An toàn thực phẩm trong những ngày cao điểm nắng nóng: Xử lý nghiêm cơ sở vi phạm
Miền Trung đang bước vào đợt cao điểm nắng nóng, đây cũng là thời điểm liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại các tỉnh, thành phố. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến ngộ độc thực phẩm xuất phát từ việc chủ các cửa hàng kinh doanh, mua bán các loại thực phẩm trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trước thực trạng này, lực lượng Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm cơ sở kinh doanh thực phẩm bẩn để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP).
Thực hiện kế hoạch Tháng hành động vì ATTP năm 2024 (diễn ra từ ngày 15/4 đến 15/5) với chủ đề “Tiếp tục bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới” do tỉnh Thừa Thiên Huế phát động, thời gian qua, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã bố trí lực lượng tăng cường kiểm tra, theo dõi hoạt động mua bán các loại hoàng hóa thực phẩm liên quan đến thịt động vật, gia cầm. Qua đó đã phát hiện, bắt quả tang nhiều chủ cơ sở kinh doanh, chủ kho đông lạnh đóng tại các địa phương có hành vi kinh doanh, tàng trữ thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Mới đây nhất, vào sáng 25/4 vừa qua, tổ công tác Đội Phòng ngừa, điều tra án kinh tế, tham nhũng, môi trường trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, thương mại và các lĩnh vực khác, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp với Công an huyện Quảng Điền kiểm tra kho hàng hóa thực phẩm đông lạnh tại đường Nguyễn Vịnh (tổ dân phố Vĩnh Hòa, thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền). Tại thời điểm kiểm tra, tổ công tác phát hiện bên trong kho đông lạnh này cất giữ 2,4 tấn thịt gia cầm gồm đùi gà, chân gà, cánh gà, gà nguyên con. Số thực phẩm này được chủ cơ sở bọc trong túi nilon và bảo quản trong thùng carton giấy ghi nhãn hiệu tiếng nước ngoài. Dù kinh doanh số lượng lớn thực phẩm thịt gia cầm nhưng chủ kho hàng là bà Nguyễn Thị Thanh Tâm (trú tại tổ dân phố An Gia, thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ số hàng hóa trên. Nhận thấy số thực phẩm đông lạnh này không đảm bảo vệ sinh ATTP, có nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe con người khi sử dụng nên tổ công tác đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng hóa để xử lý theo quy định.
Làm việc với cơ quan Công an, bà Tâm khai nhận bắt đầu kinh doanh thịt gà đông lạnh từ tháng 1/2024 đến nay. Do nhận thấy nhu cầu của thị trường tiêu thụ về mặt hàng gà đông lạnh trong thời gian gần đây gia tăng nên chủ cơ sở này đã đặt mua số thực phẩm trên từ những người buôn bán ở ngoại tỉnh nhưng không có hoá đơn chứng từ kèm theo, sau đó vận chuyển về địa phương để bán kiếm lời. Số thực phẩm này được bán lẻ cho khách hàng và các hộ kinh thực phẩm tại nhiều chợ trên địa bàn huyện Quảng Điền và các huyện thị lân cận.
Một cán bộ Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, do đang gần đến mùa hè, là thời điểm các địa phương trên địa bàn tỉnh đón số lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng nên nhu cầu tiêu thụ thực phẩm, sản phẩm thịt động vật, gia cầm tăng cao. Lợi dụng điều này, nhiều chủ cơ sở, chủ kho đông lạnh đã tranh thủ gom hàng, mua thực phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc xuất xứ trên thị trường để về bán lẻ, phục vụ kinh doanh, gây mất vệ sinh ATTP.
Ngoài cơ sở của bà Tâm, vừa qua, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiến hành khám xét kho hàng hóa thực phẩm đông lạnh của ông Lương Hùng Minh (trú ở thôn La Khê, Phường Hương Vinh, TP Huế). Qua đó phát hiện tại kho hàng lưu trữ số hàng hóa để buôn bán có dấu hiệu vi phạm gồm thịt lợn, nội tạng lợn với số lượng hơn 3 tấn. Tại thời điểm kiểm tra, ông Minh không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, không có giấy tờ chứng nhận đảm bảo vệ sinh ATTP, không thực hiện việc đóng dấu kiểm soát giết mổ lên thân thịt gia súc hoặc có dán tem vệ sinh thú y. Trong đó, một số thịt động vật có dấu hiệu đổi màu, bốc mùi hôi thối.
Ngay sau đó, cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế đã lấy 5 mẫu gồm 2 mẫu phổi động vật và 3 mẫu thịt lợn tại kho thịt đông lạnh của ông Minh để tiến hành xét nghiệm vi khuẩn hiếu khí (theo tiêu chuẩn Việt Nam 4884:2005). Kết quả xét nghiệm cả 5 mẫu đều không đạt mức vệ sinh ATTP. Các mẫu kiểm tra vượt mức giới hạn cho phép từ 2,2 đến 3,9 lần. Đối với loại vi khuẩn E.coli (xét nghiệm theo Tiêu chuẩn Việt Nam 5155:1990 về thịt và sản phẩm của thịt), cả 5 mẫu đều cao gấp nhiều lần so với giới hạn, trong đó có mẫu kiểm tra vượt gấp 60 lần giới hạn cho phép. Theo cơ quan chức năng, những loại thịt động vật có chứa các loại vi khuẩn vượt ngưỡng như trên nếu ăn vào sẽ gây hại cho sức khỏe con người, gây ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy, thương hàn.
Tương tự, tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh thịt gia súc, gia cầm và sản phẩm từ gia súc, gia cầm do ông Nguyễn Công Quốc Hào (trú tổ dân phố Địa Linh, phường Hương Vinh, TP Huế) làm chủ, lực lượng Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thừa Thiên Huế phát hiện cơ sở này chứa tổng cộng 744 kg da bò, giò bò, xương bò, ngẫu pín bò. Toàn bộ sản phẩm này đều không có dấu kiểm soát giết mổ, không có tem vệ sinh thú y, bao bì đánh dấu qua kiểm tra vệ sinh thú y nên cơ quan Công an tiến hành lập biên bản xử lý. Với hành vi vi phạm trên, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ra quyết định xử phạt hành chính ông Nguyễn Công Quốc Hào số tiền hơn 29,8 triệu đồng.
Trước tình trạng có nhiều cơ sở kinh doanh thực phẩm bất chấp vi phạm để thu lợi nhuận vào mùa cao điểm nắng nóng như hiện nay, nhằm đảm bảo vệ sinh ATTP cho người dân địa phương và du khách khi đến Cố đô Huế du lịch, hiện lực lượng Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang tích cực phối hợp với các sở ngành, các đơn vị chức năng đóng trên địa bàn tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, ATTP. Qua đó kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, kịp thời xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về vệ sinh ATTP, gây hại sức khỏe người tiêu dùng.