Tăng cường kích cầu tiêu dùng nội địa
Tuy nhiên, mặc dù có lợi thế là “sân nhà” và phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã ăn sâu, bám rễ vào mỗi người dân Việt Nam, nhưng với Hiệp định EVFTA, hàng hóa miễn, giảm thuế từ các nước Châu Âu (EU) tràn vào thị trường nội địa sẽ là áp lực lớn của các DN trong nước trong việc cạnh tranh để giành thị phần, kích cầu tiêu dùng nội địa...
Có thể thấy, một trong những ngành hàng bị ảnh hưởng nặng nề nhất dịch COVID-19 đó là ngành may mặc. Chị Nguyễn Thị Kim Thoa, chủ DN sản xuất hàng may mặc ở quận 12, TP HCM cho biết, DN chị vừa sản xuất hàng cung cấp cho thị trường nội địa, vừa XK cho thị trường Mỹ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch bệnh cho nên đối tác Mỹ đã ngưng đặt hàng. Để tạo công ăn việc làm cho người lao động, DN vẫn tiếp tục khai thác thị trường nội địa.
“Kênh bán hàng hiệu quả nhất của chúng tôi trong mùa dịch này là bán hàng livetream qua Facebook. Mỗi ngày bán gần 1.000 sản phẩm, số lượng hàng tương đối nhiều nhưng giá bán thì giảm đến hơn 50% nên cũng chỉ giải quyết được việc làm cho công nhân chứ không có lãi”, chị Thoa chia sẻ.
Các hệ thống bán lẻ áp dụng nhiều chương trình giảm giá. |
Lý giải về việc giảm giá mạnh sản phẩm, chị Thoa cho biết, rất nhiều DN may mặc XK bị giảm đơn hàng, để tồn tại họ phải quay trở lại thị trường nội địa. Nhưng nhu cầu trong nước cũng yếu do người dân đang thắt chặt chi tiêu, người dân chuyển hướng chi tiêu vào các sản phẩm thiết yếu thay vì quá chú trọng vào mua sắm như trước đây.
Theo số liệu của Hiệp hội Dệt may - Thêu đan TP HCM, đơn đặt hàng của các DN may mặc liên tục giảm tới 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 7 tháng đầu năm, sản lượng dệt may tăng 1,8%, sản xuất hàng may mặc giảm 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may 7 tháng đầu năm ước đạt 16,18 tỷ USD, giảm 12,1%; xơ và sợi các loại giảm 20,9% so với cùng kỳ năm trước.
Để kích cầu tiêu dùng nội địa, hiện trên thị trường nhiều nhà bán lẻ, DN đã áp dụng nhiều chương trình giảm giá, khuyến mãi để vừa chia sẻ bớt áp lực chi tiêu của người tiêu dùng. Điển hình như tại các điểm bán thuộc Saigon Co.op, giảm giá trực tiếp nhiều sản phẩm nhu yếu như sữa, rau củ, quả, thịt, cá, gạo, nước mắm... trong 3 tuần liên tiếp tính từ ngày 20-8.
Tại Lotte Mart, khách hàng thành viên mua sắm vào 3 ngày cuối tuần với hóa đơn từ 400.000 đồng được mua hàng với giá ưu đãi đặc biệt, tùy theo ngành hàng... Ngoài bán hàng trực tiếp, các đơn vị bán lẻ cũng đã đẩy mạnh kênh mua sắm online, giao hàng tận nhà với thời gian nhanh nhất, để giữ chân khách hàng.
Các hệ thống bán lẻ trong nước áp dụng nhiều chương trình giảm giá. |
Trong khi các DN trong nước vẫn đang tìm mọi cách để chinh phục NTD Việt, thì lại tiếp tục đối mặt với một áp lực mới, đó là hàng hóa được miễn, giảm thuế từ các nước EU tràn vào thị trường nội địa theo cam kết của Hiệp định EVFTA.
Theo TS Lê Đăng Doanh, để giữ thị phần trong nước, hơn bao giờ hết cần đẩy mạnh việc vận động thực hiện phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Hàng Việt Nam phải chinh phục được người Việt Nam, phù hợp với thói quen tiêu dùng của người Việt ở mỗi vùng miền. Hàng hoá và dịch vụ trong nước phải đổi mới năng động, vận dụng tiến bộ khoa học – công nghệ, đạt trình độ khu vực và thế giới để có thể cạnh tranh bình đẳng với các sản phẩm nước ngoài đang ồ ạt tràn vào thị trường trong nước.