Bán sách giáo khoa giả trên mạng xã hội và những hệ lụy

07:11 07/09/2024

Tình trạng in lậu, làm sách giả và gian lận thương mại trong lĩnh vực xuất bản, phát hành sách, nhất là sách giáo khoa đang gia tăng dưới nhiều hình thức. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động xuất bản, mà còn tác động tiêu cực đến việc tiếp cận tri thức của các em học sinh và mọi tầng lớp trong xã hội.

Lo lắng vì mua phải sách giáo khoa giả, nhái

Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, hiện nay, tình trạng sản xuất, kinh doanh buôn bán sách giáo khoa, sách tham khảo, các loại truyện tranh, các loại đồ dùng học tập giả mạo về nhãn hiệu, kém chất lượng diễn ra phổ biến. Những sản phẩm sách giáo khoa giả, sách in lậu thường có những sai sót về màu sắc, ký hiệu, nét chữ, kiến thức, hay bị thiếu dữ liệu, không cập nhật thông tin sẽ dẫn đến sai lệch về nội dung (đường nét biên giới, vấn đề biển đảo), ảnh hưởng đến kiến thức tiếp nhận của học sinh.

Bên cạnh đó, các loại sách giả, sách in lậu thường có chất lượng giấy in thấp, in bị mờ không đảm bảo quy cách tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất của học sinh, nhất là về thị lực. Sử dụng xuất bản sản phẩm giáo dục giả, học sinh sẽ không thể truy cập và sử dụng online được các giá trị, tư liệu, tiện ích bổ sung, hỗ trợ cho học sinh.

Lực lượng QLTT tỉnh Hưng Yên kiểm tra cơ sở bán sách và đồ dùng học sinh trên địa bàn trong kỳ khai giảng năm học mới.

Ông Hoàng Văn Giang, Phòng Nghiệp vụ - Tổng hợp, Cục QLTT Hưng Yên cho biết, không chỉ bày bán ở các cửa hàng, hiện nay, có tình trạng sách giả, sách lậu được rao bán, quảng cáo công khai, tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội, như Facebook, Zalo, TikTok. Nhiều người vì sự tiện lợi, giá rẻ đã đặt mua để rồi nhận về những cuốn sách kém chất lượng, vi phạm bản quyền.

Trên nền tảng TikTok, vào các buổi tối, nhiều tài khoản thực hiện livestream (phát trực tiếp) bán sách, với lời quảng cáo “giờ vàng giá sốc, giảm đến 50% cho sách hot trong ngày”. Ngoài việc rao bán từng cuốn, người bán còn tạo ra những combo, kết hợp nhiều quyển sách với nhau cho một lần mua. Chỉ bằng một vài thao tác đơn giản trên máy tính hay điện thoại thông minh sẽ hiện rất nhiều sản phẩm về sách, người mua dễ dàng hoàn thành mọi giao dịch.

Truy cập vào một số trang (fanpage) bán sách trên Facebook như: “Sách hay mỗi ngày”; “Hội săn sách giảm giá”;…, sẽ thấy nhiều cuốn sách hay đã được người bán quảng cáo giảm giá từ 50 đến 80%. Ngoài việc “giảm giá sâu”, người bán còn tạo các combo hấp dẫn như mua 5 cuốn tặng 1; mua 10 cuốn tặng 1 + đèn mini + bookmark.

“Nhiều fanpage mang tên ảo thực tế là bán sách giả, sách lậu. Thậm chí có những fanpage còn sử dụng hình ảnh đại diện là logo của nhà xuất bản, đăng lại nội dung các bài viết từ trang web chính thức của nhà xuất bản để tạo lòng tin của khách hàng. Nhiều người không biết đây là trang giả mạo nên đã mua phải sách giả, sách lậu, chất lượng kém và vi phạm bản quyền”, ông Hoàng Văn Giang chia sẻ.

Độc giả là nhân tố quyết định trong cuộc chiến chống sách giả

Theo Tổng cục QLTT, từ đầu năm 2024 đến nay, cơ quan chức năng đã phát hiện, thu giữ hàng trăm ngàn xuất bản phẩm giả mạo bao bì, nhãn hàng hóa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và một số nhà xuất bản khác. Nổi cộm là các vụ phát hiện gần 80.000 quyển sách giáo khoa giả mạo bao bì, nhãn của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tại tỉnh Hậu Giang; thu giữ 34.000 quyển sách giáo khoa giả mạo nhãn hàng hóa tại tỉnh Đồng Nai; phát hiện, thu giữ 5.500 quyển sách giáo khoa giả tại tỉnh Tây Ninh.

Bên cạnh sách in thì trên các nền tảng số, sách nói (audio book) và sách điện tử (ebook) cũng dễ dàng bị sao chép qua các trang web, ứng dụng di động, các nền tảng trực tuyến. Nhiều nội dung sách được mua bán, trao đổi, chia sẻ mà không có sự cho phép của tác giả hoặc nhà xuất bản.

Có thể thấy, sách lậu, sách giả không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế, uy tín của các nhà xuất bản, công ty phát hành sách, tác giả, mà còn gây thiệt hại cho cả người mua, người đọc. Nhiều cuốn sách giả, sách lậu không qua kiểm định chất lượng, không được thẩm định nội dung, có những nội dung thông tin sai lệch, đã tác động tiêu cực đến việc tiếp nhận thông tin của người đọc. Việc tải sách lậu từ các nguồn không đáng tin cậy về máy tính cá nhân, điện thoại thông minh còn có thể khiến người dùng bị lộ, lọt thông tin cá nhân.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, nếu sử dụng sách giả, sách lậu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của học sinh, bởi sách lậu sách giả thường được làm bằng loại giấy/mực in kém chất lượng, thậm chí là vô cùng độc hại. Trước vấn nạn sách lậu, sách giả, đại diện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam khuyến cáo, các bậc phụ huynh hãy tìm những địa chỉ nhà sách uy tín, các đơn vị thành viên của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trên toàn quốc, hoặc truy cập vào trang web chính thức của các nhà sách để mua sách.

Bên cạnh đó, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã công bố các địa chỉ bán sách lậu, sách giả mạo để người tiêu dùng được biết. Đồng thời, để thích nghi với thị trường, bên cạnh phát hành sách tại các cửa hàng, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng phát hành sách qua các nền tảng số, để ngăn chặn tình trạng cạnh tranh sách giả, sách lậu trên nền tảng số. Trong thời gian tới, Nhà xuất bản sẽ đẩy mạnh phương thức phát hành online để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người dân.

Ông Nguyễn Đức Lê cũng cho biết, sách giả, sách lậu không chỉ gây thiệt hại kinh tế cho các nhà xuất bản và tác giả, mà còn ảnh hưởng đến uy tín quốc gia khi tham gia Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật. Do đó, nhân tố quyết định trong cuộc chiến chống sách giả chính là độc giả - những người bỏ tiền mua sách. Chỉ khi khách hàng, người đọc ý thức được việc mua và đọc sách thật là hành vi văn hóa và tôn trọng pháp luật, bảo vệ lợi ích chính đáng của mình và cộng đồng, xã hội thì nạn sách giả, sách lậu mới được dẹp bỏ.

Trong thời gian tới, Tổng cục QLTT tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các nhà xuất bản, doanh nghiệp và các tổ chức giáo dục để nâng cao hiệu quả của công tác chống hàng giả. Bên cạnh đó, lực lượng QLTT sẽ tập trung truy quét ổ nhóm sản xuất, buôn bán sách giáo khoa giả, sách lậu, góp phần làm lành mạnh thị trường.

Lưu Hiệp

Trong khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện nghiêm Nghị quyết số 115/2018/NQ-CP, trong nghị quyết có nội dung cho các dự án năng lượng mặt trời tại tỉnh Ninh Thuận được hưởng giá bán ưu đãi, nhưng cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng vẫn ký văn bản gửi dự thảo tờ trình mà không đề cập đến giá điện mặt trời...

Mới đây, các nhà đàm phán của phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas đã tái khẳng định việc sẵn sàng thực thi thỏa thuận ngừng bắn ngay lập tức với Israel ở Dải Gaza dựa trên đề xuất của Mỹ mà không cần bất kỳ một điều kiện mới nào.

Chung cư tăng giá, cùng với nhiều yếu tố tác động khác đến thị trường bất động sản khiến nhà đất thổ cư trong các con ngõ nhỏ, giá cũng đang tăng nhanh. Theo khảo sát của nhiều đơn vị nghiên cứu thị trường thì hiện nay, tại Hà Nội việc tìm kiếm những căn nhà trong ngõ với mức giá 3 - 4 tỷ đồng cũng không dễ. Nguyên nhân được cho là cung đang thấp hơn cầu, cùng với đó tâm lý người mua nhà, nhà đầu tư cũng đang có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, sẽ không "tăng nóng" giống nhà chung cư, nhà đất thổ cư sẽ tăng giá đều và ổn định.

Được xác định là đất nông nghiệp xen kẹt, sử dụng ổn định từ năm 1993 đến nay, đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thế nhưng mọi người bất ngờ được thông báo thu hồi với mức giá đền bù chỉ 252 nghìn đồng/m2. Nhiều lần, 50 hộ dân có đất bị thu hồi ở khu vực Gò Ba Xã (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã gửi đơn kiến nghị đến các cấp chính quyền Hà Nội nhưng không được giải quyết. Không những thế, theo phản ánh của người dân, đầu tháng 8/2024, họ tiếp tục có thông báo về việc thu hồi đất. Và khi người dân khiếu nại, phía chính quyền quận Thanh Xuân đã lảng tránh, không tiếp nhận đơn khiếu nại, không ký biên bản làm việc tiếp dân.

Thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, trong đêm qua đến sáng sớm nay (13/9), khu vực Nam đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình, khu vực từ Thanh Hóa đến Bình Định, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa nhiều nơi trên 40mm như: Bình Cảng (Hòa Bình) 76.8mm, Phú Lãm (Hà Nội) 40.4mm, Hiền Chung (Thanh Hóa) 69.8mm, Ba Nam (Quảng Ngãi) 107mm, Bồng Sơn (Bình Định) 82.5mm, Đăk Tơ Lung (Kon Tum) 102.2mm, Mỹ Đức (Lâm Đồng) 77.8mm…

Đêm 9/9, dường như cả nước thao thức cùng người dân vùng lũ lụt Thái Nguyên, Yên Bái, Phú Thọ... mong cầu bình an. Những ngày qua, người dân cả nước xót lòng trước hậu quả của bão số 3 đổ bộ vào các tỉnh phía Bắc. Giữa khung cảnh tiêu điều, ngập lụt, ngổn ngang do cơn bão hoành hành, người ta thấy ấm lòng trước những nghĩa cử cao đẹp, sự cưu mang, đùm bọc của đồng chí, đồng bào.

Tháng 9 này, không chỉ có các em tới trường, không khí náo nức của năm học mới đã len lỏi vào cuộc sống. Công bằng mà nói, ít có lĩnh vực nào thẩm thấu vào đời sống tinh thần của xã hội như giáo dục. Bởi lẽ, trong những mái trường đâu chỉ có con em chúng ta đang theo học cấp này, lớp kia mà là tất cả niềm tin, niềm hy vọng vào các chủ nhân tương lai của đất nước.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文