Tín hiệu bứt phá ngoạn mục của thương mại điện tử sau dịch COVID-19
- Kẽ hở mất tiền tỷ trong giao dịch thương mại điện tử
- Đóng cửa trên 30.000 gian hàng trên sàn thương mại điện tử
Tuy nhiên, trong bức tranh màu xám đó, COVID-19 dường như là một chất xúc tác làm thay đổi mạnh mẽ hành vi người tiêu dùng (NTD), tạo “cú huých” để bứt phá trong lĩnh vực TMĐT...
Theo báo cáo Chỉ số TMĐT của VECOM, năm 2019 tốc độ tăng trưởng TMĐT nước ta đạt trên 32%. Tốc độ tăng trưởng trung bình của giai đoạn 4 năm (2016 – 2019) khoảng 30%. Quy mô TMĐT bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng năm 2019 đạt khoảng 11,5 tỷ USD. VECOM dự đoán tốc độ tăng trưởng của năm 2020 sẽ tiếp tục duy trì ở mức trên 30% và quy mô TMĐT Việt Nam sẽ vượt con số 15 tỷ USD.
Báo cáo TMĐT các nước Đông Nam Á năm 2019 của Google, Temasek và Bain&Company, dự đoán tốc độ tăng trưởng trung bình cho cả giai đoạn 2015 - 2025 của TMĐT Việt Nam là 29%. Khi đó, quy mô TMĐT của Việt Nam sẽ vươn tới ngưỡng 43 tỷ USD và đứng ở vị trí thứ 3 trong khối ASEAN.
Rất nhiều doanh nghiệp tham dự Diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2020. |
Tuy nhiên, những dự báo lạc quan đối với TMĐT nước ta của VECOM cũng như của nhiều tổ chức uy tín khác ngay từ đầu năm 2020 đã chịu một thử thách lớn từ đại dịch COVID-19. Từ đầu tháng 2 đến cuối tháng 4/2020, hầu hết hoạt động kinh tế xã hội bị ngưng trệ, thương mại nội địa cũng như quốc tế bị gián đoạn, nhiều DN phải cắt giảm hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc thậm chí đóng cửa, giải thể.
Tuy nhiên, lĩnh vực TMĐT đã bứt phá, chứng kiến hai tín hiệu tích cực để có thể tiếp tục phát triển hướng tới các dự báo lạc quan của năm 2020 cũng như tới năm 2025.
Thứ nhất, COVID-19 dường như là một chất xúc tác làm thay đổi mạnh mẽ hành vi NTD. NTD Việt Nam vẫn giữ được sự lạc quan và nhanh chóng chuyển mạnh sang kênh mua sắm trực tuyến. Thứ hai, các DN kinh doanh trong lĩnh vực TMĐT hầu như giữ nguyên được đội ngũ nhân sự trong 3 tháng cao điểm của dịch. Các DN này cũng hiểu rõ cơ hội mới bắt nguồn từ cộng đồng mua sắm trực tuyến đông hơn và tin tưởng hơn vào kênh mua sắm trực tuyến.
Bà Vũ Ánh Tuyết – Chánh văn phòng Lazada Việt Nam dẫn chứng, đã có rất nhiều trường hợp bán hàng trên sàn TMĐT Lazada đạt kết quả rất ấn tượng, lượng người theo dõi và đơn hàng, doanh thu tăng hơn chục lần sau dịch COVID-19. “Dịch COVID-19 đã thay đổi hành vi mua sắm của NTD, những sản phẩm mà trước đây họ không bao giờ nghĩ sẽ mua qua sàn TMĐT nhưng khi xảy ra dịch COVID-19 họ mua rất nhiều. Điển hình, như thực phẩm tươi sống. Khi Sagrifood tham gia bán mặt hàng này trên sàn TMĐT Lazada giữa tháng 4-2020 và với “chiến dịch sales hè rực rỡ”, số đơn hàng của Sagrifood đã tăng gấp 40 lần so với ngày thường”, bà Vũ Ánh Tuyết cho biết them.
Bà Hà Thị Hòa – Tổng Giám đốc công ty chuyển Phát nhanh bưu điện EMS cho biết, qua dịch COVID -19, công ty cũng nhận thấy khách hàng có rất nhiều nhu cầu về dịch vụ gia tăng, dịch vụ chuyển phát, kho hàng... Trong khâu vận chuyển, đặc biệt vận chuyển bằng đường hàng không trong và sau dịch vẫn còn rất khó khăn, nên công ty cũng đã có giải pháp là không vận chuyển bằng chuyến bay hành khách mà đi bằng chuyến bay hàng hóa. Giải pháp này đảm bảo cho khách hàng phát ngay ngày hôm sau 50% sản lượng, và sẽ phấn đấu lên 70% vì khách hàng công ty hiện nay 70% là TMĐT. Bà Hòa cho biết, theo nguyên tắc thì khách hàng phải chịu trách nhiệm đối với người mua cuối cùng.
Tuy nhiên, để kiểm soát chất lượng, nguồn gốc xuất hàng hóa, công ty yêu cầu khách hàng của công ty phải có cam kết với người mua hàng. Cụ thể, có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, có hóa đơn mua hàng hóa đối với hàng trong nước, còn hàng quốc tế thì yêu cầu nghiêm ngặt hơn. Ngoài ra, tùy mặt hàng, tùy thị trường, công ty cũng tư vấn khách hàng cụ thể.
Như nhập khẩu trang vào Mỹ phải có chứng nhận FDA, hay ngành thực phẩm thì phải có giấy chứng nhận của Bộ Y tế... “Khi bán hàng online thì cố gắng càng nhanh càng tốt vì khách hàng thay đổi rất nhanh, hôm nay họ muốn mua hàng ngày mai đã thay đổi nên làm thay đổi. Về giá trị, tôi thấy có 80% khách hàng mua sản phẩm dưới 3 triệu, tập trung hàng hóa có giá trị vừa phải. DN khởi nghiêp bằng TMĐT cần chú ý vấn đề này”, bà Hòa chia sẻ.
Mặc dù cơ hội để TMĐT Việt Nam vững bước trên con đường phát triển nhanh và bền vững là rõ ràng, nhưng rất nhiều thách thức vẫn ở phía trước. Theo các chuyên gia, một trong những thách thức nổi bật là sự phát triển không cân đối giữa TMĐT ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh với các địa phương còn lại.
Đại diện VECOM cho biết, đã đề xuất chiến lược lan toả nhằm hỗ trợ các địa phương triển khai mạnh mẽ hơn TMĐT trong khi vẫn duy trì vị trí đầu tàu của hai thành phố trên.
Triển khai chiến lược này, tháng 6/2020 VECOM đã ký thoả thuận hợp tác phát triển TMĐT với Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh và sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với nhiều địa phương khác.