Xuất khẩu của Việt Nam vào Anh và EU sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực

08:08 01/07/2016
Xuất nhập khẩu của Việt Nam với Anh nói riêng và châu Âu nói chung chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng theo hướng tiêu cực là dự báo của nhiều chuyên gia trước sự cố Anh rời EU.

Trong lúc cả châu Âu cũng đang ngơ ngác tìm cách giảm thiểu ảnh hưởng của “Brexit” như một sự cố khách quan, bất khả kháng, thì những điều các doanh nghiệp Việt Nam có thể làm hiện nay vẫn là theo dõi sát tình hình và thích nghi với các thay đổi đang diễn ra

EU là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ, nhưng theo Bộ Công Thương, Anh với tư cách là một đối tác riêng biệt chỉ chiếm khoảng 2,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Việt Nam xuất khẩu vào Anh khoảng 5 tỉ bảng Anh/năm, chiếm khoảng 0,5% kim ngạch nhập khẩu của nước này. 

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết: Cơ cấu hàng xuất khẩu vào Anh của Việt Nam khá tương đồng với EU, chủ yếu là các mặt hàng điện thoại, thủy sản, may mặc, giày dép… Anh là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam trong EU, sau Đức và Hà Lan. Đặc biệt, Anh là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam trong khối EU và hiện là một trong số ít thị trường có tăng trưởng. 

Dệt may Việt Nam, tuy đã có đơn hàng đến hết quý III, vẫn đang rất thận trọng về "Brexit".

Do vậy, việc ảnh hưởng đến thương mại là không thể tránh khỏi. Trước hết, do ảnh hưởng của đồng bảng Anh mất giá sẽ khiến hàng hóa Việt Nam vào Anh trở nên đắt đỏ hơn, ảnh hưởng đến việc tiêu thụ.

Đơn cử mặt hàng dệt may, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, chiếm khoảng 26% tổng kim ngạch. Được biết, hiện các DN xuất khẩu sang thị trường EU đã có đơn hàng đến quý III/2016, nhưng dự kiến áp lực cạnh tranh sẽ cao hơn do đồng bảng Anh, euro mất giá. Áp lực về chi phí là nhãn tiền cho các DN Việt. Điều tương tự cũng sẽ xảy ra với các ngành hàng khác. 

Theo TS Lê Đăng Doanh, xuất khẩu vào Anh nói riêng và EU nói chung sẽ giảm sút, bởi cả tác động trực tiếp lẫn gián tiếp. Theo dự báo, tình hình bất ổn hiện nay sẽ khiến kinh tế Anh tăng trưởng chậm, thậm chí giảm sút trong một số năm. Thu nhập bình quân một hộ gia đình của nước Anh cũng sẽ bị giảm sút (hiện ở mức 25.000 bảng Anh/năm và dự báo giảm khoảng 5.000 bảng Anh/năm) sẽ khiến sức mua giảm. Các nhà xuất khẩu cần theo dõi sát các diễn biến này.

Tuy nhiên, theo đại diện Bộ Công Thương, hiện cũng chưa có thống kê nào rõ ràng về các hợp đồng thương mại với Anh là bằng đồng bảng hay đồng đôla Mỹ, nên việc đánh giá ảnh hưởng còn khá mơ hồ. 

Thêm vào đó, cần nhấn mạnh rằng việc Anh “chia tay” EU mới dừng lại ở việc có kết quả trưng cầu dân ý, mọi thủ tục pháp lý dự kiến sẽ phải được tiến hành trong 2 năm tới trước khi có bất cứ thay đổi gì chính thức. Do đó, những ảnh hưởng tức thời chủ yếu do tác động tâm lý, và hiện đang có xu hướng ổn định trở lại sau cú sốc. Vấn đề hiện nay là chuẩn bị các phương án để đối phó với tác động lâu dài.

Một bất lợi khác có thể xảy ra được ông Trần Thanh Hải đề cập là Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) của EU chưa biết sẽ được áp dụng ra sao. Chương trình này của EU nhằm khuyến khích xuất khẩu từ các nước đang phát triển vào thị trường này thông qua miễn, giảm thuế nhập khẩu là một trong những thuận lợi lớn mà Việt Nam đang được hưởng. 

Việc Anh tách ra khỏi EU chưa rõ có ảnh hưởng gì đến việc áp dụng quy chế này cho hàng nhập khẩu từ Việt Nam vào Anh hay không. Ảnh hưởng tiêu cực của “Brexit” đến thương mại Việt Nam có thể đến từ việc trì hoãn tiến độ ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). 

Việc bản thân châu Âu còn đang rối bời trước các công việc nội bộ của mình sẽ khiến họ không còn tâm trí để ý đến các vấn đề khác. Hiện EVFTA mới ở giai đoạn kết thúc đàm phán và tiến hành rà soát pháp lý để đi đến ký kết chính thức. 

“Không bị biến động quá lớn bởi ảnh hưởng tâm lý như thị trường tài chính, ngân hàng; nhu cầu về hàng hóa vốn cũng ít thay đổi, nhưng ảnh hưởng lên xuất nhập khẩu chắc chắn là có. Đây là một biến động khách quan, không thể lường trước, cũng không tránh đi đâu được, nên cách ứng xử tốt nhất là thích nghi với nó, đồng thời theo dõi chặt chẽ các động thái” – ông Trần Thanh Hải chia sẻ.

Ngoài ra, lường trước những biến động có thể có về mặt thủ tục, đại diện Bộ Công Thương cũng cảnh báo các DN nên tìm những con đường ngắn nhất, tiết kiệm chi phí nhất để xuất hàng vào Anh nói chung và châu Âu nói riêng. 

Theo những diễn biến mới nhất được cập nhật, hiện các nước EU đang hối thúc Anh sớm thực hiện quy trình rời EU, kích hoạt điều 50 Hiệp ước Lisbon để các nước còn lại có thể tính đến tương lai “không có Anh” trong khối. 

Tuy nhiên, Thủ tướng Anh David Cameron, người tuyên bố sẽ từ nhiệm chậm nhất vào tháng 10 tới, cho biết người kế nhiệm ông sẽ thực hiện việc này, nên từ nay đến thời điểm đó, thế giới sẽ tiếp tục phải nín thở theo dõi tình hình.

V.Hân

Sau bao năm sống trong những ngôi nhà tạm bợ, dột nát, giờ đây hàng nghìn hộ dân ở Đắk Lắk đã có được những căn nhà mơ ước. Những căn nhà không chỉ nhận được sự hỗ trợ, quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhà hảo tâm mà ở đó, còn có những giọt mồ hôi, những tình cảm sâu sắc của hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ ở địa phương...

Các chính sách liên quan đến việc quy hoạch, bố trí quỹ đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư… chưa đồng bộ khiến nhà ở chưa phát triển mạnh, ảnh hưởng đến mục tiêu xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030 theo đề án của Chính phủ. Đây là những đánh giá của các nhà quản lý, các chuyên gia tại toạ đàm “Giải pháp đảm bảo có ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội”: Vấn đề thực hiện chính sách do Báo Nông thôn ngày này (Danviet.vn) tổ chức ngày 1/4.

Sáng nay (1/4), một tổ công tác của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã đến thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) thực thi lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Nguyễn Tiến Hải (SN 1985, trú ở thôn 4, xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An) về hành vi gây rối trật tự công cộng theo quy định tại điều 318 BLHS.

Bộ Công an đã xác định “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” là tổ chức khủng bố, phản động lưu vong. Mặc dù thời gian qua, nhiều đối tượng tham gia tổ chức này đã bị cơ quan Công an xử lý nghiêm nhưng vì sự mù quáng, sự ảo tưởng nên nhiều đối tượng khác vẫn bất chấp pháp luật để móc nối, viết đơn xin gia nhập vào tổ chức này.

30/4 năm nay đánh dấu mốc chặng đường 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Bắc Nam sum họp một nhà. Để có được niềm hạnh phúc cho ngày thống nhất ấy, không biết bao nhiêu công sức, máu xương của các thế hệ cha anh đã hy sinh vì Tổ quốc.

Ngày 1/4, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, đơn vị vừa nhận được phản hồi từ người dân là anh Hoàng Thanh Bình (trú ở 289 Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội) về việc CBCS kịp thời giúp đỡ con anh là cháu Hoàng Quý A. bị lạc đường về với gia đình.

“Ngày giải phóng” là cách gọi mà Tổng thống Donald Trump đặt cho thời điểm Mỹ sẽ bắt đầu áp dụng thuế quan đối ứng nhắm đến tất cả các quốc gia. Theo dự kiến, thuế đối ứng sẽ được Nhà Trắng công bố vào ngày 2/4 tới. Các nhà kinh tế nhận định, động thái này là cao trào của chính sách thương mại “Nước Mỹ trên hết” - sắc lệnh hành pháp mà ông Trump đã ký ngay trong ngày đầu nhậm chức, với mục tiêu khôi phục lĩnh vực công nghiệp sản xuất của Washington.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.