Nông dân lao đao vì mủ cao su rớt giá

07:53 12/08/2018
Do ảnh hưởng của thị trường thế giới, đầu ra mủ cao su không ổn định khiến giá thành mặt hàng từng được ví là “vàng trắng” rớt giá thảm hại. Thực trạng này đã đẩy hàng ngàn hộ nông dân trồng cao su ở tỉnh Thừa Thiên- Huế rơi vào cảnh lao đao…

Các xã Phong Sơn, Phong Mỹ, Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên- Huế, là vùng gò đồi, có khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp với cây cao su nên người dân ở đây đã khai hoang, trồng hơn 1.500ha và hiện đã có trên 90% diện tích cây cao su được khai thác lấy mủ. Tuy nhiên, với giá bán mủ cao su đang ở mức thấp kỷ lục như hiện nay, từ 7-9 ngàn đồng/kg đã đẩy nhiều hộ gia đình lâm vào cảnh khốn khó. 

Ông Nguyễn Văn Việt, ở thôn Phổ Lại, xã Phong Sơn, dẫn chúng tôi ra khu rừng cao su có diện tích 2ha đang thời kỳ cho mủ mà không khỏi xót, nói: “Mấy cơn bão mùa trước đã làm rừng cao su gãy gần 200 cây nhưng vợ chồng tôi vẫn cố gắng tìm cách phục hồi. Nếu trước đây, mỗi ngày thu hoạch mủ kiếm được hơn 3 triệu đồng thì với giá mủ như hiện nay, nếu thuê 2 nhân công lấy mủ thì sẽ thua lỗ nên chúng tôi chỉ còn cách khai thác cầm chừng…”. 

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Chủ tịch UBND xã Phong Sơn cho biết, xã có khoảng 1.000ha rừng thì trong đó có gần 200ha cao su được người dân đầu tư trồng lấy mủ. Những năm đầu khai thác, giá mủ cao lên đến vài chục ngàn đồng/kg khiến người dân rất phấn khởi. Thế nhưng từ năm 2015 đến nay, giá mủ cao su biến động liên tục và có thời điểm chỉ còn 5-6 ngàn đồng/kg nên người dân không còn mặn mà với cây cao su, bởi mủ bán ra không đủ trả tiền nhân công, phân bón…
Giá bán mủ cao su giảm mạnh khiến người trồng cao su ở tỉnh Thừa Thiên-Huế khó khăn.

Tại huyện miền núi Nam Đông, vùng đất được xem là thủ phủ cao su của Thừa Thiên-Huế, vì chiếm hơn 1/3 tổng diện tích cao su toàn tỉnh; người trồng cao su cũng đang khốn khó khi mủ cao su liên tục biến động, rớt giá. Tuy nhiên, chính quyền địa phương đang nỗ lực vận động người dân không nên chặt bỏ loại cây trồng này. 

Bà Hồ Thị Miến (trú ở thôn 9, xã Hương Hòa, Nam Đông) từng tiếc nuối khi phải chặt bỏ hơn 1ha cao su vào tháng 4-2016, nhưng giờ đây, vợ chồng bà đang tính đến phương án tiếp tục chặt bỏ vườn cao su còn lại để chuyển sang trồng loại cây khác có giá trị kinh tế hơn. 

“Trong mỗi cuộc họp, UBND xã và Phòng NN&PTNT huyện luôn khuyến cáo bà con nông dân chúng tôi không nên phá bỏ cây cao su. Nhưng giờ giá mủ cao su chỉ còn 8-9 ngàn đồng/kg, đó là chưa kể những cánh rừng cao su nằm xa đường lộ giá rẻ mạt hơn nhiều. Mủ bán ra không đủ trả tiền lãi ngân hàng nên chúng tôi không biết phải làm sao, chỉ mong các cấp ban ngành chức năng có định hướng cụ thể”, bà Miến trăn trở. 

Ông Phan Gia Điền, Chủ tịch UBND xã Hương Hòa thông tin, do mủ cao su bán không được giá, trong khi bà con nông dân chịu cảnh nợ nần từ ngân hàng và các khoản vay vốn để trồng rừng nên rất nhiều hộ dân đã phải chặt bỏ cao su để chuyển sang trồng cây cam, tình trạng này khiến diện tích cao su ở địa bàn xã từ hơn 300ha nay chỉ còn khoảng 200ha. 

Thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Nam Đông, toàn huyện trồng được gần 3.500ha cao su và nhiều năm qua, đây là cây trồng chủ lực giúp nhiều gia đình ở địa phương xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, do sản phẩm thiếu đầu ra, thị trường tiêu thụ mặt hàng nông sản này lại không đáp ứng đủ với nguồn cung quá lớn khiến giá thành mủ cao su giảm mạnh, đẩy đời sống kinh tế của người trồng cao su vào cảnh lao đao.

Theo ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên-Huế, trong tổng số 9.100ha cao su trên địa bàn toàn tỉnh thì có 6.000ha đang bước vào độ khai thác lấy mủ. Trước thực trạng cao su rớt giá, sau khi nhận được chỉ đạo từ Bộ NN&PTNT, Sở đã phối hợp với các cấp chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân chăm sóc tốt cây cao su, tránh tình trạng chặt bỏ cao su chuyển sang cây trồng khác nhằm tránh các hệ lụy đáng tiếc về sau...

Anh Khoa

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 2 thi thể trên sông.

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 2414/TB-TTCP thông báo kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2021 tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Ngày 23/11, Công an thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá thông tin, đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Vũ Minh Dương (SN 2006), trú tại xã Hoạt Giang, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá để điều tra tội “Chống người thi hành công vụ”.

Ngày 23/11, Viện KSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết đã phê chuẩn Quyết định khởi tố vụ án “Điều khiền phương tiện hàng hải vi phạm quy định về hàng hải của Nước CHXHCN Việt Nam” của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để tiến hành điều tra theo quy định pháp luật. Đồng thời, các cơ chức năng, đại lý hàng hải được chủ tàu ủy quyền, công ty bảo hiểm cũng đang phối hợp chặt chẽ trong công tác tìm kiếm, cứu hộ, bảo đảm môi trường và khắc phục hậu quả vụ tai nạn.

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文