Từ chuyện của đường và phân bón, cần giải pháp vực dậy sản xuất nội địa
Còn tại thị trường trong nước, nhiều cơ sở sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng tung hoành, đã “giết” doanh nghiệp (DN) chân chính, làm suy yếu khả năng cạnh tranh so với hàng ngoại…
Điển hình, mặt hàng đường cát. Hiện nay, đường có xuất xứ Thái Lan đang chiếm lĩnh thị trường trong nước khá lớn. Tại các chợ truyền thống, cửa hàng, giá đường Thái Lan thường rẻ hơn đường của các DN sản xuất trong nước từ 1.000-3.000 đồng và được tiêu thụ khá mạnh. Đường Thái Lan có mặt tại thị trường Việt Nam chủ yếu qua hai nguồn: Đường nhập khẩu đã được trợ cấp từ Thái Lan và đường nhập lậu.
Đáng lo ngại nhất là đường nhập lậu, mặc dù các cơ quan chức năng đã liên tục kiểm tra, kiểm soát đường biên, các phương tiện vận chuyển, nơi chứa trữ, thế nhưng do sức tiêu thụ mạnh nên đường lậu vẫn cứ bất chấp “chảy” vào thị trường nội địa.
Đường cát nhập lậu bị lực lượng quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh thu giữ. |
Mới đây nhất, ngày 15/5, Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp với Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Hồ Chí Minh kiểm tra xe tải đậu trong một bãi tập kết trên đường Nguyễn Thị Sóc, huyện Hóc Môn và xe tải đậu tại bãi xe 39, trên quốc lộ 1A phát hiện hơn 60 tấn đường cát nhập lậu.
Cùng ngày, kiểm tra xe cotainer trên đường số 48, khu Tên Lửa, quận Bình Tân, lực lượng kiểm tra tiếp tục phát hiện, thu giữ gần 90 tấn đường cát trắng nhập lậu. Làm việc với cơ quan Công an, tài xế khai nhận, số hàng này họ vận chuyển từ tỉnh Bình Dương và Đồng Nai đưa về TP Hồ Chí Minh, chuẩn bị giao cho người nhận thì đã bị cơ quan chức năng phát hiện bắt giữ.
Ðại diện Cục QLTT TP Hồ Chí Minh cho biết, tình hình buôn lậu đường hiện nay ngày càng tinh vi, phức tạp. Các đối tượng thường chọn thời điểm vận chuyển vào ban đêm, ngụy trang bằng các xe tải chở phế liệu và “tập kết” hàng tại các kho gần cửa ngõ ra vào TP. Ngoài ra, các đối tượng còn dùng thủ đoạn là tham gia đấu giá đường từ những đợt thanh lý hàng buôn lậu, sau đó sử dụng hồ sơ đó quay vòng cả năm cho các lô đường nhập lậu khác. Không chỉ vậy, các đối tượng còn sử dụng bao bì, nhãn mác của DN Việt nhưng ruột lại tráo hàng lậu để qua mặt các lực lượng kiểm tra. Trong năm 2020, Cục QLTT TP Hồ Chí Minh kiểm tra, phát hiện 13 vụ vi phạm thu giữ hơn 15 tấn đường không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ... Cơ quan chức năng đã xử phạt hành chính tổng cộng hơn 385,7 triệu đồng.
Với đường nhập khẩu chính ngạch từ Thái Lan, mới đây Bộ Công Thương cũng đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với mặt hàng này để bảo vệ hàng sản xuất trong nước.
Ông Lê Triệu Dũng – Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) thông tin, việc điều tra chống bán phá, chống trợ cấp đối với đường mía Thái Lan đã được Bộ Công Thương khởi xướng từ tháng 9/2020 trên cơ sở hồ sơ đề nghị của DN sản xuất trong nước. Sau một thời gian điều tra, ngày 15/6, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp chính thức đối với đường mía có xuất xứ từ Thái Lan, với tổng mức thuế bán phá giá và trợ cấp là 47,64%. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do đường nhập khẩu được trợ cấp và bán phá giá từ Thái Lan tăng mạnh trong năm 2020, lên tới gần 1,3 triệu tấn, tăng 330,4% so với năm 2019.
Thực tế, việc áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với đường mía Thái Lan sơ bộ từ tháng 2/2021 đã có tác động tích cực đối với ngành mía đường trong nước. Ngay từ tháng 3/2021, lượng đường nhập khẩu Thái Lan đã giảm đến 75%, làm giảm khả năng cạnh tranh của đường Thái Lan với đường sản xuất trong nước. Điều này giúp giá đường sản xuất trong nước tăng, dẫn đến giá thu mua mía của người nông dân cũng tăng theo.
Cũng để bảo vệ ngành hàng sản xuất trong nước, với mặt hàng phân bón, Việt Nam đã áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng DAP và MAP nhập khẩu từ năm 2017. Tuy nhiên, việc tăng giá chỉ mới bắt đầu từ năm 2021. Lý giải nguyên nhân giá phân bón tăng, ông Lê Triệu Dũng cho rằng chủ yếu do các giá nguyên liệu sản xuất phân bón tăng và giá cước phí vận chuyển tăng. Với mặt hàng DAP và MAP, nguồn cung hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu. Đặc biệt, sản xuất trong nước đối trọng với nhập khẩu khiến mức tăng giá trong nước thấp hơn nhiều so với mức tăng giá của hàng nhập khẩu. Đây là giải pháp kìm hãm mức tăng giá của mặt hàng DAP, MAP nói riêng và phân bón nói chung.
Mặc dù, ngành phân bón đã áp dụng biện pháp tự vệ đối với hàng nhập khẩu để bảo vệ ngành sản xuất trong nước, nhưng thực tế cho thấy thị trường phân bón hiện nay cũng thật – giả lẫn lộn khiến người tiêu dùng (NTD) không biết đâu mà lần. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón giả, lậu, tung hoành thị trường khiến DN sản xuất phân bón lao đao, vừa đối phó với nạn hàng giả, hàng lậu, vừa phải nâng cao khả năng cạnh tranh với hàng nhập khẩu.
Theo Tổng cục QLTT, ngày 28/4, QLTT Gia Lai kiểm tra cơ sở kinh doanh phân bón Diệu Hường (TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) phát hiện cơ sở này bày bán 2 lô phân bón nhập khẩu từ Trung Quốc, nhãn ghi không đúng các nội dung bắt buộc, trên nhãn không ghi xuất xứ hàng hóa, số lượng gồm 388 bao (25 kg/bao). Đoàn kiểm tra xác định, 2 lô phân bón trên sai phạm quy định về nhãn hàng hóa, trị giá hàng hóa vi phạm theo giá niêm yết tại cửa hàng là 156,8 triệu đồng.
Đồng thời, Đoàn kiểm tra lấy mẫu 2 lô phân bón này để kiểm nghiệm chất lượng; Trước đó, Tổng cục QLTT phối hợp với Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an), khởi tố bị can Nguyễn Trọng Dần, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Châu Rhino và 2 bị can khác về hành vi "Sản xuất, buôn bán hàng giả" là phân bón. Tháng 10/2020, cơ quan chức năng kiểm tra xưởng sản xuất của Công ty Châu Rhino (TP Biên Hòa, Đồng Nai) phát hiện số lượng lớn thành phẩm phân và nhiều nguyên liệu, bột màu dùng để sản xuất phân bón. Theo kết quả kiểm nghiệm, số hàng trên không đạt chỉ tiêu chất lượng, là hàng giả, không có giá trị sử dụng. Quá trình điều tra xác định, 3 bị can trên cùng góp vốn vào công ty Châu Rhino, thuê đất làm xưởng sản xuất phân bón giả bán ra thị trường kiếm lời…
Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, hiện cả nước có hơn 1.000 cơ sở sản xuất phân bón, phần lớn phân bón giả là do các công ty nhỏ, không có thương hiệu sản xuất. Tuy nhiên, việc quản lý phân bón còn nhiều bất cập và kẽ hở và các đối tượng đã lợi dụng để sản xuất và đưa phân bón giả, phân bón kém chất lượng tới ruộng đồng của nông dân.
Trước thực trạng đó, Tổng cục QLTT (Bộ Công Thương) và Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cũng đã ký kết Quy chế phối hợp, cùng nhau trao đổi, cung cấp thông tin phục vụ cho việc đấu tranh chống nạn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, không bảo đảm chất lượng trên thị trường, nhằm để bảo vệ ngành sản xuất phân bón trong nước, bảo vệ quyền lợi của NTD.
Hiện, Bộ Công Thương đang phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT theo dõi sát tình hình nhập khẩu, tác động của các biện pháp phòng vệ thương mại, chống bán phá giá và chống trợ cấp, tình hình sản xuất, cung - cầu, giá cả… các mặt hàng đường, phân bón, để có biện pháp phù hợp, ổn định thị trường.