Vi phạm trong thương mại điện tử ngày càng phức tạp
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nạn hàng giả, nhái, xâm phạm quyền SHTT đang bùng phát mạnh mẽ trên Internet, đang trở thành nỗi lo chung của toàn xã hội.
Ngày 9-1, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Hồ Chí Minh kiểm tra kho hàng của Tô Huệ Ngọc, SN 1983, ngụ đường Nguyễn Tri Phương, phường 5, quận 10, tạm giữ hàng hóa gồm 59.805 đơn vị sản phẩm các loại nước hoa, mỹ phẩm... của nhiều nhãn hiệu nổi tiếng thế giới như Dior, Chanel, Versace, YSL, Armani, Valentino, Lancome, Dolce & Gabbana, Bvlgari, Gucci, CK… Số hàng này do Trung Quốc sản xuất, chủ hàng không có hóa đơn, chứng từ để chứng minh nguồn gốc lô hàng. Trị giá số hàng tạm giữ khoảng 3,6 tỷ đồng.
Qua tìm hiểu được biết, số hàng đối tượng mua từ các tỉnh phía Bắc, vận chuyển bằng xe tải vào TP Hồ Chí Minh “tập kết” tại kho để phân phối chủ yếu cho các đối tượng kinh doanh trên mạng. Chủ hàng bán ra khoảng 100.000 đồng/sản phẩm và các đối tượng mua về đăng bán trên mạng có giá từ 150.000- 300.000 đồng/sản phẩm tùy thuộc vào từng nhãn hiệu.
Số lượng lớn mỹ phẩm lậu bị phát hiện, bắt giữ đầu năm 2019. |
Nhận định về địa bàn đang quản lý, ông Nguyễn Văn Bách - Q.Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Hồ Chí Minh khẳng định, với xu thế hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp (DN) dần tiếp cận với thương mại điện tử (TMĐT) thông qua việc thành lập các website để khuyến mãi, quảng cáo, bán hàng qua mạng. Đây là kênh phân phối hiện đại và ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, có rất nhiều đối tượng đã lợi dụng TMĐT để rao bán, quảng cáo, khuyến mại nhiều loại hàng gian, hàng giả, xâm phạm SHTT...
Đặc biệt, các mặt hàng thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng... được rao bán công khai, tràn lan trên các website TMĐT, trên các mạng xã hội nhưng cơ quan chức năng rất khó phát hiện nơi kinh doanh hoặc kho chứa trữ hàng hóa của các đối tượng này để xử lý.
Bà Nguyễn Thị Minh Tuyền – Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cũng thừa nhận: TMĐT hiện nay chính là hình thức kinh doanh mang lại rất nhiều lợi ích cho các DN, tốc độ tăng trưởng bình quân 25%/năm, nhưng tổng mức bán lẻ TMĐT chiếm rất thấp, chỉ khoảng 3% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa. Lý giải nguyên nhân vì sao TMĐT đang phát triển rực rỡ nhưng tổng mức bán lẻ TMĐT còn rất thấp?
Bà Tuyền cho rằng, đó là vì hàng bán trên mạng còn nhiều sản phẩm chất lượng kém hơn nhiều so với quảng cáo. Hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, còn bán phổ biến. Chẳng những thế, các đối tượng còn làm giả các website TMĐT có uy tín để bán hàng, khiến NTD mất niềm tin khi mua hàng qua mạng.
Ngoài ra, Cục TMĐT và Kinh tế số cũng cho rằng, hiện nay có nhiều DN, cá nhân, quảng bá cung cấp sản phẩm, dịch vụ, trên các sàn TMĐT, nhưng đơn vị quản lý sàn TMĐT lại không có ở Việt Nam. Vì vậy, nếu xảy ra những vấn đề phát sinh trong quá trình giao dịch, thì sẽ gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh TMĐT ngày càng phát triển thì đây là thách thức lớn với cơ quan quản lý.
Liên quan đến các hành vi gian lận TMĐT, thời gian qua, thông qua Cổng thông tin Quản lý hoạt động TMĐT, Bộ Công Thương đã tiếp nhận nhiều thông tin phản ảnh của các tổ chức, cá nhân về các trường hợp vi phạm liên quan đến TMĐT. Không chỉ tràn lan hàng gian, hàng giả, vi phạm SHTT, mà việc tranh chấp trên TMĐT cũng có xu hướng gia tăng về cả quy mô và mức độ TMĐT.
Trước những vi phạm tràn lan trên TMĐT, bà Nguyễn Thị Minh Tuyền cho biết, để phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm trên TMĐT trong thời gian tới, Cục TMĐT và Kinh tế số cùng với các đơn vị của Bộ Công Thương có kế hoạch tăng cường công tác chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm SHTT trong TMĐT giai đoạn 2018 – 2020.
Để làm điều này cần có sự phối hợp đồng bộ của nhiều cơ quan chức năng, nhiều bộ, ban, ngành như: Tổng cục TMĐT và Kinh tế số, Tổng cục QLTT, Công an, Bộ đội Biên phòng..., những nơi nhập khẩu hàng hóa và các cơ sở sản xuất trong nước. Ngoài ra, hành lang pháp luật cần phải tiếp tục hoàn thiện những quy định về việc xử lý, chế tài xử lý hành chính đối với hoạt động trong TMĐT.