Siết “hàng xách tay” tránh thất thu thuế!
- Cần có quy định cụ thể về kinh doanh “hàng xách tay”
- Mỹ phẩm nhập lậu gắn mác hàng “xách tay” bán tràn lan
- Đại gia “rởm” thuê “hàng xách tay”: Khốn đốn vì sĩ diện
Thấy giới thiệu trên mạng trang web bán hàng xách tay áo thun cá sấu thương hiệu Lacoste, khi truy cập vào trang web này thì chúng tôi hết sức bất ngờ vì các mẫu áo thun cá sấu Lacoste, được giới thiệu là hàng nhập khẩu chính hiệu từ Peru – Made in Peru, nhưng giá quá mềm: chỉ 399.000 đồng/áo, 649.000 đồng/2 áo và 849.000 đồng/3 áo, mà có đến 7 màu các loại (xanh đậm, xanh nhạt, xám ghi, vàng, đỏ, trắng, đen) để khách hàng tha hồ lựa chọn.
Mỹ phẩm, thuốc là hàng giả, lậu bị tiêu hủy. |
Trong khi đó, tham khảo giá sản phẩm chính hãng cùng hiệu bán tại thị trường TP Hồ Chí Minh thì chúng tôi nhận thấy, giá áo thun cá sấu không dưới 1 triệu đồng một áo. Phổ biến nhất là giá tầm trên dưới 2 triệu đồng/áo. Sản phẩm ra bán trên mạng nói trên được ghi rõ là “sản phẩm được phân phối độc quyền tại Việt Nam bởi Công ty N.V” (công ty ở Đà Nẵng). Tuy nhiên, trên thực tế, thương hiệu Lacoste tại thị trường Việt Nam hiện nay có 12 cửa hàng ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Hầu hết các cửa hàng đều đặt ở những vị trí đắc địa hoặc trung tâm thương mại như tại TP Hồ Chí Minh: New World Hotel (Lê Lai, quận 1), Parkson Saigon tourist (Lê Thánh Tôn, quận 1), Parkson Hung Vuong (quận 5), Diamond Plaza (Lê Duẩn, quận 1), Lacoste Đồng Khởi (quận 1)...
Không chỉ bán hàng qua mạng mà tại nhiều trên tuyến đường các cửa hàng cũng công khai treo biển hiệu “bán hàng xách tay”. Chỉ một đoạn ngắn đường Trần Huy Liệu (quận Phú Nhuận), có đến 5 – 7 cửa hàng chuyên doanh hàng xách tay với những bảng hiệu to đùng với dòng chữ “Hàng xách tay chính hãng”, “Xách tay hàng Mỹ, Anh, Pháp”, “Đồng hồ chính hãng xách tay”... Do mỗi cửa hàng bán những mặt hàng “xách tay” khác nhau nên lượng khách tại các cửa hàng tấp nập.
Ghé vào một cửa hàng bán “hàng xách tay chính hãng”, chúng tôi được nhân viên bán hàng đon đả mời chào và giới thiệu đủ các mặt hàng từ quần áo, nước hoa, mỹ phẩm, kính mắt, đồng hồ,... với đủ các thương hiệu ngoại nổi tiếng như CK, Gucci, Dior, Rayban, Movado... Hỏi giá chiếc mắt kính hiệu Rayban, nhân viên cửa hàng chắc giá: “Chiếc này giá gốc 6 triệu đồng.
Nhưng đây là sản phẩm xách tay, không mất các loại thuế nên bán ra cho khách hàng giá mềm, chỉ 2,5 triệu đồng”. Thoạt nhìn, mẫu mã sản phẩm y chang kính Rayban chính hãng nhưng vỏ hộp hoàn toàn khác. Cửa hàng dùng loại hộp mềm thay vì hộp cứng như hàng chính hãng. Chúng tôi thắc mắc thì người bán trấn an: “Quan trọng là sản phẩm chính hãng, còn vỏ hộp thì bị mất nên cửa hàng thay vỏ khác để đựng, giữ kính khỏi gãy. Cũng chính vì sản phẩm không đủ bộ nên mới có giá mềm như vậy”.
Theo ghi nhận của chúng tôi, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có rất nhiều cửa hàng chuyên bán hàng xách tay, gần như không thiếu mặt hàng gì và các sản phẩm bày bán cũng rất đa dạng xuất xứ. Như cửa hàng “Thế giới hàng ngoại” (đường Trần Thị Nghỉ, quận Gò Vấp) trưng hai bảng hiệu “chuyên hàng xách tay Mỹ, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc”, tại đây bán đủ các loại mỹ phẩm cao cấp, thực phẩm bổ sung, hóa mỹ phẩm, áo chống nắng Uniqlo...
Hay các “con đường thời trang” Nguyễn Trãi, Hai Bà Trưng, Huỳnh Văn Bánh, Quang Trung,... đủ loại quần áo, túi xách, “hàng xách tay” chính hãng. Riêng tại các trung tâm mua sắm như: Sài Gòn Squar, Taka,..., những nơi này đảm bảo “hàng chính hãng” với khách hàng bằng cách hướng dẫn khách xem nhãn mác quần áo.
Nếu là hàng chính hãng thì đều đã bị cắt rách hoặc xóa tên nhãn hiệu và giá không dưới 2 triệu đồng/cái. Tất cả sản phẩm nhãn toàn in tiếng nước ngoài, không có nhãn tiếng Việt nên người mua tin tưởng đó là hàng chính hãng. Nhưng, nếu xem kỹ thì sẽ thấy nhiều sản phẩm may mặc bị xuống màu, đứt khuy, lỗi mốt...
Nhưng có điều lạ là hàng xách tay thường đưa về thị trường Việt Nam số lượng rất hạn chế, nhưng tại các cửa hàng chuyên bán hàng xách tay liên tục có hàng mới, mẫu mã mới. Một số chủ cửa hàng cho rằng, nguồn “hàng xách tay” bán ra thị trường được cung cấp từ người quen ở nước ngoài mang về.
Hoặc là họ có mối “làm ăn” với tiếp viên hàng không, cùng hợp tác chia lợi nhuận hoặc chia hoa hồng theo từng kiện hàng “đánh” về. Thế nhưng, trên thực tế hàng xách tay theo đường hành lý của hành khách nhập cảnh bằng đường hàng không, định mức hành lý dưới dạng quà tặng trị giá chỉ dưới 10 triệu đồng…
Vì quan niệm hàng xách tay là hàng ngoại nhập chính hãng nhưng không chịu thuế nên nhu cầu tiêu thụ tại thị trường nội địa rất cao. Đáp ứng nhu cầu của khách hàng, các đối tượng kinh doanh đã tìm mọi cách đưa hàng lậu, kể cả hàng giả, kém chất lượng gắn mác “hàng xách tay” để bán ra thị trường.
Theo đánh giá của bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh, Giám đốc truyền thông và đối ngoại Công ty TNHH LOreal Việt Nam thì mỹ phẩm LOreal tại Việt Nam có tới 75% là giả và nhập lậu, chủ yếu là qua đường hàng không. Bà Nguyễn Thị Hương, luật sư điều hành Văn phòng Luật VNIP, đại diện Công ty Lacoste cho rằng, nhãn hiệu “con cá sấu” của hãng này tại Việt Nam đã bị làm giả khá nhiều. Ngoài ra, có một số cửa hàng không có nhượng quyền nhưng vẫn dùng nhãn hiệu chính hãng.
Trong năm 2017 có hơn 8.000 sản phẩm giả mạo gồm giày, quần áo... bị phát hiện. Theo ông Nguyễn Văn Bách – Phó Chi cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh, các Đội QLTT vẫn thường xuyên kiểm tra và mỗi tuần đều có báo cáo thu giữ hàng ngàn sản phẩm hàng ngoại nhập lậu “núp bóng” hàng xách tay.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã chỉ đạo 5 bộ, ngành tăng cường quản lý “hàng xách tay”.
Theo đó, Bộ Công an đấu tranh, triệt phá các đường dây lợi dụng chính sách đối với hàng hóa là quà biếu, quà tặng để buôn lậu hàng hóa tại các cửa khẩu sân bay quốc tế; Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan tăng cường công tác giám sát hàng biếu, tặng từ nước ngoài về Việt Nam; khẩn trương xây dựng phần mềm quản lý số lần miễn thuế theo định mức để thống nhất kiểm soát nguồn hàng này. Các Bộ Công Thương, Y tế, NN&PTNT rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách quản lý chuyên ngành đối với nhóm “hàng xách tay”.