Bình quân 7 tháng, giá xăng dầu trong nước tăng 49,75%
Ngày 29/7, Tổng cục Thống kê công bố số liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2022. Bình quân 7 tháng năm 2022, CPI tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,44%.
CPI tháng 7/2022 tăng 0,4% so với tháng trước. So với tháng 12/2021, CPI tháng 7/2022 tăng 3,59% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,14%. Bình quân 7 tháng năm 2022, CPI tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,44%.
So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 7/2022 tăng 3,14%. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 9 nhóm tăng giá và 2 nhóm giảm giá.
Cũng trong tháng 7, giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Tính đến ngày 25/7, bình quân giá vàng thế giới ở mức 1.737,43 USD/ounce, giảm 5,52% so với tháng 6/2022 do đồng USD mạnh lên và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tuyên bố thắt chặt chính sách tiền tệ.
Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 7/2022 giảm 2,39% so với tháng trước; tăng 6,31% so với cùng kỳ năm 2021; bình quân 7 tháng năm 2022 tăng 6,58%.
Đồng USD trên thị trường thế giới tăng sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất mạnh hơn so với các ngân hàng trung ương khác, với mục tiêu hạ nhiệt lạm phát.
Tổng cục Thống kê chỉ ra, một số nguyên nhân làm tăng CPI trong 7 tháng năm 2022 như: Giá xăng dầu được điều chỉnh 19 đợt. Bình quân 7 tháng, giá xăng dầu trong nước tăng 49,75% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,79 điểm phần trăm...
Bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI, có một số nguyên nhân làm giảm CPI trong 7 tháng năm 2022 như: Giá các mặt hàng thực phẩm 7 tháng năm 2022 giảm 0,07% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI giảm 0,01 điểm phần trăm; trong đó, giá thịt lợn giảm 18,97% (tháng 7/2022, giá thịt lợn tăng trở lại do giá thức ăn chăn nuôi tăng, nhưng tính chung 7 tháng năm 2022 giá thịt lợn giảm); giá nội tạng động vật giảm 8,71%; giá thịt chế biến giảm 3,36%.