Sau 3 tháng điều hành tỷ giá theo cơ chế mới: Diễn biến tỷ giá vẫn khó lường
Bắt đầu từ năm 2016, thay vì công bố một mức tỷ giá cố định trong thời gian dài như trước đây, hàng ngày, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỷ giá trung tâm theo cả hai chiều lên xuống.
Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) Bùi Quốc Dũng, sau một quý áp dụng cách thức điều hành tỷ giá mới, tỷ giá giao dịch trên thị trường giảm nhanh xuống mặt bằng mới thấp xa so với mặt bằng tỷ giá cuối năm 2015. Tính đến 7-4, tỷ giá trung tâm đã giảm 200 đồng/USD so với ngày công bố đầu tiên.
3 tháng đầu năm, thị trường ngoại tệ diễn biến ổn định, thanh khoản của thị trường tốt, tình trạng đầu cơ, găm giữ ngoại tệ giảm mạnh, NHNN mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung Dự trữ ngoại hối Nhà nước. Tất cả các tổ chức tín dụng mua ngoại tệ kỳ hạn của NHNN ngày 31-12-2015 đã hủy giao dịch kỳ hạn để tự cân đối trên thị trường.
BVSC dự báo VND sẽ giảm giáa khoảng 3% so với USD trong năm 2016. |
Diễn biến này cho thấy điểm thành công nhất trong cách thức điều hành tỷ giá mới đã giúp thị trường ngoại tệ hấp thu tốt hơn các cú sốc bên ngoài, giảm thiểu tác động bất lợi tới tỷ giá. Mặt khác, cách thức điều hành tỷ giá mới cũng làm giảm động cơ đầu cơ, găm giữ ngoại tệ, khuyến khích tổ chức và cá nhân bán ngoại tệ ra lấy VND để hưởng lợi tức lớn hơn, giải phóng lượng ngoại tệ được đầu cơ, găm giữ trong thời gian qua…
Tuy nhiên, một số chuyên gia phân tích tài chính lại cho rằng chính sách tỷ giá duy trì ổn định trong ba tháng đầu năm nhờ sự thuận lợi về diễn biến thị trường đến từ trong và ngoài nước. Song, diễn biến tỷ giá trong năm nay vẫn rất khó lường và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng có hai nguyên nhân chính khiến tỷ giá USD/VND có chiều hướng sụt giảm trong quý vừa qua.
Thứ nhất, về nguyên nhân khách quan, đồng USD trên thị trường thế giới có xu hướng giảm mạnh trong quý I. Chỉ số Dollar Index đã giảm 4,2%, trong đó giảm mạnh nhất là so với JPY (-6,7%) và EUR (-4,8%). Đây cũng là diễn biến khá bất ngờ xét trong bối cảnh Fed vẫn đang trong tiến trình tăng dần lãi suất trong khi Ngân hàng Trung ương châu Âu và Nhật Bản tăng cường các biện pháp nới lỏng tiền tệ bằng các gói QE và chính sách lãi suất âm.
Giao dịch tại ngân hàng. |
Trong khi đó, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc trong quý I cũng tăng nhẹ 0,6% so với USD. Như vậy, hầu hết các đồng tiền chủ chốt trong rổ tính tỷ giá trung tâm của NHNN đều lên giá so với USD. Điều này đã giúp giải tỏa sức ép lên tỷ giá USD/VND (trên thực tế VND giao dịch tại các NHTM đã tăng giá gần 1% so với USD).
Thứ hai, về nguyên nhân chủ quan, cán cân thương mại đã chuyển sang trạng thái xuất siêu (776 triệu USD) trong 3 tháng đầu năm 2016 sau năm 2015 luôn ở trạng thái nhập siêu. Bên cạnh đó, nguồn kiều hối chuyển về Việt Nam cũng ghi nhận ở mức khá trong quý I. Những diễn biến này đã giúp bổ sung nguồn cung ngoại tệ thực tế trên thị trường, góp phần làm giảm kỳ vọng VND tiếp tục giảm giá trong ngắn hạn.
Cùng chung nhận định, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng cho rằng, trong chính sách tỷ giá mới, diễn biến của tiền đồng sẽ có mối liên hệ nhiều hơn với thâm hụt thương mại và tình trạng ra/vào của các dòng vốn. Diễn biến trong quý I/2016 cho thấy thặng dư thương mại được duy trì và nhập siêu cao chưa có dấu hiệu trở lại khi hoạt động xuất nhập khẩu nội địa đều suy giảm.
Thêm vào đó, việc giải ngân vốn tích cực của khối FDI đang hỗ trợ cho mặt bằng tỷ giá. Đồng thời, việc mua vào ngoại tệ nâng dự trữ ngoại hối của NHNN thời gian qua cũng phần nào đảm bảo cho khả năng ổn định trong chính sách điều hành tỷ giá của NHNN trong quý tiếp theo.
Và, mặc dù có diễn biến tương đối bình ổn trong 3 tháng đầu năm, nhưng BVSC đánh giá diễn biến tỷ giá trong năm nay vẫn rất khó lường và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Xu hướng khó dự báo của các đồng tiền chủ chốt như USD, EUR, JPY và đặc biệt là CNY sẽ là những yếu tố khách quan gây trở ngại không nhỏ cho các quyết định điều hành của NHNN.
Tình trạng xuất siêu cũng chưa thật sự bền vững khi không xuất phát từ việc xuất khẩu tăng trưởng mạnh, mà chủ yếu do nhập khẩu giảm bớt. Theo quy luật một số năm gần đây, tỷ giá thường chịu sức ép lớn từ cuối quý II trở đi, khi các yếu tố như nhập khẩu, lạm phát, thị trường tiền tệ thế giới có nhiều biến động (khả năng cao Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất đồng USD trong cuộc họp tháng 6 tới) cùng cộng hưởng tại một thời điểm. Trong kịch bản trung bình, BVSC dự báo, VND sẽ giảm giá khoảng 3% so với USD trong năm 2016. |
Vàng trong nước thấp hơn thế giới, người dân vẫn thờ ơ Thị trường vàng trong nước tuần qua tiếp tục tái chứng kiến hiện tượng giá vàng trong nước thấp hơn giá vàng thế giới. Trong phiên giao dịch ngày thứ sáu 8-4, giá vàng trong nước thấp hơn giá vàng thế giới gần 400 nghìn đồng/lượng. Nếu tính cộng cả thuế, phí, người mua vàng trong nước thời điểm này còn được lợi lên đến gần 1 triệu đồng/lượng (tính ngang bằng cùng thời điểm với giá thế giới). Các chuyên gia trong ngành đều nhận định giá vàng thế giới tiệm cận, thậm chí vượt lên giá nội địa thời gian qua một phần không nhỏ nhờ những biện pháp quyết liệt chống vàng hóa của Ngân hàng Nhà nước. “Chính sách chống vàng hóa của Chính phủ đã bắt đầu phát huy tác dụng, cộng với tăng trưởng kinh tế và sức mạnh tiền Đồng tương đối tốt, khiến người dân trở nên thờ ơ hơn với thứ kim loại quý này. Đây là lý do khiến cho khoảng cách giá giữa 2 thị trường ngày càng được thu hẹp, và thậm chí giá vàng trong nước thấp hơn giá vàng thế giới là điều có thể dự đoán được” - chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhận định. Trên thị trường thế giới, giá vàng giao tháng 6 đóng cửa ở 1.242,40 USD/oz. Mặc dù vẫn tồn tại áp lực bán ra, như vàng kỳ hạn giao tháng 6 vẫn gần như giữ nguyên vẹn đà tăng gần đây, kết thúc tuần với mức tăng hơn 1,6%. Theo các chuyên gia, hiện nay lượng vàng được hỗ trợ bởi các tài sản an toàn khác như đồng Yên Nhật Bản do dữ liệu kinh tế không khả quan của Châu Âu và Hoa Kỳ khiến các nhà đầu tư rút lui khỏi các tài sản rủi ro. Bên cạnh đó, Biên bản cuộc họp chính sách mới nhất của Cục Dự trữ liên bang cho thấy đa số các nhà hoạch định đều cho rằng nên thận trọng với việc tăng lãi suất của Mỹ do những lo ngại về suy thoái toàn cầu. Các nhà hoạch định chính sách đã báo hiệu ở cuộc họp chính sách hồi tháng 3 rằng họ dự kiến sẽ tăng lãi suất lên 2 lần vào năm 2016 nhưng chưa xác định rõ thời gian nào. Một yếu tố khá quan trọng kích thích nhu cầu mua vàng tích trữ của giới đầu tư là vấn đề nợ công. Theo các chuyên gia, hiện nhiều nhà đầu tư lo ngại về vấn đề nợ công của Hy Lạp đang diễn ra trong khi Liên minh châu Âu chưa có tiếng nói chung để đưa ra quyết sách, những tín hiệu này đã hỗ trợ giá vàng đi lên mạnh mẽ. Nhóm PV |