Tận dụng ưu đãi từ Hiệp định RCEP:

Thúc đẩy xuất khẩu, thiết lập chuỗi cung ứng ngành dệt may

08:28 13/12/2020
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) chính thức được ký kết vừa qua với sự tham gia của 15 thành viên, tạo ra thị trường trên quy mô 2,2 tỷ người, tương đương 26.200 tỷ USD, tạo nên khu vực thuơng mại tự do lớn nhất thế giới. Hiệp định này được kỳ vọng mở rộng thị trường xuất khẩu (XK) cho các ngành hàng trong nước, nhất là dệt may.

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) chính thức được ký kết vừa qua với sự tham gia của 15 thành viên, tạo ra thị trường trên quy mô 2,2 tỷ người, tương đương 26.200 tỷ USD, tạo nên khu vực thuơng mại tự do lớn nhất thế giới. Hiệp định này được kỳ vọng mở rộng thị trường xuất khẩu (XK) cho các ngành hàng trong nước, nhất là dệt may.

Hiệp định RCEP sẽ mở ra nhiều cơ hội cho ngành dệt may. Ảnh: TTXVN.

Góp phần “gỡ nút thắt” xuất xứ hàng hóa

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, RCEP mang đến các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, hơn nữa, RCEP còn tạo ra khuôn khổ để đơn giản hóa thủ tục hải quan và thiết lập quy tắc xuất xứ tạo thuận lợi cho thương mại.

Theo đó, doanh nghiệp (DN) Việt Nam sẽ được tạo cơ hội mở rộng thị trường, đẩy mạnh XK, tham gia vào các chuỗi giá trị mới trong khu vực và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, với lợi thế về việc hài hòa quy tắc xuất xứ trong Hiệp định RCEP, Việt Nam sẽ có cơ hội sử dụng nguyên liệu đầu vào tối ưu hơn để sản xuất hàng hóa XK sang thị trường các nước thành viên RCEP.

Nhìn nhận những ưu đãi đối với từng ngành hàng, ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA đã chính thức có hiệu lực, Hiệp định RCEP vừa được ký kết, dệt may và da giày được đánh giá là ngành có nhiều cơ hội phát triển nếu tận dụng tốt được cơ hội do những hiệp định này mang lại. Tuy nhiên chuỗi cung ứng dệt may, da giày còn chưa phát triển.

Năm 2019, Việt Nam phải nhập khẩu trên 13,5 tỷ USD vải các loại; 59,7 tỷ USD nguyên phụ liệu dệt may, da giày. Có thể nói, công nghiệp hỗ trợ (CNHT) cho ngành dệt may, da giày còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu cho sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh dệt may, da giày. Thực trạng này sẽ không chỉ gây ảnh hưởng đến việc phát triển sản xuất và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, mà sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng đến công nghiệp nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung trong dài hạn trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

“Vì vậy, trong dài hạn, phát triển CNHT, từng bước tự chủ nguồn nguyên vật liệu trong nước, đáp ứng quy tắc xuất xứ trong các hiệp định thương mại tự do là một trong những vấn đề cốt lõi để phát triển bền vững công nghiệp Việt Nam nói chung, phát triển bền vững công nghiệp dệt may, da giày nói riêng”, ông Ngô Khải Hoàn nhấn mạnh.

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), RCEP sẽ mang tới nhiều cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam, nhất là quy tắc xuất xứ tương đối dễ dàng hơn so với nhiều FTA khác. Cụ thể, để vào thị trường Nhật Bản, nếu như trước đây, các DN dệt may phải chứng minh được nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ từ ASEAN hoặc Nhật Bản, nhưng phần lớn nguyên phụ liệu của ngành dệt may Việt Nam lại nhập khẩu từ Trung Quốc nên gây khó khăn. Nhưng với RCEP, hàng may mặc Việt Nam có nguyên phụ liệu từ Trung Quốc cũng được hưởng ưu đãi về thuế quan khi XK sang thị trường Nhật Bản.

Hơn nữa, trong khối Hiệp định RCEP có một số nước là thành viên của Hiệp định CPTPP sẽ hóa giải những khó khăn, thách thức đến từ nguyên liệu “đầu vào”, vì sẽ giúp bổ trợ phần nguyên liệu bị thiếu hụt trong nước hiện nay. Đặc biệt, Hiệp định RCEP sẽ giải quyết được một số vấn đề lớn cho DN ngành dệt may khi Trung Quốc bắt đầu nhập khẩu sản phẩm dệt may của Việt Nam, cơ hội rộng mở với thị trường tỷ dân này. Đồng thời, Hiệp định RCEP cũng sẽ tạo ra động lực phát triển công nghệ dệt may, giúp chuyển dịch cơ cấu dệt may của các nước trong khu vực vào thị trường Việt Nam và bổ sung được phần cung thiếu hụt của Việt Nam.

Theo Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 ông Thân Đức Việt, Hiệp định thương mại tự do được ký kết như EVFTA, RCEP với các ưu đãi về thuế quan sẽ giúp DN có được lợi thế để XK sang các thị trường, đây là cú hích tốt cho ngành phát triển. Năm 2020, ngành dệt may gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19, tuy nhiên, May 10 vẫn đạt tăng trưởng khoảng 3%, không phải sa thải người lao động mà còn tuyển thêm từ tháng 5 trở lại đây.

Doanh nghiệp dệt may cần nghiên cứu kỹ cam kết, lộ trình cắt giảm và xóa bỏ thuế quan đối với hàng dệt may.

Cần đáp ứng quy tắc xuất xứ, nâng cao chất lượng

Mở rộng thị trường nhưng với nguồn nguyên liệu phụ thuộc khá lớn vào nguồn cung từ Trung Quốc, nhiều DN cũng khá lo ngại khi đó nguyên liệu giá rẻ từ Trung Quốc sẽ tràn vào trong nước, cạnh tranh với DN trong nước và thị trường nội địa. Đại diện một DN ngành dệt may lo ngại, hàng nguyên liệu nhập từ Trung Quốc cũng sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan, tạo thành cạnh tranh lớn cho các DN sản xuất nguyên phụ liệu trong nước.

Điều này khiến nhiều DN sản xuất nguyên, phụ liệu trong nước gặp khó khăn. Nhưng với các DN XK, sử dụng nhiều nguyên liệu từ Trung Quốc sẽ có lợi thế, bởi nguyên phụ liệu từ Trung Quốc vẫn sẽ được chấp nhận. Do vậy, buộc các DN sản xuất nguyên phụ liệu phải đầu tư chiến lược dài hạn hơn, bài bản hơn để có giá thành hấp dẫn, chất lượng tốt, cũng như phải thiết lập chuỗi cung ứng lâu dài với các DN trong nước.

Theo các chuyên gia kinh tế, với mỗi hiệp định thương mại tự do sẽ luôn đi kèm cả khó khăn, thách thức và cơ hội cho DN. Khi Hiệp định RCEP đi vào thực thi, bên cạnh những cơ hội tận dụng những ưu đãi thì các DN phải tự chủ động vượt qua nhiều thách thức thì mới tận dụng được hiệu quả các cơ hội. Đối với vấn đề về xuất xứ hàng hóa, thách thức của DN Việt Nam là việc tận dụng chứng nhận xuất xứ (C/O) trong hoạt động XK hàng hóa của các DN Việt Nam chưa đem lại hiệu quả. Hơn nữa, các DN còn phải đối mặt với nguy cơ lợi dụng quy tắc xuất xứ từ Việt Nam, dẫn đến các DN chuyển hướng thị trường, gây cạnh tranh không lành mạnh cho các DN Việt Nam.

Để tận dụng hiệu quả FTA này, ông Vũ Đức Giang cho hay, DN dệt may cần nghiên cứu kỹ cam kết, lộ trình cắt giảm và xóa bỏ thuế quan đối với hàng dệt may. Sau đó, chủ động có kế hoạch đáp ứng quy tắc xuất xứ và nâng cao chất lượng hàng hóa, đáp ứng được yêu cầu của các thị trường nhập khẩu. Ngoài ra, về dài hạn, để hỗ trợ hiệu quả và gỡ bỏ vướng mắc, rào cản cho DN ngành dệt may trong thời gian tới, Vitas kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt chiến lược phát triển ngành đến năm 2030 tầm nhìn 2035; chỉ đạo hình thành các khu công nghiệp dệt may lớn có xử lý nước thải tập trung để thu hút các dự án đầu tư vào khâu dệt nhuộm nhằm đáp ứng yêu cầu xuất xứ của các hiệp định thương mại thế hệ mới...

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho rằng, với quy tắc xuất xứ nội khối của RCEP, hàng hóa XK của Việt Nam sẽ có thể đáp ứng điều kiện xuất xứ một cách dễ dàng, nhưng các DN phải chủ động tìm hiểu để biết cách tận dụng cơ hội cũng như điều chỉnh sản xuất kinh doanh, tìm kiếm thị trường. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý phải đẩy mạnh tuyên truyền giúp DN hiểu về RCEP và cách thức để tận dụng các lợi ích từ RCEP, công tác xây dựng văn bản pháp luật để thực thi RCEP và tổ chức cấp hoặc tiếp nhận chứng nhận xuất xứ cho các lô hàng theo RCEP cần chú trọng đẩy nhanh.

Lưu Hiệp

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文