Sẽ loại bỏ nhiều mặt hàng ra khỏi danh mục kiểm tra chuyên ngành
- Kiểm tra chuyên ngành vẫn đang làm khó doanh nghiệp
- Giảm tỷ lệ hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành xuống dưới 15%
- Yêu cầu loại bỏ những quy định chồng chéo trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, thời gian tuân thủ chứng từ liên quan đến KTCN nhập khẩu ở Việt Nam là 76 giờ cao hơn rất nhiều so với các nước ASEAN 4 chỉ có 28 giờ. Mặt khác, thủ tục dành cho KTCN cũng tốn nhiều thời gian nhất của doanh nghiệp Việt Nam khi nhập khẩu.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Tổ công tác của Thủ tướng đã làm việc với các Bộ: Tư pháp, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa - Thể thao và Du lịch trong việc xây dựng phương án rà soát, cắt giảm các điều kiện kinh doanh còn chồng chéo, bất cập.
Những bất cập về KTCN chưa được cải cách triệt để theo đúng yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Đơn cử, mới đây nhất tại Hội nghị cải cách hành chính KTCN theo Nghị quyết 19 của Chính phủ, các bộ, ngành thống nhất cắt giảm 50% danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Cơ quan phát triển Hoa Kỳ về một gói cà phê sữa, cho sữa sấy khô để tạo ra sản phẩm mà cơ quan KTCN yêu cầu bóc ra để kiểm tra lây nhiễm dịch bệnh và cho rằng, như vậy, KTCN còn phát sinh nhiều thủ tục.
Một ví dụ khác, một tàu chở 5 loại hàng hóa khác nhau của 5 chủ hàng, 4 lô hàng đã hoàn thành thủ tục hải quan phải chờ lô hàng còn lại làm thủ tục KTCN.
Trong khi đó, khi kiểm tra vaccine, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định 2 trung tâm, trong đó, có 1 trung tâm khu vực phía Bắc bị đình chỉ hoạt động từ tháng 2-2018.
Như vậy, cả nước tập trung vào trung tâm kiểm định phía Nam, gây khó khăn trong việc đi lại, tốn kém cho doanh nghiệp.
Liên quan đến cải cách thủ tục KTCN, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, tổng số sản phẩm hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện KTCN đang chịu quản lý của bộ là 578 sản phẩm, trong đó 571 sản phẩm có mã HS. Dự kiến, còn lại 7 sản phẩm chưa có mã HS sẽ được loại bỏ ra khỏi danh mục KTCN.
Thời gian tới, Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thay thế các quy định hiện hành để triển khai Nghị định 15 (dự kiến hoàn thành trong quý IV/2018). Việc ban hành thông tư mới này, có 396 sản phẩm do Bộ Công Thương quản lý, dự kiến cắt giảm trên 90% lô hàng phải KTCN khi làm thủ tục hải quan. Đồng thời, tiếp tục cắt giảm tỷ lệ 5% lô hàng nhập khẩu phải KTCN của Bộ Công Thương theo Nghị quyết 19.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Văn phòng chính phủ đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Chỉ thị về tăng cường cải cách các hoạt động KTCN, cắt giảm đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đặc biệt là trong hoạt động XNK. Trước ngày 15-8, các bộ, ngành hoàn thành các thủ tục cắt giảm các điều kiện kinh doanh để trình Chính phủ, Thủ tướng theo hướng 1 Nghị định sửa nhiều Nghị định, rút gọn.