Vướng mắc về xuất khẩu khẩu trang đã được tháo gỡ

17:06 31/03/2020

Tổng cục Hải quan vừa có văn bản hỏa tốc gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo một số vấn đề liên quan đến thủ tục xuất khẩu khẩu trang. Trong báo cáo, Tổng cục Hải quan đề nghị Bộ Y tế làm rõ mặt hàng khẩu trang đạt tiêu chuẩn TCVN 8389:2010 nhưng không xuất trình số lưu hành thì có được xuất khẩu hay không?

Tổng cục Hải quan nhận được thông tin phản ánh qua báo chí từ Bộ Công thương cho biết, các văn bản của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và một số doanh nghiệp phản ánh những khó khăn trong việc xuất khẩu khẩu trang vải. Nguyên nhân là do các cán bộ hải quan tại cửa khẩu khó phân biệt giữa khẩu trang y tế với khẩu trang vải, đặc biệt là khẩu trang vải kháng khuẩn nên phải lấy mẫu gửi đi giám định nhiều nơi....

 Liên quan đến vấn đề này, Tổng cục Hải quan cho biết: Để làm rõ vấn đề, Tổng cục Hải quan đã báo cáo Văn phòng Chính phủ về việc triển khai thực hiện thủ tục xuất khẩu khẩu trang. 

Theo đó, thực hiện Nghị quyết 20/NQ-CP ngày 28/2/2020 của Chính phủ, Tổng cục Hải quan đã có Công văn số 1431/TCHQ-GSQL ngày 9/3/2020 chỉ đạo cục hải quan các tỉnh, thành phố: Thực hiện kiểm tra thực tế đối với các lô hàng hóa xuất khẩu khai báo là khẩu trang không dùng trong y tế (có mã HS 63079090); đối chiếu với tiêu chuẩn khẩu trang y tế TCVN 8389-2010 do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố để xác định thực tế hàng hóa. 

Qua kiểm tra thực tế, nếu công chức hải quan không đủ cơ sở xác định hàng hóa là khẩu trang không dùng trong y tế thì trưng cầu giám định tại Viện Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) hoặc các tổ chức giám định đáp ứng đủ điều kiện giám định khẩu trang y tế theo quy định để xác định chủng loại hàng hóa xuất khẩu.

Ngày 11/3/2020, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 868/QĐ-BYT, tại Điều 2 quy định khẩu trang y tế thuộc diện cấp giấy phép xuất khẩu của Bộ Y tế phải đáp ứng hai điều kiện: Có tiêu chuẩn tối thiểu đạt TCVN 8389-1:2010; TCVN 8389-2:2010; TCVN 8389-3:2010 và đã có số lưu hành.

Ngày 27/3/2020, Bộ Y tế có công văn số 1657/BYT-TB-CT đề nghị “Bộ Tài chính chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện thủ tục xuất khẩu khẩu trang y tế theo đúng quy định tại Nghị quyết 20/NQ-CP của Chính phủ”.

Ngày 26/3/2020, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) có công văn 309/XNK-CN nêu rõ “Đại diện Bộ Y tế cho biết chỉ có khẩu trang đáp ứng hai điều kiện nêu trên thì mới được coi là khẩu trang y tế. Hiện nay, Bộ Y tế đã đưa cơ sở dữ liệu đăng ký số lưu hành khẩu trang lên Hệ thống một cửa quốc gia, cơ quan Hải quan có thể truy cập Hệ thống này để kiểm tra”.

Về phía cơ quan Hải quan, qua phản ánh của doanh nghiệp trong quá trình xuất khẩu khẩu trang và ý kiến của các bộ, để đơn giản thủ tục xuất khẩu, ngày 27/3/2020, Tổng cục Hải quan đã có Công văn số 2012/TCHQ-GSQL giao giao Cục Quản lý rủi ro, các Cục Hải quan tỉnh, thành phố đánh giá rủi ro chỉ lựa chọn các lô hàng nghi vấn đề kiểm tra thực tế hàng hóa, đặc biệt các lô hàng do nhà xuất khẩu không phải là nhà sản xuất.

Trong quá trình kiểm tra thực tế hàng hóa, công chức hải quan quan sát trực tiếp hàng hóa nếu không đủ các dấu hiệu theo tiêu chuẩn khẩu trang y tế TCVN8389-2010 thì thực hiện thông quan.

Trường hợp quan sát thấy có dấu hiệu theo tiêu chuẩn nhưng khai báo là khẩu trang khác (không phải khẩu trang y tế) thì lấy mẫu giám định tại Viện Trang thiết bị và Công trình y tế hoặc các tổ chức giám định đáp ứng đủ điều kiện giám định khẩu trang y tế theo quy định.

Tổng cục Hải quan cho biết đã chỉ đạo cục hải quan địa phương rà soát quy trình thủ tục hải quan đảm bảo thuận lợi; cán bộ công chức nào sai phạm, gây phiền hà sách nhiễu thì tạm thời đình chỉ công tác để kiểm điểm trách nhiệm.

Đến nay, về cơ bản các vướng mắc liên quan đến việc kiểm tra hải quan đối với mặt hàng khẩu trang của doanh nghiệp đã được giải quyết, Tổng cục Hải quan không nhận được ý kiến phản ánh vướng mắc nào khác của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, để tránh phát sinh vướng mắc, trong văn bản Tổng cục Hải quan kiến nghị: Theo Điều 2 Quyết định số 868/QĐ-BYT ngày 11/3/2020 của Bộ Y tế và công văn số 309/XNK-CN ngày 26/3/2020 của Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương thì chỉ có khẩu trang đáp ứng hai điều kiện: Có tiêu chuẩn tối thiểu đạt TCVN 8389-1:2010; TCVN 8389-2:2010; TCVN 8389-3:2010 và đã có số lưu hành thì mới được coi là khẩu trang y tế. Tuy nhiên, tại Bộ TCVN 8389-1:2010 về khẩu trang y tế do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố không yêu cầu phải có lưu hành.

Để tránh vướng mắc trong quá trình làm thủ tục hải quan xuất khẩu cho các lô hàng khẩu trang, Tổng cục Hải quan đề nghị Bộ Y tế làm rõ: mặt hàng khẩu trang đạt tiêu chuẩn TCVN 8389:2010 nhưng không xuất trình số lưu hành thì có được xuất khẩu hay không?

Lưu Hiệp

Chiều 21/6, thông tin từ Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam cho hay, đơn vị đã nhận được báo cáo sơ bộ của Công ty Quản lý bay miền Nam về sự việc liên quan đến các chuyến bay HVN 1575, HVN 1557 và VJC 244 tại Phân khu 1 (Trung tâm kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh), có cảnh báo xung đột ngắn hạn (STCA) chiều cuối ngày 19/6.

Nam Sudan là đất nước không chỉ cách xa, mà còn khác xa Việt Nam. Bởi ở đây, giao tranh, xung đột vũ trang, dịch bệnh và đói nghèo vẫn hiện diện ngay trước mắt. Vì thế, đây không phải là nơi đón khách du lịch, du học sinh, càng không phải là nơi diễn ra những cuộc hội thảo, hội nghị… Ở nơi tận cùng của châu Phi này, rất ít người đặt chân tới. Có lẽ đông nhất là nhân viên Liên hợp quốc đến đây làm nhiệm vụ gìn giữ hoà bình, trong đó có các sĩ quan Công an Việt Nam. Bởi thế, khi là những thành viên thuộc đoàn công tác của Bộ Công an sang Nam Sudan, nhóm phóng viên chúng tôi đã có một hành trình không thể nào quên.

Liên quan đến vụ vận chuyển trái phép 530.150 USD qua biên giới, ngày 21/6, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang cho biết vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với: La Văn Thuận (SN 1982, trú tại xã Khánh An, huyện An Phú, tỉnh An Giang); Huỳnh Văn Sinh (SN 1972) và Trần Thị Thảo (vợ Sinh, SN 1976, trú xã Khánh An, huyện An Phú, tỉnh An Giang) cùng về tội "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới".

Nhân Kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024), đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã có một số chia sẻ về những hướng đi của báo chí thời gian tới.

Trong lịch sử gần 100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam, tờ báo “Phá ngục”, của Liên đoàn tù nhân khám Chí Hòa thực hiện được xem là độc đáo nhất. Bởi, đây là tờ báo rất đặc biệt do các tù nhân xuất bản trong lúc thọ án.Và nó tồn tại gần cả chục năm trong nhà tù thực dân, đế quốc…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文