Quyết liệt cuộc chiến chống buôn lậu trên đường 9
- Truy tìm cặp vợ chồng buôn lậu bằng thủ đoạn khai báo gian lận hải quan
- Chống buôn lậu cần có sự phối hợp chặt chẽ của nhiều ngành
- Tăng cường chống buôn lậu các chất gây hại môi trường
Tháng 3, vùng biên giới Lao Bảo, huyện Hướng Hóa nắng rát da thịt. Theo quan sát của chúng tôi, tình trạng buôn bán, vận chuyển hàng lậu ở đây có phần vắng vẻ hơn trước.
Người dẫn đường cho biết, thay vì vận chuyển hàng lậu từ Lào vượt sông Sê Pôn sang tập kết ở Quảng Trị, rồi gùi cõng theo các con đường tiểu mạch băng rừng núi, chất lên các phương tiện vận chuyển về đồng bằng như trước đây, thì nay các chủ hàng lậu cho người vận chuyển hàng thẳng một mạch từ Lào sang khu vực biên giới Quảng Trị, chất ngay lên các xe máy, ôtô vận chuyển về xuôi mà không tập kết nữa.
Công an tỉnh Quảng Trị bắt giữ hàng lậu trên tuyến đường 9. |
Để làm được điều này, các chủ hàng lậu bố trí nhiều nhóm theo dõi, nắm tình hình lực lượng chức năng chống buôn lậu trên tuyến.
Lợi dụng giờ cao điểm, những lúc sơ hở; hoặc lúc các lực lượng làm nhiệm vụ khác, là chúng thực hiện ngay việc vận chuyển hàng lậu. Trung tá Hoàng Văn Dũng, Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về hình sự - kinh tế - ma túy, Công an huyện Đakrông nói rằng, ngay như trước Trạm CSGT Đakrông (Phòng CSGT Công an Quảng Trị) đóng trên tuyến đường 9, địa phận huyện Đakrông, cũng có nhiều nhóm người thường xuyên ngồi theo dõi, “hóng” hoạt động của các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ chống hàng lậu để báo cho các đối tượng buôn lậu.
“Họ làm việc mục đích xấu, nhưng khó xử lý, vì chỉ có hành động ngồi trước các nhà dân uống nước trà mà không vi phạm một pháp luật cụ thể nào. Vì vậy, thời gian qua, để ngăn chặn, xử lý hiệu quả các hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm trên tuyến đường 9 và khu vực biên giới, lực lượng chức năng đã phải thay đổi biện pháp”, Trung tá Dũng nói.
Theo chân các cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Đakrông chống buôn lậu trên đường 9, chúng tôi nhẩm tính, chỉ trong một ngày đêm, riêng loại xe khách 16 chỗ ngồi (đã hạ tải để chở hàng) có hơn 200 lượt đi về trên tuyến; trong đó phần lớn từ khu vực thị trấn vùng biên Lao Bảo về hướng TP Đông Hà, số ít từ cửa khẩu quốc tế La Lay (xã vùng biên A Ngo và A Bung, Đakrông) cũng về hướng này.
Khi bị lực lượng chức năng dừng xe kiểm tra và phát hiện cất giấu, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm trên xe, các tài xế đều tỏ ra mình không biết, nói tỉnh rụi rằng, chỉ là chở thuê theo yêu cầu của chủ hàng mà không để ý, hoặc chủ quan thiếu kiểm tra.Tài xế Lê Đình D., ở khối phố 7, phường 5, TP Đông Hà cố nài nỉ lực lượng chức năng bỏ qua việc chở hàng lậu, với lý do trên.
Tuy nhiên, khi bị “bắt bài” về thủ đoạn, đối tượng này đã chấp nhận bị xử phạt hành chính về hành vi vận chuyển hàng lậu. Các tang vật, gồm hơn 20 nồi chiên hiệu Philip Viva Collection Aifryer 800gr, 30 máy xay sinh tố Panasonic, loại 1500ml, MX-GX1561W, 40 ấm đun nước hiệu Philip loại 1.5L, 2400W… cũng bị lập biên bản tạm giữ theo hình thức hàng vô chủ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Lãnh đạo Công an huyện Đakrông cho biết, trong năm 2019 và từ đầu năm 2020 đến nay, đơn vị đã phát hiện, bắt giữ hàng lậu, hàng cấm, với hơn 100 vụ, trên 100 đối tượng.
Trong đó có 86 vụ kinh doanh hàng hóa nhập lậu, với số lượng hàng hóa bị tạm giữ để xử lý gồm: 24.280 chai, lon bia ngoại; 1.835 chai rượu ngoại; 47.688.400kg đường kính, cùng nhiều hàng hóa lậu khác như nồi cơm điện, máy xay sinh tố, ấm đun nước, thuốc lá… Đến nay, đã xử phạt 77 vụ, 78 đối tượng, với tổng số tiền gần 837 triệu đồng. Tổng số tiền thu được từ bán, thanh lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính hơn 1,4 tỷ đồng…
Tuy nhiên, Trung tá Hoàng Văn Dũng cho rằng, việc xử lý hàng hóa lậu có những khó khăn, bất cập, gây lãng phí cho Nhà nước. Chẳng hạn, theo quy định của pháp luật, đối với mặt hàng rượu ngoại nhập lậu, từ 100 chai cùng chủng loại trở lên mới tổ chức đấu giá, sung công quỹ Nhà nước. Trong khi thực tế mỗi vụ bắt giữ mặt hàng lậu này chỉ từ 3- 5 két, tổng cộng chưa đến 100 chai. Có trường hợp 100 chai trở lên và đều là rượu ngoại thật, nhưng khi giám định thì chúng không cùng một chủng loại. Thành thử theo quy định phải tiêu hủy toàn bộ rất lãng phí.
Trước thực tế trên, hiện đơn vị đã có đề xuất với Công an tỉnh Quảng Trị và chính quyền, cơ quan chức năng liên quan, việc xin Chính phủ, các Bộ, ban, ngành tổ chức bán đấu giá ngay cả với số lượng hàng nhỏ lẻ, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng đảm bảo, nhằm tránh gây lãng phí, bổ sung nguồn ngân sách cho Nhà nước.