Petrolimex lãi khủng do xăng dầu không bị kiềm chế giá bán
- Doanh thu Petrolimex giảm 22% nhưng lợi nhuận tăng 60%
- Đầu tư công nghệ mới, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng ở Petrolimex
- Đã có kết luận thanh tra Petrolimex sau nhiều tranh cãi
- Petrolimex - vững vàng trong gian khó và vững chắc trong phát triển
Báo cáo của Petrolimex cho biết: Tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2016 là hơn 123 nghìn tỷ đồng, thấp hơn khá nhiều so với con số gần 147 nghìn tỷ đồng của năm trước. Trong đó, doanh thu bán hàng là gần 118 nghìn tỷ đồng (năm trước là hơn 142 nghìn tỷ); doanh thu cung cấp dịch vụ là hơn 4,4 nghìn tỷ đồng. Giá vốn của hàng hóa đã bán là hơn 104 nghìn tỷ đồng.
Tuy doanh thu có giảm nhưng lãi gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ là gần 14.131 tỷ đồng (năm trước là 13.188 tỷ đồng). Theo bảng cân đối kế toán hợp nhất năm 2016, Petrolimex có lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp là hơn 5.165 tỷ đồng (cao hơn nhiều so với con số năm trước là 3.438 tỷ đồng), trong đó lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là hơn 4.665 tỷ đồng.
Tổng cộng nguồn vốn của Tập đoàn này đến thời điểm cuối năm 2016 (bao gồm vốn chủ sở hữu 23.203 tỷ đồng, cộng với nợ phải trả hơn 31.034 tỷ đồng) là hơn 54.238 tỷ đồng.
Không còn bị kiềm chế giá bán xăng dầu, Petrolimex công bố lãi năm sau cao hơn năm trước. |
Đầu tháng 2-2017, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Petrolimex đã lý giải lý do vì sao Tập đoàn này chưa lên sàn sau khi đã phát hành cổ phiếu lần đầu gần 6 năm và bày tỏ quyết tâm lên sàn trong quý I năm nay.
Theo ông Bảo, Petrolimex chưa lên sàn vì chưa đủ điều kiện; đến năm 2016, vốn nhà nước góp tại Petrolimex mới đủ theo quy định, đến từ nguồn lợi nhuận hằng năm được chia, để bù vào phần góp chưa đủ của cổ đông Nhà nước.
Đồng thời, Petrolimex đã hoàn thành việc phát hành thêm, bán cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài, giảm vốn Nhà nước xuống 75% theo phương án cổ phần hóa đã được phê duyệt. Tại cuộc trao đổi này, ông Bảo cũng đánh giá năm 2016 là 1 năm Petrolimex thu lợi nhuận cao từ kinh doanh xăng dầu theo Nghị định 83, không phải kìm chế giá, bán lỗ...
Mặt khác, ông này cũng cho biết, cơ cấu lợi nhuận của Petrolimex khá bền vững khi kinh doanh xăng dầu chiếm tỷ trọng 50 - 60%, phần còn lại đến từ hoạt động kinh doanh khác.
Đến thời điểm này, cơ cấu tổ chức của Petrolimex bao gồm Công ty mẹ - Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và các công ty thành viên (70 công ty con, bao gồm 43 công ty xăng dầu do Tập đoàn sở hữu 100% vốn thuộc khối Xăng dầu trực thuộc và 27 công ty con khác, 1 công ty liên doanh và 12 công ty liên kết).
Theo Quyết định số 828 của Thủ tướng năm 2011 về phê duyệt phương án cổ phần hóa và cơ cấu lại Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam, vốn điều lệ được duyệt của Petrolimex sau khi chuyển đổi sang công ty cổ phần là 10.700 tỷ, trong đó Nhà nước nắm giữ hơn 1 tỷ cổ phần, tương đương 94,99% vốn điều lệ. Sau đó, Thủ tướng đã ký quyết định đồng ý giảm tỷ lệ vốn nhà nước xuống 75,87%.
Petrolimex phát hành hơn 103,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược JX NOE (Nhật Bản); phát hành cổ phiếu ưu đãi hoàn lại từ lợi nhuận sau thuế năm 2015 cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 15% tương ứng số lượng hơn 155 triệu cổ phiếu với tổng giá trị phát hành hơn 1.550 tỷ đồng theo Nghị quyết Đại hội cổ đông thường niên 2016.
Hoàn thành mua lại cổ phiếu quỹ toàn bộ cổ phiếu ưu đãi hoàn lại từ nguồn thặng dư phát hành vốn cho JX NOE với số lượng hơn 155 triệu cổ phiếu trên và thưởng 6% từ lợi nhuận sau thuế 2015/cổ phiếu ưu đãi hoàn lại. Hoàn thành bổ sung vốn Nhà nước thiếu theo phương án quyết toán cổ phần hóa đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2014, số lượng cổ phiếu do Nhà nước nắm giữ là hơn 981 triệu cổ phiếu, chiếm 75,87% vốn điều lệ.