượng.
“Dó đó, chúng tôi đang tập trung lực lượng, tăng cường các biện pháp nghiệp vụ nắm chắc địa bàn, thường xuyên trinh sát, theo dõi các mặt hàng thường sử dụng nhiều dịp lễ, Tết như rượu, bia, bánh mứt, đồ gia dụng, hàng tiện tử, chế biến thực phẩm... Phối hợp chặt chẽ với Quản lý thị trường, cơ quan Thuế, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, giữ ổn định thị trường dịp cuối năm...