Xuất nhập khẩu năm 2019 nhiều bứt phá

10:20 21/01/2020
Năm 2019 là năm thành công của xuất khẩu (XK) hàng hoá của Việt Nam, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) đạt trên 500 tỷ USD.

Trong đó XK ước đạt 263,45 tỷ USD. Đồng thời, đây cũng là năm thứ 4 liên tiếp Việt Nam xuất siêu cao kỷ lục đạt mức gần 10 tỷ USD và tốc độ tăng trưởng XK tăng 8,05% so với cùng kỳ năm 2018. Những nhân tố nào tạo nên thành công này?

Lần đầu tiên xuất nhập khẩu cán mốc 500 tỷ USD

Vui mừng nói với chúng tôi về kết quả XNK năm 2019, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chia sẻ, năm 2019 là một năm nền kinh tế thế giới biến động khó lường. Nhiều nước trong khu vực XK giảm tốc nhưng Việt Nam vẫn giữ vững được tốc độ tăng trưởng XK và thiết lập mốc trên 500 tỷ USD. Đây là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam 2019.

“Sự bứt phá ngoạn mục trong XK của Việt Nam năm 2019 có đóng góp một phần không nhỏ của khối doanh nghiệp (DN) trong nước. Giá trị xuất khẩu của khối DN trong nước ước đạt 81,23 tỷ USD, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn gần 2,2 lần so với tốc độ tăng trưởng chung cả nước và cao hơn gần 5 lần so với tốc độ tăng trưởng của khối DN FDI (kể cả dầu thô - đạt 4,2%). Qua đó tỷ trọng của khu vực kinh tế trong nước tiếp tục xu hướng tăng lên, chiếm 31,25% tổng kim ngạch XK. Đây là một tín hiệu tốt, cho thấy “sức khoẻ” và sự hội nhập của DN trong nước đã thực sự chủ động nắm bắt được xu thế và thị trường,” Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Nhiều DN Việt đã tham gia được vào chuỗi sản xuất toàn cầu, cung cấp dịch vụ và sản phẩm cho các DN FDI và xuất khẩu theo đơn đặt hàng của các tập đoàn quốc tế. Trong không khí của Xuân Canh Tý 2020, chúng tôi có mặt tại Công ty TNHH Công nghệ Thành Thắng (KCN Bình Xuyên- Vĩnh Phúc), DN chuyên về khuôn mẫu và cơ khí chính xác. Ngoài ra, công ty còn gia công sản xuất phụ tùng ôtô, xe máy và các sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng. Khách hàng của công ty chủ yếu là các DN FDI Nhật Bản, một số DN trong nước và XK.

Vào thời điểm đầu năm 2020, cận Tết Nguyên đán nhưng đây cũng là lúc đơn hàng nhiều nên công nhân làm việc tất bật. Ông Nguyễn Huy Doanh, Trưởng phòng kinh doanh Công ty TNHH Công nghệ Thành Thắng chia sẻ với chúng tôi, Công ty đã XK sang Nhật và một số nước châu Á. Trong năm 2019, mặc dù thị trường có nhiều biến động nhưng công ty vẫn có nhiều đơn hàng, doanh thu đạt khoảng 80-100 tỷ, trong đó XK chiếm 25%. Dự kiến năm 2020 sẽ tăng trưởng đạt khoảng 18-22%.

“Trong năm 2019, nhiều khách hàng Nhật đã sang thăm quan nhà máy và dự kiến đặt hàng theo đơn để XK trực tiếp sang Nhật. Đây là tín hiệu tốt đối với DN, khi các đơn hàng được ký kết thì DN Việt có cơ hội lớn lên, đem lại nhiều việc làm và ngoại tệ về cho đất nước”, ông Nguyễn Huy Doanh chia sẻ.

Thị trường có nhiều biến động với diễn biến khó lường, tuy nhiên các DN sản xuất vẫn giữ được tinh thần lạc quan và dự báo thị trường nhiều ngành hàng sẽ phục hồi. Cũng là một nhà cung ứng trong chuỗi sản xuất cho các DN Nhật Bản tại Việt Nam, ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất & TM Hikari Việt Nam (KCN Đình Trám - Bắc Giang) cho biết, DN sản xuất công nghiệp hỗ trợ, chuyên XK tại chỗ cho các DN FDI Nhật Bản. Năm 2019 là một năm khó khăn khi mà mảng nhà máy in của Canon và Panasonic gặp khó, khiến đơn hàng tụt giảm. Năm 2019, dự kiến doanh thu của công ty đạt 70 tỷ đồng, giảm 40% so với năm 2018. Đây là khó khăn chung của thị trường thế giới. Tuy nhiên, trong năm 2019, công ty vẫn đảm bảo được doanh thu và lợi nhuận, tạo việc làm ổn định cho hơn 300 công nhân với mức thu nhập trung bình từ 8-12 triệu đồng/ tháng. Trong năm 2020, dự báo tình hình đơn hàng sẽ khả quan hơn, và mức doanh thu sẽ đạt 120 tỷ đồng.

Đây chỉ là 2 trong số hàng nghìn DN Việt có hoạt động XK, mỗi DN đóng góp hàng chục tỷ đồng trong kim ngạch XK đã góp phần tạo nên sự bứt phá. Điều đó cho thấy sự chuyển mình và hội nhập sâu rộng của DN Việt, đồng thời DN Việt đã tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, góp phần chuyển dịch cơ cấu hàng hóa XK theo chiều hướng tích cực. Đó là sự giảm thiểu hàm lượng XK thô và tăng XK sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp. Khác với các năm trước đây, động lực tăng trưởng XK không đến từ nhóm nông sản, thủy sản mà đến từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp. Theo đó, năm 2019 có 32 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 1 tỷ USD (8 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 5 mặt hàng XK trên 10 tỷ USD). Những mặt hàng dẫn đầu về kim ngạch XK tiếp tục là điện thoại các loại và linh kiện, hàng dệt và may mặc, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, giày dép các loại.

Theo đánh giá của các chuyên gia, sự chuyển đổi cơ cấu XK theo hướng tích cực đó là minh chứng thể hiện những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đã bước đầu đạt kết quả và có sức lan tỏa, tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh của DN, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp.

Sức hút từ các Hiệp định FTAs

TS. Lê Huy Khôi- Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương) cho rằng, năm 2019 ghi dấu sự hội nhập thành công bằng các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết. Tất cả các nhóm thị trường Việt Nam ký kết FTA và đang thực thi đều ghi nhận tăng trưởng tốt, cho thấy việc chủ động khai thác có hiệu quả các FTA này. Hiện, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng vào thương mại quốc tế với 13 FTA được ký kết và 3 FTA đang trong quá trình đàm phán, hàng hóa XK của Việt Nam có khả năng cạnh tranh tốt hơn so với nhiều nhà cung cấp khác nhờ hàng rào thuế quan dần được gỡ bỏ.

Trong đó, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2019 và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đã được ký kết, dự kiến có hiệu lực năm 2020 đang tạo ra sức hút mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, giúp các DN có thêm năng lực sản xuất mới. EVFTA đang mở ra cơ hội lớn cho DN Việt Nam thâm nhập vào thị trường đầy tiềm năng, với hơn 500 triệu người tiêu dùng. EVFTA có thể sẽ giúp kim ngạch XK của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% trong các năm tới. Đối với mặt hàng rau củ quả, EU cũng cam kết xóa bỏ thuế khi EVFTA có hiệu lực.

“Việc không ngừng cải cách thủ tục hành chính, tạo hành lang thông thoáng cho DN hoạt động đã và đang là động lực rất lớn phát triển các DN XK trong nước, cũng như thu hút mở rộng đầu tư và XK sản phẩm của các DN. Bên cạnh đó, những giải pháp hỗ trợ DN như cắt giảm thủ tục hành chính, tiếp cận thị trường toàn cầu theo hướng hiện đại, cũng tích cực đóng góp vào tăng trưởng kim ngạch XNK năm nay”, TS. Lê Huy Khôi nhấn mạnh.

Trong bức tranh sáng của XK, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhìn nhận, mức tăng trưởng XK của Việt Nam là đáng ghi nhận và thể hiện xu hướng tích cực của nền kinh tế. Trên thực tế, kết thúc năm 2019, tình hình XK hàng hoá của Việt Nam đã có sự cải thiện rõ nét và đạt kết quả khả quan góp phần vào tăng trưởng của năm 2019 và tạo tiền đề cho XK trong năm 2020.

“Kết thúc năm 2019, cán cân thương mại của nước ta vẫn duy trì đà xuất siêu 4 năm liên tiếp với kim ngạch xuất siêu ở mức gần 10 tỷ USD là một tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế. Theo đó, việc kiểm soát tốt cán cân thương mại đã góp phần tăng nguồn cung ngoại tệ và giảm áp lực tăng tỷ giá, ổn định thị trường ngoại hối và cải thiện cán cân thanh toán quốc tế”, ông Long đánh giá.

Lưu Hiệp

Quyết tâm duy trì mô hình "Ngã tư an toàn giao thông" hiệu quả, thay đổi bộ mặt giao thông Thủ đô, lực lượng CSGT xử lý nghiêm tất cả những tài xế xe máy và ô tô có thói quen đứng đè vạch dừng hoặc đè vạch sang đường của người đi bộ, khi bị xử lý lại đổ lỗi do đường đông và đi vội.

46,15% cơ quan, doanh nghiệp bị tấn công mạng trong năm 2024; Số vụ tấn công mạng ước tính lên tới hơn 659.000 vụ; Việt Nam thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực chuyên trách về an ninh mạng; Tấn công có chủ đích, tấn công gián điệp và tấn công mã hoá dữ liệu là những hình thức tấn công phổ biến nhất; Tỷ lệ sử dụng sản phẩm, dịch vụ “Make in Vietnam” còn rất khiêm tốn, chỉ 24,77%; Tình trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân đáng báo động nhưng công tác đảm bảo an ninh còn nhiều lúng túng.

Sáng mai (24/12), TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2) về các tội: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Che giấu tội phạm”.

Ngày 23/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết, liên quan vụ án "Đưa hối lộ" và "Nhận hối lộ" xảy ra tại tại Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các KCN tỉnh Quảng Ngãi đã khởi tố thêm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” đối với một số đối tượng.

Ngày 23/12, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết đã nắm thông tin phản ánh của người thân một nữ bệnh nhân trẻ trên mạng xã hội Facebook về hành vi thiếu chuẩn mực của bác sĩ nam khi siêu âm tuyến giáp, tim và bụng. Sự việc xảy ra tại Phòng khám Đa khoa thuộc Công ty cổ phần Đầu tư Tư vấn dịch vụ y tế Y Đạo (địa chỉ 46-48 Ngô Quyền, phường 5, quận 10).

Có thể khẳng định rằng, với Đề án 06 và ứng dụng VNeID do Bộ Công an chủ công xây dựng đã được phát triển mạnh mẽ, trở nên quen thuộc, thiết yếu trong công cuộc chuyển đổi số của người dân Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Năm 2024, thành phố đã triển khai ứng dụng hiệu quả VNeID trong chuyển đổi số, góp phần phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 (Vietnam Defence Expo 2024) là một sự kiện quy mô lớn, thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ giới chuyên gia và truyền thông quốc tế. Đây không chỉ là cơ hội để Việt Nam khẳng định vị thế trong hợp tác quốc phòng toàn cầu mà còn là dịp để giới thiệu các thành tựu quốc phòng cũng như thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Một cây cầu nối hai tiểu bang ở phía Bắc và Đông Bắc Brazil đã bị sập ngày 22/12 (giờ địa phương) khi các phương tiện đang băng qua, khiến ít nhất một người tử vong và làm đổ axit sunfuric vào sông Tocantins.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文