Tăng thuế thuốc lá để giảm tiêu dùng

08:29 26/09/2018
Người nghiện hút thuốc lá phải bỏ hoặc hạn chế hút thuốc lá vì giá cao khi tăng thuế, ngân sách nhà nước tăng thêm nguồn thu đáng kể, không làm gia tăng thuốc lá lậu - đó là những vấn đề được đưa ra tại hội nghị cung cấp thông tin và tập huấn kỹ năng viết bài truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Tổ chức HealthBridge Canada tổ chức ngày 25-9 tại Hà Nội.


Giảm người hút

Việt Nam là quốc gia có lượng tiêu dùng thuốc lá cao, đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN và thứ 9 trên thế giới về số người hút thuốc lá. Trung bình cứ hai nam giới trưởng thành thì có một người hút thuốc, tỷ lệ hút thuốc ở thanh thiếu niên (15-24 tuổi) là 24,3%. Việt Nam đã và đang chịu gánh nặng bệnh tật và kinh tế khổng lồ do sử dụng thuốc lá. Năm 2015, tổng số tiền người dân Việt Nam bỏ ra mua thuốc lá lên tới 31 nghìn tỉ đồng (GATS 2015).

Tăng thuế thuốc lá sẽ giảm lượng tiêu thụ.

Bên cạnh đó, 24.000 tỷ đồng mỗi năm (tương đương gần 1% GDP của năm ước tính 2011) là tổng chi phí cho điều trị bệnh, tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và bệnh tật, tổn thất do tử vong sớm do hút thuốc lá gây ra ở Việt Nam. Tổ chức Y tế thế giới ước tính mỗi năm có trên 40.000 ca tử vong vì các bệnh do thuốc lá gây ra tại Việt Nam, con số này sẽ tăng lên thành 70.000 ca/năm vào năm 2030 nếu Việt Nam không thực hiện ngay các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả.

Để giảm tỉ lệ hút thuốc trong cộng đồng, giảm gánh nặng cho sức khỏe, kinh tế và góp phần tăng thu ngân sách, các chuyên gia tại hội thảo đều khẳng định tăng thuế là giải pháp hiệu quả trong tổng số các giải pháp, nhằm giảm sức mua thuốc lá, qua đó giảm người hút, ngăn ngừa bệnh tật.

Theo Tổ chức Y tế thế giới và Ngân hàng Thế giới, tăng thuế ở mức làm giá thực của thuốc lá tăng lên 10% sẽ giảm tiêu dùng thuốc lá ở mức 5% ở các nước đang phát triển, và giảm tiêu thụ thuốc lá tới 10% ở trẻ em và người nghèo.

Tăng nguồn thu ngân sách 3.900 tỷ mỗi năm

Tại hội thảo, ông Nguyễn Tuấn Lâm - chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, cho biết, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với thuốc lá ở Việt Nam hiện áp dụng ở mức 70% giá xuất xưởng. Tuy nhiên, khi tính theo chuẩn quốc tế là “tỷ lệ thuế trong giá bán lẻ”, thì tỷ lệ thuế của Việt Nam (bao gồm cả thuế VAT) chỉ chiếm 35,6% giá bán lẻ thuốc lá. Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với trung bình thế giới (56%), thấp hơn đa số các nước ASEAN.

Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân được đăng tải lấy ý kiến lần đầu ngày 18-9-2017 đề xuất, từ 1-1-2020 áp dụng thuế TTĐB hỗn hợp, bên cạnh biểu thuế theo tỷ lệ hiện hành, bổ sung thuế tuyệt đối ở mức 1.000 đồng/bao thuốc lá 20 điếu; 15.000 đồng/điếu xì gà. Theo Tổ chức Y tế thế giới, phương án bổ sung thuế tuyệt đối 1.000 đồng theo đề xuất trên có tác động giúp giảm 1,5% tỷ lệ hút thuốc lá và tăng thu cho ngân sách khoảng 3.949 tỷ đồng.

Tuy nhiên, như vậy mới chỉ giúp đạt 1/4 mục tiêu quốc gia về giảm tỷ lệ hút thuốc vào năm 2020. Mô hình ước tính cho thấy để đạt mục tiêu quốc gia về giảm tỷ lệ hút thuốc, cần áp dụng mức bổ sung thuế tuyệt đối ở mức 5.000 đồng/bao thuốc. Khi đó tỷ lệ hút thuốc ở nam giới có thể giảm 6,3%, đạt mục tiêu Chiến lược Quốc gia về phòng chống tác hại thuốc lá đến năm 2020, tăng doanh thu thuế thuốc lá thêm 10.700 tỷ đồng/năm và giúp tránh được 900.000 ca tử vong sớm do hút thuốc.

Một nghiên cứu do Trường Đại học Thương mại (Hà Nội) phối hợp với Tổ chức HealthBridge Canada thực hiện khảo sát ý kiến của gần 600 thanh thiếu niên độ tuổi 13-24 cho thấy, đa số thanh thiếu niên nhận định giá thuốc lá hiện đang ở mức rẻ và trung bình (76,2%) và ủng hộ việc tăng thuế để tăng giá thuốc lá (83,5%).

Đánh giá tác động của tăng thuế thuốc lá đối với sản lượng và việc làm ở Việt Nam, TS.Nguyễn Thị Thu Hiền - Đại học Thương mại, chia sẻ, kết quả nghiên cứu cho thấy lao động trong ngành thuốc lá ở Việt Nam chiếm một phần rất nhỏ trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế (226.276 việc làm năm 2016, chiếm 0,42%), trong đó bao gồm 7.845 lao động làm trực tiếp trong ngành sản xuất thuốc lá, 51.511 lao động trong lĩnh vực trồng cây thuốc lá và 166.920 lao động trong lĩnh vực phân phối thuốc lá. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy tăng thuế thuốc lá cao hơn còn có tác động tích cực đến việc làm trong toàn bộ nền kinh tế.

Tổng số việc làm trong nền kinh tế sẽ tăng lên từ 13.999 đến 33.831 lao động khi mô phỏng tăng thuế thuốc lá theo các phương án bổ sung thuế tuyệt đối 1.000 VND, và 5.000 VND bên cạnh mức thuế suất theo tỷ lệ hiện hành.

Giảm nhu cầu tiêu dùng thuốc lá không có nghĩa là giảm tổng mức công ăn việc làm của nền kinh tế. Khoản chi tiêu mà những người hút thuốc dùng mua thuốc lá sẽ được chuyển sang mua hàng hóa và dịch vụ khác, thúc đẩy tạo ra công ăn việc làm khác thay thế cho việc làm mất đi trong công nghiệp thuốc lá.

Tăng thuế sẽ không làm gia tăng thuốc lá lậu

Theo TS. Nguyễn Ngọc Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chính sách (DEPOCEN, kết quả nghiên cứu về buôn lậu thuốc lá thực hiện trên 3 tỉnh thuộc 3 miền Bắc, Trung, Nam ở Việt Nam cho biết câu chuyện mà các nhà sản xuất thuốc lá đưa ra là thuốc lá lậu trốn thuế và do đó có giá rẻ hơn, tăng thuế thuốc lá trong nước sẽ làm gia tăng buôn lậu là không đúng.

Kết quả nghiên cứu cho thấy có sự giảm sút đáng kể về tỷ lệ thuốc lá bất hợp pháp ở Việt Nam trong giai đoạn 2012 (20,7%) và 2017 (13,6%) ngay cả khi giai đoạn này Việt Nam có thực hiện tăng thuế thuốc lá (vào năm 2016). Thuốc lá lậu có giá cao hơn đáng kể so với thuốc lá hợp pháp. Điều này phản ánh rất rõ việc sử dụng thuốc lá lậu ở Việt Nam là do gu tiêu dùng, thị hiếu thay vì vấn đề giá.

Kết quả này cũng trùng với kết quả nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới tại 76 nước. Theo đó, các quốc gia có mức giá thuốc lá thấp, thì tình trạng buôn lậu lại xảy ra nhiều hơn so với những nước có mức giá và thuế cao hơn. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia đã kiểm soát buôn lậu thuốc lá thành công đồng thời với việc tăng cao thuế và giá bán thuốc lá.

Mai Hương

Tối 30/12, tại huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang), Huyện uỷ, UBND, Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện Gò Công Đông tổ chức chương trình văn nghệ và tặng quà "Tết vì người nghèo" - Xuân Ất Tỵ 2025. Chương trình văn nghệ và các phần quà do Công ty TNHH Tập đoàn Quốc tế Phượng Hoàng (tỉnh Bắc Ninh) tài trợ.

Ngày 30/12, tại Hà Nội, Ban Dân vận Trung ương phối hợp Bộ Công an và Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết chương trình phối hợp công tác dân vận giữa Ban Dân vận Trung ương với lực lượng vũ trang năm 2024. 

Liên quan đến nội dung của Nghị định số 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe (GPLX) sẽ có hiệu lực từ 1/1/2025, trao đổi với PV Báo CAND ngày 30/12, Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục CSGT đã giải thích các quy định liên quan đến điểm và trừ điểm GPLX.

Chiều 30/12, tại Hà Nội, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng uỷ Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an đã dự, chỉ đạo Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2025 của Thanh tra Bộ Công an.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文