Nông sản Việt cần tận dụng cơ hội mới, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu

08:56 23/11/2020
Việt Nam hiện đang là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới, tạo ra cơ hội lớn để phát triển chuỗi cung ứng mới

“Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề tới hoạt động giao thương, làm đứt gãy chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, với việc 13 Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương đã có hiệu lực, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) mới được ký kết, đang đàm phán 2 FTA, Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới, tạo ra cơ hội lớn để phát triển chuỗi cung ứng mới”, ông Nguyễn Hữu Tín, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM (ITPC) nhấn mạnh tại diễn đàn “Dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu và phát triển bền vững vùng cung ứng nguyên liệu sau COVID-19” do ITPC tổ chức ngày 18/11 tại TP HCM.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, hiện nay mức độ tham gia của Việt Nam vào các chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) và khu vực vẫn còn hạn chế, thấp hơn nhiều so với các nước cùng khối ASEAN (Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines). Số liệu của Ngân hàng thế giới cho thấy, năm 2018, Việt Nam chỉ tạo ra được 20,4 tỷ USD thông qua việc tham gia vào các GVC, xếp thứ 53 trên tổng số 174 quốc gia. Đồng thời, mức độ tham gia vào các công đoạn tinh vi phức tạp của Việt Nam vẫn còn thấp. 

Theo Báo cáo phát triển thế giới (WDR) năm 2020, mức độ tham gia của Việt Nam hiện nay đang ở cấp độ “chế biến chế tạo mức hạn chế” và cần tiến lên GVC để nâng cao năng suất. Một số quốc gia khác trong ASEAN như Malaysia, Thái Lan và Philippines hiện đã ở trình độ “chế biến chế tạo và dịch vụ tiên tiến” (cao hơn 1 cấp so với Việt Nam). GVC hiện chiếm tới 66% giao dịch thương mại, tuy nhiên mức độ nội địa hóa của Việt Nam vẫn còn ở mức thấp, chỉ đạt 28% trong tổng kim ngạch thương mại, thấp hơn gần 2 lần so với Trung Quốc. Ước tính, cứ 1% tăng lên trong sự tham gia vào GVC sẽ làm tăng mức thu nhập bình quân đầu người lên hơn 1% (nhiều hơn 2 lần so với thương mại truyền thống). Do vậy tăng cường sự tham gia của Việt Nam vào GVC sẽ là quan trọng để thúc đẩy nhanh năng suất và tăng trưởng.

Được xem là một trong những ngành có thế mạnh của Việt Nam, kể cả bị tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, nhưng nông lâm thủy sản vẫn duy trì mức tăng trưởng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019, ước đạt 30,5 tỷ USD, xuất siêu lên tới 7,2 tỷ USD. Nông sản Việt được XK đi rất nhiều thị trường, với các mặt hàng chủ lực như: Rau quả, hạt điều, chè, cà phê, gạo, hạt tiêu, cao su… Tuy nhiên, dẫn chứng số liệu điều tra của Viện Cơ học nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, ông Phạm Thiết Hòa, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) cho rằng, tỷ trọng nông sản chế biến sâu được XK của Việt Nam còn rất hạn chế, mới chỉ đạt khoảng 25 – 30% tổng sản lượng nông sản (bằng một nửa so với các nước ASEAN). Nhiều sản phẩm trong số đó đạt tỷ lệ rất thấp như: Rau, quả, thực phẩm chỉ đạt 10%, cà phê chỉ đạt 4 – 6%...

Nông sản là thế mạnh của Việt Nam, nhưng tỷ trọng chế biến sâu mới chỉ đạt 25 - 30% tổng sản lượng.

Theo ông Phạm Thiết Hòa, còn rất nhiều việc phải làm để thúc đẩy, đưa nông sản Việt Nam vào GVC. Giải pháp trước nhất là cần tận dụng lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Bởi các Hiệp định này có rất nhiều ưu đãi về thuế quan cho nông sản Việt Nam. Đơn cử như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), phần lớn hàng nông sản XK chủ lực của Việt Nam (rau quả tươi và rau quả chế biến, gạo, hạt khô…) được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi có hiệu lực hoặc sau 3 – 5 năm. Hay như Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), EU cam kết sẽ đưa thuế suất về 0% sau một lộ trình nhất định đối với sản phẩm từ gạo và tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm, giúp Việt Nam có thể xuất khẩu 100.000 tấn gạo tấm vào EU hằng năm.

 Bên cạnh đó, nhu cầu của thị trường EU về các sản phẩm rau quả nhiệt đới rất lớn, vì vậy, cơ hội cho Việt Nam XK mặt hàng này cũng được rộng mở. EU cam kết xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả. Đối với thị trường ASEAN, Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) cũng đem lại nhiều cơ hội XK cho nông sản Việt. Bởi lợi thế của thị trường nội khối ASEAN là khoảng cách địa lý gần gũi, không hạn chế phương tiện vận chuyển và là thị trường tiêu thụ rau quả lớn thứ hai của Việt Nam.

Ông Phạm Thiết Hòa cũng khuyến nghị với cộng đồng DN một số giải pháp nhằm đẩy mạnh, đưa hàng vào GVC như: DN tập trung đầu tư công nghệ, thiết bị hiện đại vào trong sản xuất, chế biến và đa dạng hóa sản phẩm. Tăng cường hợp tác kết nối với đối tác trong chuỗi cung ứng, tiếp cận và đa dạng hóa thị trường XK. Việc xây dựng và phát triển nền nông nghiệp hữu cơ thông qua cơ chế liên kết “6 nhà” (nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, ngân hàng, nhà DN, và nhà phân phối). DN cũng cần chú ý đến việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu quốc gia, đẩy mạnh việc cấp mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc cho nông sản Việt...

T.Hà - N.Cẩm

Sở Xây dựng Hà Nội vừa ban hành kế hoạch tổ chức giao thông để phục vụ phá dỡ tòa nhà Hàm cá mập và đảm bảo trật tự, chống ùn tắc tại khu vực quảng trường Đông Kinh - Nghĩa Thục (trước tòa nhà Hàm cá mập) trong thời gian khoảng một tháng.

Báo cáo với UBND TP Hồ Chí Minh về tình thu phí đậu xe ô tô dưới lòng đường vào ngày 6/3 vừa qua, ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTCC cho biết, từ tháng 12/2020 Công ty TNHH MTV DVCI Thanh niên xung phong tổ chức trông giữ xe ô tô có thu phí trên 20 tuyến đường. Trong đó địa bàn quận 1 có 12 tuyến, quận 5 có 3 tuyến, quận 10 có 5 tuyến…

Hưởng ứng chương trình của Chính phủ và chỉ đạo của Đại tướng Lương Tam Quang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an về chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, CLB Doanh nghiệp Cựu CAND (Hội Cựu CAND Việt Nam) đặt mục tiêu xây dựng gần 60 căn nhà mới tặng các đồng chí cựu CAND có hoàn cảnh kinh tế khó khăn ngay trong năm 2025.

Trưa ngày 5/4, Đoàn tàu chở CBCS quân đội từ miến Bắc vào TP Hồ Chí Minh tham gia diễu binh, diễu hành chào mừng Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) đã dừng tại ga Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Đây là ga tàu cuối CBCS  dừng chân để tiếp tục tập trung tại một số đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn TP Biên Hòa, tiếp tục tập luyện trước khi di chuyển về TP Hồ Chí Minh...

Sáng 5/4, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kiên Giang đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam đối với Trần Thanh Nhơn (SN 1980, ngụ xã Thủy Liễu, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang) về tội giết người. Nạn nhân là chị Nguyễn Thanh Kim Huệ – vợ của bị can.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文