Từ việc Big C huỷ đơn hàng dệt may Việt:

Doanh nghiệp Việt phải tự chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh

09:03 07/07/2019
Trong tuần qua, sự việc Big C đột ngột thông báo dừng đơn hàng may mặc với 200 nhà cung cấp Việt Nam đã vấp phải sự phản ứng gay gắt từ phía doanh nghiệp và dư luận. 


Trên mạng xã hội còn diễn ra làn sóng kêu gọi tẩy chay, ngay sau đó, Bộ Công Thương đã có cuộc làm việc với Tập đoàn Central Group và Big C, và trong ngày 4-7, phía Big C cam kết nhập lại hàng của 50/200 nhà cung cấp.

Trước những diễn biến bất thường này, PV chuyên mục Trò chuyện chủ nhật Báo CAND đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị TP Hà Nội xung quanh vấn đề này.

PV: Trong những ngày qua dư luận đặc biệt quan tâm tới thông báo đột ngột của Big C trong việc dừng mua hàng dệt may của 200 nhà cung cấp Việt Nam. Ông nhìn nhận sự việc này như thế nào?

Ông Vũ Vinh Phú: Đây là một việc làm rất đột ngột và theo tôi là không “tử tế”. Big C hiện nay hưởng rất nhiều ưu đãi của Việt Nam về thuế, về địa điểm, bằng khen, giấy khen với tuyên bố sẽ mở rộng cửa đón hàng Việt đến 90%. Nhưng khác với lời nói là hành động hoàn toàn trái ngược và lý do được giải thích cho vấn đề trên là cơ cấu lại ngành hàng ở trong Big C.

Họ nói thế nhưng không làm thế. Bởi trên thực tế, cách đây hơn 4 năm Big C đã kết thúc hợp đồng với các nhà sản xuất, cung ứng nhãn hàng riêng cho siêu thị; và cách đây 3 năm, Thế giới di động buộc phải rời 22 cửa hàng khỏi hệ thống của Big C trên toàn quốc chỉ vì Thế giới di động bán những mặt hàng giống với Nguyễn Kim. Mà Central Group là cổ đông lớn nắm giữ tới 49% cổ phần của Nguyễn Kim. Ngoài ra, Big C tăng chiết khấu đối với những nhà cung ứng hàng Việt lên 25 - 30% giá trị. 

Trong vụ việc mới nhất, nếu có thay đổi mục đích kinh doanh thì Big C phải đàm phán trước, thông báo trước với các nhà cung ứng của Việt Nam. Việc thay đổi đột ngột ảnh hưởng đến thu nhập của doanh nghiệp, tác động trực tiếp đến đời sống của hàng trăm, hàng nghìn người lao động. 

Trong khi đó, các nhà cung cấp đã gắn bó với Big C 10-20 năm nay, tạo được bao nhiêu doanh số, lợi nhuận cho họ. Như vậy, vô hình trung họ đã đẩy hàng Việt từng bước ra khỏi hệ thống của mình. Điều đó cho thấy Big C đã không tử tế lâu rồi.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị TP Hà Nội.

PV: Theo ông, việc Big C ngừng nhập hàng dệt may của các DN Việt Nam có vi phạm luật không?

Ông Vũ Vinh Phú: Đây là một thông báo không thể chấp nhận được, vấn đề này cần phải được dự báo, thông báo trước, không loại trừ những ngành hàng khác cũng sẽ rơi vào tình trạng như may mặc của Việt Nam. Việc làm như vậy đã vi phạm Luật cạnh tranh, bởi trong luật nói rõ nhà bán lẻ không được từ chối nhà cung ứng khi không có lý do chính đáng. Tại vì sao đang làm ăn yên ổn lại mời họ ra lập tức trong một thời gian ngắn như vậy.

Ngay khi dư luận có phản ứng và Bộ Công Thuơng vào làm việc thì Big C đã cam kết mở lại đơn hàng với 50/200 nhà cung cấp. Qua động thái này chúng ta cần phải tiếp tục xem họ “diễn kịch” tiếp theo như thế nào trong thời gian tới đối với các nhà cung ứng Việt Nam đang gắn bó với Big C nhiều năm, không chỉ riêng nhóm hàng may mặc.

Qua nội dung cuộc họp ngày 4-7 của Bộ Công Thương với Big C cho ta thấy: Nếu không có sự phản ứng của các doanh nghiệp dệt may, và sức ép dư luận và ý kiến của Bộ Công Thương thì liệu Big C có động thái mở trở lại một cách nhanh chóng cho 50 nhà cung ứng đầu tiên hay không? Đồng thời, cho chúng ta thấy cơ quan quản lý nhà nước chưa nhắc nhở đến những việc thay đổi 180 độ, một cách đột ngột như sự việc vừa qua, ép chiết khấu đối với các nhà cung cấp từ trước tới nay để đẩy họ vào thế bí, phụ thuộc nếu không chấp nhận yêu cầu thì phải ra khỏi hệ thống của Big C.

Bộ Công Thương có nói việc phân xử hôm nay phải theo hợp đồng ký kết, nhưng thực tế, hợp đồng của người mạnh là Big C thảo ra thì nhà cung ứng bao giờ cũng là bên yếu, chịu nhiều thua thiệt. 

Vậy, chúng ta thương thảo trên một hợp đồng, giả sử mất công bằng thì có ý nghĩa gì không? Một số chuyên gia cho rằng, cần khuyến khích những mặt tích cực của đầu tư nước ngoài nhưng đồng thời cũng cần kịp thời phê phán, nhắc nhở và xử lý những doanh nghiệp vi phạm pháp luật Việt Nam. 

Những ngày bị đẩy ra ngoài, chắc chắn sẽ đem lại tổn thất ít nhiều cho các doanh nghiệp dệt may, nếu theo Luật Dân sự thì Big C có phải bồi thường cho nhà cung ứng hay không? Câu hỏi này chưa được trả lời trong cuộc họp báo của Bộ Công Thương.

Tôi cho rằng, mục tiêu của họ đẩy hàng Việt Nam ra để đưa hàng Thái Lan vào. Điều đó rất dễ xảy ra bởi trong xu thế ASEAN là mái nhà chung trong cộng đồng kinh tế thì việc nhập hàng Thái Lan cũng hết sức bình thường, và ngày càng nhiều hơn.

Theo tôi được biết thì trong các siêu thị ngoại hàng dệt may chiếm tỷ lệ khoảng 20%, cũng là tỷ trọng tương đối lớn. Với lý do Big C đưa ra là tạm ngừng, chứ người ta không nói cắt đứt hẳn. Phải chăng có khả năng khi họ tạm ngừng để xem xét lại những nhà cung ứng nào về may mặc đáp ứng được yêu cầu của họ trong đó có chiết khấu với xu hướng tăng lên nếu không chấp nhận thì sẽ loại khỏi siêu thị.

PV: Theo ông sau sự kiện huỷ đơn hàng may mặc thì liệu sắp tới còn có ngành hàng nào khác sẽ có nguy cơ bị huỷ bỏ như may mặc không?

Ông Vũ Vinh Phú: Tôi đặt tình hình xấu nhất là Big C sẽ tiếp tục cơ cấu lại các nhóm ngành hàng khác, tương tự như đối xử với các nhà cung ứng dệt may vừa qua. Để giải quyết vấn đề này thì thị trường cần thêm những doanh nghiệp có mối quan hệ tử tế trong đó có cả nhà phân phối nước ngoài và trong nước.

Cách đây 2 năm tôi đã có ý kiến đề xuất thành lập Hiệp hội cung ứng hàng hoá vào khâu bán lẻ để sẵn sàng đối phó với những siêu thị nước ngoài và trong nước nếu làm ăn không tử tế. Nếu giả sử 1000 nhà cung ứng trong hiệp hội rút hết hàng hoá ra khỏi siêu thị cùng lúc thì họ kinh doanh như thế nào? Trên thực tế, tại các siêu thị lớn 85% là hàng ký gửi, vốn của người sản xuất.

Trong quá trình hội nhập thì năng lực cạnh tranh là yếu tố quan trọng số 1, trước xu thế về thực trạng này, tôi cho rằng các doanh nghiệp phải chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hoá sản xuất trong nước và sự hỗ trợ của Nhà nước một cách hợp lý mà không vi phạm các cam kết của các FTAs.

Big C cam kết nhập lại hàng dệt may của 50/200 nhà cung cấp Việt Nam.

PV: Từ câu chuyện của Big C cho thấy nguy cơ hàng Việt sẽ bị “hất” khỏi siêu thị ngoại là điều dễ xảy ra. Vậy theo ông trong thời gian tới DN Việt phải làm gì?

Ông Vũ Vinh Phú: Từ câu chuyện của Big C, chúng ta cần phải có những cảnh báo cần thiết về việc chấp hành pháp luật kinh doanh thương mại ở Việt Nam, cũng như các trách nhiệm khác với nhà sản xuất và người tiêu dùng Việt. 

Nếu không, có thể một ngày nào đó sẽ có những hiện tượng xảy ra tương tự như Big C vừa qua đối với các nhà bán lẻ nước ngoài khác. Một ví dụ cụ thể gần đây nhất tại siêu thị Lotter của Hàn Quốc, có nhà cung ứng cho biết, khi doanh nghiệp gửi hàng vào phải nộp tiền là 20 triệu cho việc nhập hàng vào quầy lần đầu tiên, chưa kể chiết khấu, chi phí kế toán, đầu kệ, chiếm dụng vốn khi hàng bán được chưa thanh toán.... rất nhiều chi phí cõng lên giá thành của hàng Việt. 

Vậy người sản xuất có được lợi nhuận bằng chi phí nhập hàng vào siêu thị hay không, người tiêu dùng sẽ phải mua sản phẩm Việt giá cao do những nguyên nhân đã nêu trên. Theo đó, hàng Việt sẽ khó tiêu thụ, khó cạnh tranh với hàng Thái Lan và hàng nhập khẩu của các nước với giá hợp lý hơn khi thuế nhập khẩu bằng 0%.

Vô hình trung đây là những rào cản gián tiếp từng bước đẩy hàng Việt ra khỏi các hệ thống bán lẻ hiện đại, nhường chỗ một cách “gượng ép” cho hàng hoá nước ngoài. 

Thực tế hiện nay, ở Việt Nam hàng hoá Thái Lan và một số nước khác đang từng bước phủ đa phần trên các quầy kệ trong các siêu thị nước ngoài. Tình hình này nếu tiếp tục xảy ra ngày càng xấu hơn, thì chúng ta sẽ mất dần hệ thống phân phối nội địa, dẫn tới mất luôn cả sản xuất Việt, lúc đó hàng Việt sẽ bán ở đâu?

Trước bối cảnh trên, các doanh nghiệp sản xuất phải bỏ trứng vào nhiều giỏ, gửi Big C, gửi Aone, Hapro, Co.op Mart, Vinmart,… đồng thời nhà nước phải có chính sách hỗ trợ, phát triển nhanh các tập đoàn phân phối bán lẻ Việt đủ sức cạnh tranh trên thị trường, làm ăn tử tế, mở rộng cửa đón hàng Việt vào để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng, đồng thời đảm bảo lợi ích cho nhà sản xuất Việt một cách công bằng, minh bạch và ổn định lâu dài.

Xu hướng trong thời gian tới, nếu chúng ta không mạnh lên thì doanh nghiệp ngoại sẽ lấn át, mà khi bị lấn át chúng ta sẽ thua thiệt, chúng ta sẽ chỉ mãi đi làm thuê.

Chúng ta ghi nhận những nỗ lực của ngành dệt may và các ngành sản xuất khác của Việt Nam khi chất lượng ngày càng tốt hơn, đáp ứng được thị hiếu thay đổi rất nhanh của người tiêu dùng. Tuy nhiên, các hoạt động của DN Việt đang còn yếu ở khâu xây dựng thương hiệu, quảng bá chất lượng và hệ thống phân phối, và cả khâu liên kết giữa nhà sản xuất với nhà phân phối thành những chuỗi liên kết mạnh, hiệu quả. 

Nếu làm được những vấn đề trên doanh nghiệp sản xuất Việt, hệ thống phân phối Việt sẽ tạo thành những sức mạnh cộng sinh, chặt chẽ, chủ động cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa, giảm bớt những áp lực xấu của những nhà bán lẻ nước ngoài làm ăn không tử tế trên thị trường Việt Nam.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Lưu Hiệp (thực hiện)

Tối 23/12, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh cho biết, lúc 15h30 cùng ngày, đã tiếp nhận điều trị 5 ca bị bỏng và bị thương nặng được chuyển đến từ Trung tâm Y tế huyện Tân Biên. Có 4/5 nạn nhân đã được Bệnh viện đa khoa tỉnh Tây Ninh chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) tiếp tục điều trị.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Trần Hồng Minh vừa công điện gửi Cục Đường cao tốc Việt Nam, Cục Đường bộ Việt Nam, các ban quản lý dự án, nhà đầu tư về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện 8 dự án đầu tư kinh doanh công trình trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông.

46,15% cơ quan, doanh nghiệp bị tấn công mạng trong năm 2024; Số vụ tấn công mạng ước tính lên tới hơn 659.000 vụ; Việt Nam thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực chuyên trách về an ninh mạng; Tấn công có chủ đích, tấn công gián điệp và tấn công mã hoá dữ liệu là những hình thức tấn công phổ biến nhất; Tỷ lệ sử dụng sản phẩm, dịch vụ “Make in Vietnam” còn rất khiêm tốn, chỉ 24,77%; Tình trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân đáng báo động nhưng công tác đảm bảo an ninh còn nhiều lúng túng.

Ngày 23/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết, liên quan vụ án "Đưa hối lộ" và "Nhận hối lộ" xảy ra tại tại Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các KCN tỉnh Quảng Ngãi đã khởi tố thêm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” đối với một số đối tượng.

Sáng mai (24/12), TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2) về các tội: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Che giấu tội phạm”.

Ngày 23/12, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết đã nắm thông tin phản ánh của người thân một nữ bệnh nhân trẻ trên mạng xã hội Facebook về hành vi thiếu chuẩn mực của bác sĩ nam khi siêu âm tuyến giáp, tim và bụng. Sự việc xảy ra tại Phòng khám Đa khoa thuộc Công ty cổ phần Đầu tư Tư vấn dịch vụ y tế Y Đạo (địa chỉ 46-48 Ngô Quyền, phường 5, quận 10).

Công an huyện Lục Nam, Bắc Giang đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 5 triệu đồng đối với M.V.S về hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân”.

Quyết tâm duy trì mô hình "Ngã tư an toàn giao thông" hiệu quả, thay đổi bộ mặt giao thông Thủ đô, lực lượng CSGT xử lý nghiêm tất cả những tài xế xe máy và ô tô có thói quen đứng đè vạch dừng hoặc đè vạch sang đường của người đi bộ, khi bị xử lý lại đổ lỗi do đường đông và đi vội.

Dự án xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50 (QL50) đoạn qua địa bàn huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh với chiều dài hơn 6,9km, tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và TP Hồ Chí Minh với mục tiêu giảm ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên tuyến nối từ TP Hồ Chí Minh đi Long An, Tiền Giang dù đã được HĐND thành phố thông qua chủ trương đầu tư từ tháng 6/2021, nhưng đến nay nhiều gói thầu xây lắp chính mới đạt tỷ lệ rất thấp…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文