Phế liệu rầm rộ nhập về Việt Nam!

08:56 03/08/2018
Sáng 2-8, tại TP Hồ Chí Minh, Cục Hàng hải Việt Nam có buổi làm việc với các doanh nghiệp (DN) kinh doanh cảng biển và các chủ tàu để bàn cách giải quyết phế liệu nhập khẩu đang tồn đọng tại cảng biển.

Theo báo cáo của các Cảng vụ Hàng hải, hiện nay lượng phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam tăng mạnh. Nhiều lô hàng đã dỡ xuống cảng nhưng chưa làm thủ tục nhập khẩu dẫn đến tình trạng hàng hóa tồn đọng tại các cảng biển. Tính đến ngày 26-6, container phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại các cảng biển khu vực TP Hồ Chí Minh và cảng biển Hải Phòng là 5.724 container.

Trong đó, tại cảng biển ở TP Hồ Chí Minh, số lượng phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại cảng do Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn quản lý là 4.480 container, tương đương 9.000 teu (riêng cảng Cát Lái là 3.464 container). Ước tính khoảng 20% là phế liệu giấy, 80% còn lại là phế liệu nhựa và các loại phế liệu khác.

Tại cảng biển khu vực thành phố Hải Phòng số phế liệu đang tồn là 1.476 container, tương đương 2.500 teu. Đại diện các cảng biển cho rằng, việc tồn đọng các container phế liệu nhập khẩu làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN cảng biển, ảnh hưởng hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, là chậm lưu thông hàng hóa, giảm dung lượng bãi chứa container, ảnh hưởng đến hoạt động của hãng tàu, làm gia tăng chi phí cho DN.

Phế liệu nhập khẩu đang nằm tại cảng.

Dự báo, thời gian tới, phế liệu vẫn còn tiếp tục ồ ạt nhập khẩu vào Việt Nam vì theo thông tin từ các hãng tàu, khách hàng đã ký hợp đồng nhập một lượng lớn hàng phế liệu nhựa, giấy, và có khoảng 2.000 teu đang trên đường vận chuyển về Việt Nam.

Giải thích nguyên nhân trước tình trạng container phế liệu thi nhau đổ bộ vào các cảng biển Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam cho rằng, việc Trung Quốc cấm nhập khẩu phế liệu để tái chế, dẫn đến các nước trước đây vẫn xuất khẩu chất thải rắn, phế liệu sang Trung Quốc phải tìm đối tác khác, trong đó có Việt Nam.

Ngoài ra, 36 mặt hàng phế liệu nhập khẩu nhưng chỉ có 15 mặt hàng có quy chuẩn. Đây chính là kẽ hở lớn về pháp luật trong nhập khẩu phế liệu. Đại diện các cảng biển lo ngại, hàng phế liệu nhập khẩu ngày càng nhiều, nhưng khâu quản lý chưa chặt, có nguy cơ Việt Nam trở thành “rốn” phế liệu nhập khẩu của các nước.

Tính đến nay, lượng phế liệu tồn kho tại các cảng trong thời gian dài chiếm tỷ lệ cao. Như tại cảng Cát Lái, có đến 2.068 container và tại cảng biển Hải Phòng có 1.005 container lưu quá 90 ngày. Ngoài ra, có nhiều container lưu lại tại cảng từ 5 - 7 năm. Việc lưu tồn hàng phế liệu nêu trên trong thời gian dài dẫn đến phát sinh chi phí cao, hàng hóa hư hỏng, thiệt hại kinh tế cho DN cảng và hãng tàu. Cũng có không ít trường hợp hàng vắng chủ, khiến cơ quan hải quan phải phát thông báo để tìm chủ hàng.

Trong khi đó, các chủ hàng than phiền rằng do thủ tục nhận hàng quá nhiêu khê, tốn nhiều thời gian dẫn đến gia tăng chi phí, thậm chí có khi chi phí còn cao hơn cả hàng phế liệu nên các chủ hàng rất ngán ngại. Đại diện Cảng Container Quốc tế Việt Nam (VICT) tính toán: “Muốn giải quyết phế liệu tồn ở cảng, thường DN mất 322 ngày làm việc. Nếu tính cả ngày thứ 7 và chủ nhật sẽ mất 1-2 năm. Với thời gian như trên chắc chắn hàng hóa không hư cũng biến chất. Hậu quả, hàng buộc phải bán rẻ hoặc tiêu hủy”.

Ngoài thời gian làm thủ tục nhận hàng lâu, mức phí quá cao như hiện nay, cũng khiến DN không dám nhận hàng. Ông Trịnh Phương Nam – Giám đốc Trung tâm điều độ của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn khẳng định, sẽ không có chuyện miễn phí lưu bãi đối với container phế liệu nhập khẩu. Vì làm như vậy tạo tiền đề không tốt, bảng giá vẫn được giữ nguyên.

Không chỉ xử lý container phế liệu đang tồn tại các cảng biển, giải pháp hạn chế container phế liệu về cảng trong thời gian tới cũng được các DN, cơ quan chức năng quan tâm như: cần quản lý tốt khâu trước khi hàng lên tàu cập cảng. Bộ Tài nguyên Môi trường phải có danh sách đơn vị nhập khẩu, định danh từng lô hàng, chuyến tàu về,… hãng tàu tăng cường kiểm soát chặt chẽ giấy phép nhập khẩu của lô hàng phế liệu được cơ quan thẩm quyền cấp còn hiệu lực trước khi hàng lên tàu tại cảng xuất khẩu...

Ngoài ra, cũng để hạn chế mức thấp nhất phế liệu nhập khẩu về cảng biển Việt Nam, một số cảng kiến nghị, xem xét kỹ lưỡng năng lực DN trước khi cấp phép nhập khẩu phế liệu. Hiện, phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam nhiều nhất trong thời gian qua là Nhật, Mỹ, Hàn Quốc, mỗi tháng Việt Nam chi khoảng 200 triệu USD nhập khẩu phế liệu.

Chỉ riêng 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã chi số tiền gấp hơn 3,5 lần so với tổng số tiền chi để nhập nhựa phế liệu trong cả năm 2017. Xét về số lượng, 6 tháng đầu năm Việt Nam đã nhập khẩu lượng nhựa phế liệu gấp hơn 3 lần năm 2017 (khoảng 90.000 tấn).

Thúy Hà

Ngày 17/5, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án; khởi tố 32 bị can về các hành vi “Mua bán, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng; Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; Tổ chức đánh bạc và Đánh bạc; Mua bán trái phép chất ma túy; Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” xảy ra tại tỉnh Tiền Giang và Long An do đối tượng Nguyễn Công Huân cầm đầu.

Chiều 18/5, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP Hà Nội cho biết vừa phối hợp lực lượng chức năng phát hiện hơn 11.000 hộp thực phẩm chức năng của Công ty Cổ phần Thảo dược Mộc Can có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Vụ việc cho thấy những thủ đoạn ngày càng tinh vi trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm "thổi phồng" công dụng, gây hệ lụy nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng.

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố 22 bị can trong vụ án “Buôn lậu”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, xảy ra tại Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Quốc tế Tài Lộc (viết tắt là Công ty Tài Lộc), Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Hải phòng khu vực II (viết tắt là Chi cục Hải Quan II) và các đơn vị liên quan.

Như Báo CAND đã thông tin về tình trạng xung đột quyền lợi gay gắt giữa cư dân sinh sống tại các chung cư hạng sang và chủ sở hữu căn hộ chung cư tham gia ứng dụng Airbnb cho thuê căn hộ ngắn ngày để phục vụ người dân có nhu cầu. Trong khi Bộ Xây dựng khẳng định pháp luật không cấm hoạt động này, nhưng đỉnh điểm của tình trạng mâu thuẫn lợi ích tiếp tục diễn ra sau văn bản của Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh trả lời đơn vị quản lý, vận hành, khai thác chung cư Hà Đô trên đường 3/2 quận 10 vào ngày 1/4 vừa qua…

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố bị can Trần Ngọc Linh và bị can Nguyễn Thành Ngôn (hai cựu Giám đốc Công ty điện lực Bình Thuận) và 24 đồng phạm trong vụ án “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ” “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước” xảy ra tại Công ty Điện lực Bình Thuận và các đơn vị liên quan.

Tự quảng cáo mình là kế toán, có kinh nghiệm làm kế toán thuế cho nhiều doanh nghiệp, chuyên giúp các cá nhân, doanh nghiệp làm thủ tục hoàn thuế GTGT được hưởng lợi cao, tin vào lời “chém gió” của Nguyễn Thị Thu, nhiều bị hại đã chuyển tiền cho Thu để nhờ làm thủ tục hoàn thuế GTGT và bị chị ta chiếm đoạt.

Ngày 18/5, Công an TP Hà Nội cho biết, với tinh thần trách nhiệm cao, khắc phục những khó khăn về điều kiện thời tiết mưa gió, địa hình trơn trượt, dốc cao và sự phối hợp, hỗ trợ của người dân địa phương, lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH đã kịp thời giải cứu nhóm 5 người mắc kẹt tại núi Hàm Lợn, xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.