Bộ Nông nghiệp ban hành liên tiếp 5 văn bản bình ổn giá thịt lợn

20:43 20/12/2019
Sau khi bị Phó Thủ tướng phê bình vì giá thịt lợn phi mã, trong 2 ngày vừa qua, Bộ NN&PTNT liên tiếp ban hành 5 văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đề nghị phối hợp bình ổn giá thịt lợn dịp cuối năm.

Ngày 20-12, Bộ NN&PTNT cho biết, liên quan đến diễn biến thị trường thịt lợn cuối năm, trong ngày, Bộ đã gửi 2 văn bản đến Bộ Công thương; Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống buôn lậu, hàng giả và gian lân thương mại (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia), cùng UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương.

Trong văn bản gửi Bộ Công thương, thông tin dự báo về cung cầu thịt lợn cuối năm Bộ NN&PTNT cho biết, chăn nuôi lợn gặp nhiều khó khăn do bệnh dịch tả lợn châu Phi đã làm giảm đáng kể số đầu con và sản lượng so với năm 2018. Sản lượng thịt lợn cả năm 2019 ước đạt khoảng 3,3 triệu tấn, giảm 13,5% so với năm 2018.

Cũng theo thống kê, dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên cả nước từ tháng 2 đến nay đã có trên 5,9 triệu con lợn bị tiêu hủy với tổng trọng lượng là 302.802 tấn, chiếm khoảng 9% tổng đàn lợn của cả nước. Đến nay, dịch bệnh đã được khống chế ở nhiều địa phương và các tỉnh như Hưng Yên, Hải Dương, Phú Thọ, Bắc Giang, Thanh Hóa, Bình Định, Đồng Nai,... đã tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn tái đàn có kết quả tốt.

Trước đó, trong ngày 19-12, Bộ NN&PTNT đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình thịt lợn cuối năm. Báo cáo cũng dẫn số liệu thống nhất giữa Bộ NN&PTNT và Tổng cục Thống kê với số lượng thịt lợn thiếu hụt khoảng 200.000 tấn.


Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Công thương có kế hoạch cho nhập khẩu thịt lợn từ các quốc gia có hiệp định song phương.

Về nhập khẩu thịt lợn, Bộ NN&PTNT cũng đề nghị Bộ Công thương có kế hoạch cho nhập khẩu thịt lợn từ các quốc gia có hiệp định song phương để cân đối việc thiếu hụt thịt lợn trong nước và hài hòa lợi ích giữa các bên. Bộ NN-PTNT không cấp định mức (quota) nhập khẩu thịt lợn, cũng như bất kỳ động vật, sản phẩm động vật nào; tất cả đều bảo đảm thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế.

Còn trong văn bản gửi Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và các địa phương, Bộ NN&PTNT cũng đề nghị cơ quan chức năng tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát ở khu vực biên giới, cửa khẩu để ngăn chặn các loại thực phẩm, trong đó có thịt lợn, thực phẩm từ thịt lợn, lợn hơi sống được vận chuyển nhập vào Việt Nam.

Cũng trong ngày 19-12, Bộ NN&PTNT cũng đã ban hành văn bản gửi UBND các tỉnh, TP đề nghị chỉ đạo tổ chức phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản để bù đắp lượng thịt lợn thiếu hụt trầm trọng do dịch tả lợn châu Phi. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng có công văn gửi đến các doanh nghiệp đề nghị đảm bảo các biện pháp an toàn sinh học, đẩy nhanh tiến độ tái đàn lợn sau dịch tả lợn châu Phi.

Đáng lưu ý trong văn bản này, Bộ NN&PTNT đề nghị các doanh nghiệp tổ chức chăn nuôi, sản xuất đảm bảo bình ổn giá. Các doanh nghiệp cung cấp thông tin đầy đủ về nguồn cung, giá thịt lợn để người sản xuất, người tiêu dùng biết, tránh hiện tượng găm hàng, thổi giá cao bất thường.

Cùng các văn bản trên, cũng trong ngày 19-12, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch tả lợn châu Phi cũng ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương về tái đàn chăn nuôi lợn.

Trước đó, ngày 18-12, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban chỉ đạo điều hành về tình hình giá thịt lợn và bình ổn giá những tháng cuối năm 2019. 

Trong đó, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ phê bình, yêu cầu Bộ NN&PTNT nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ Thủ tướng giao. Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ về tình hình thiếu hụt thịt lợn, giá tăng cao ảnh hưởng đến đời sống người dân và tình hình kinh tế vĩ mô.


Trúc Linh

Như Báo CAND đã phản ánh, sáng 18/10 vừa qua, tại Hội trường UBND thị xã Điện Bàn, Công ty đấu giá Hợp danh Hòa Thuận (đơn vị được Phòng TN&MT thị xã Điện Bàn thuê thực hiện đấu giá) đã tiến hành tổ chức cuộc đấu giá quyền khai thác khoáng sản điểm mỏ ĐB2B, xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn với diện tích 6,04ha, tài nguyên dự kiến 159.000m3 cát, giá khởi điểm được đưa ra hơn 1,2 tỷ đồng.

Đến 16h chiều nay (8/11), Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng vẫn đang khám xét trụ sở Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI (92 đường 29/3, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) để thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của công ty này. Hiện có rất nhiều người dân đã tập trung xung bên ngoài tòa nhà văn phòng công ty theo dõi. Nhiều người kêu khóc, đòi Tổng giám đốc Nguyễn Quang Hoàng... “hiện hồn” trả lại tiền. Công an quận Cẩm Lệ đã huy động hàng chục CBCS để đảm bảo ANTT.

Chiều 8/11, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đã khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam 2 đối tượng: Nguyễn Thị Kim Trang (SN 1970; cư trú quận 3) và Lê Văn Hòa (SN 1977; cư trú quận Tân Bình) là nhân viên tiệm vàng Đức Long (phường 5, quận Tân Bình) về hành vi “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文