Phát triển sản phẩm và thị trường mới cho cá tra Việt Nam
Căn cứ kết luận này, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cá tra, basa của Việt Nam sẽ bị áp dụng mức thuế chống bán phá giá từ 2,39 USD/kg - 7,74 USD/kg. Đây là các mức thuế rất cao và sẽ có tác động lớn tới xuất khẩu cá tra, basa của Việt Nam sang Hoa Kỳ thời gian tới.
Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam (VINAPA) cho biết, việc Hoa Kỳ không sử dụng số liệu nước thứ 3, như: Bangladesh, Indonesia mà dùng số liệu có sẵn (AFA) để tính mức áp thuế cho cá tra Việt Nam trong đợt POR 13 là sự bảo hộ quá mức.
VINAPA khẳng định, việc giá xuất khẩu cá tra thấp là do các DN Việt đã thiết lập các mô hình liên kết chuỗi từ nuôi, chế biến đến xuất khẩu sản phẩm phù hợp. DN Việt Nam không bán phá giá sản phẩm fillet cá tra, basa đông lạnh Việt Nam vào thị trường Mỹ.
Thu hoạch và chế biến cá tra xuất khẩu ở ĐBSCL. |
“VINAPA cùng các DN chế biến xuất khẩu đã có kiến nghị đến Bộ Công thương về việc hướng dẫn các thủ tục pháp lý cần thiết để có thể khiếu kiện lên Tòa án Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ nhằm bảo đảm quyền lợi cho các DN xuất khẩu Việt Nam” – ông Dương Nghĩa Quốc cho biết.
Hiện Việt Nam có khoảng 200 DN xuất khẩu cá tra đến khoảng 138 thị trường. Trong đó, các khối thị trường dẫn đầu là Mỹ, EU, Trung Quốc, ASEAN, Canada, Trung Đông, Nhật Bản... Mỹ là thị trường lớn xuất khẩu cá tra của Việt Nam (chiếm khoảng 20%).
Do đó, bất kỳ sự thay đổi nào về hàng rào kỹ thuật, thương mại theo hướng siết chặt từ phía Mỹ cũng gây tác động cho ngành cá tra Việt Nam nói chung. Thị trường Mỹ hiện nay đang gặp phải là chống bán phá giá và Đạo luật Nông trại Hoa kỳ (Farm bill).
Theo TS Võ Hùng Dũng, Tổng thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam, việc áp thuế chống bán phá giá từ phía Mỹ đối với các công ty xuất khẩu cá tra Việt Nam làm cho thị trường thiên lệch. Đồng nghĩa việc làm cho giá cá tra ở Mỹ cao hơn EU và Trung Quốc.
Ông Võ Đông Đức - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP xuất khẩu thủy sản Cần Thơ (Caseamex) cho biết: “Theo quyết định chống bán phá giá của Mỹ thì chỉ có duy nhất Công ty CP Thủy sản Vĩnh Hoàn được hưởng mức thuế xuất bằng 0 và Công ty CP Thủy sản Biển Đông là 19 cent/kg. 9 DN khác tuy nằm trong nhóm được hưởng mức thuế riêng biệt nhưng cũng phải chịu mức thuế 3,87 USD/kg, các DN còn lại phải chịu mức thuế chống phá giá lên đến 7,74 USD/kg. Với mức thuế như trên hiện tại chỉ còn 2 DN là Vĩnh Hoàn và Biển Đông xuất khẩu được sang thị trường này, còn lại phải tìm đường chuyển hướng sang thị trường khác”.
Trước mắt, xúc tiến sản phẩm cá tra tiêu thụ thị trường trong nước có ý nghĩa vô cùng to lớn và quan trọng. Hầu như đại bộ phận người Việt không thấy rõ được giá trị của loại cá tra và biết cách nấu nướng món ăn như thế nào cho ngon, hợp khẩu vị.
“Khi sản phẩm cá tra trở nên đa dạng, phong phú với nhiều cách chế biến và ăn uống đặc sắc thì trở thành nét văn hóa ẩm thực đặc trưng. Một là, kích thích phát triển du lịch ẩm thực, tạo điều kiện tăng cường tiêu thụ tại chỗ. Hai là, có thể quảng bá những sản phẩm cá tra chế biến theo kiểu Việt Nam ra quốc tế, góp phần từng bước xây dựng thương hiệu ngành cá tra Việt Nam theo Chương trình thương hiệu quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 253/2003/QĐ-TTg ngày 25-11-2003. Đề xuất Bộ NN&PTNT hỗ trợ chính sách để Hội thi Mekong Chef được triển khai rộng rãi ở ĐBSCL, cho các doanh nghiệp nhỏ, hộ nuôi tham gia, tiếp thị cho khu vực nuôi” – TS Võ Hùng Dũng nhấn mạnh.
Cá tra Việt Nam được các bộ, ngành xác định là 1 trong 5 mặt hàng chiến lược của nông nghiệp tập trung xây dựng thương hiệu quốc gia và xây dựng kế hoạch hành động thực hiện từ 2017.
Có giải pháp đấu tranh với việc áp giá thuế cao giống như một hàng rào bảo hộ của phía Hoa Kỳ đối với cá tra Việt Nam là rất cần thiết.
Song, việc xúc tiến sản phẩm cá tra tiêu thụ thị trường trong nước có ý nghĩa quan trọng không kém thị trường xuất khẩu…