Các tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long quyết tâm chống khai thác IUU

15:13 09/07/2023

Thực hiện kế hoạch cao điểm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), các tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn hành vi khai thác thủy sản trái phép; hướng tới gỡ cảnh báo “thẻ vàng" IUU của Ủy ban châu Âu (EC), góp phần phát triển ngành thủy sản Việt Nam nói chung, ĐBSCL nói riêng bền vững, đảm bảo lợi ích người dân và quốc gia.

Sau cuộc họp lần thứ 7 (ngày 1/6/2023) của Ban chỉ đạo Quốc gia về IUU, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã dẫn đầu đoàn công tác đi kiểm tra ở hai tỉnh Kiên Giang và Cà Mau. Qua kiểm tra, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo là Bộ NN&PTNT ghi nhận 2 tỉnh này có nhiều  tiến bộ rõ rệt về giám sát đội tàu, chứng nhận về truy xuất nguồn gốc, lắp đặt giám sát hành trình đạt 100%. Tuy nhiên, còn một số tồn tại, hạn chế như còn tình trạng tàu cá của ngư dân địa phương bị nước ngoài bắt giữ, vi phạm IUU trên biển còn nhiều nhưng kết quả kiểm tra xử phạt vi phạm còn ít. Việc lắp đặt giám sát hành trình đạt 100% nhưng tình trạng ngắt kết nối để cố tình trốn tránh giám sát của cơ quan thẩm quyền vẫn xảy ra phổ biến, chưa có giải pháp xử lý tàu cập bến cảng cá không được chỉ định để bốc dỡ thuỷ sản…

Tàu cá neo đậu tại Cảng cá Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng).

Tỉnh Kiên Giang hiện có khoảng 9.515 tàu cá đã đăng ký. Trong đó 4.277 tàu có chiều dài từ 6m đến dưới 12m; 1.540 tàu có chiều dài từ 12m đến dưới 15m và 3.698 tàu có chiều dài từ 15m trở lên. Với quyết tâm trong năm nay Kiên Giang không còn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành yêu cầu các sở, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp đã phân công theo Kế hoạch số 76/KH-UBND. Các địa phương, ngành xây dựng kế hoạch đón tiếp và làm việc với đoàn thanh tra EC lần thứ 4 về chống khai thác IUU. 

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đề nghị địa phương có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài thực hiện nghiêm túc việc kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 265/CĐ-TTG, ngày 17-4-2023. 

Các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL đã có nhiều giải pháp ngăn chặn hành vi khai thác IUU. 

Cà Mau có 4.278 tàu cá, trong đó có 1.555 tàu cá khai thác vùng khơi. 100% tàu cá hoạt động khai thác thuỷ sản trên biển đều lắp thiết bị giám sát hành trình, đánh dấu tàu cá theo quy định. Phó chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản Cà Mau Nguyễn Việt Triều cho biết, hàng tuần Chi cục đều lập danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU gửi các địa phương theo dõi, quản lý.

Cà Mau đã đưa vào danh sách 1.777 tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU gửi các địa phương theo dõi, quản lý. Ðến nay, còn 408 tàu cá còn trong danh sách có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU; có 1.369 tàu cá được đưa ra khỏi danh sách này. Kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập bến tại các trạm kiểm soát biên phòng với 22.959 lượt tàu/114.673 lượt người ra biển hoạt động; theo dõi, giám sát 24/7 tại hệ thống giám sát tàu cá, đảm bảo kiểm soát 100% tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên hoạt động trên biển. Các cơ quan chức năng của tỉnh đã phát hiện, xử phạt 62 vụ vi phạm về khai thác thuỷ sản, với số tiền 1,6 tỷ đồng (vi phạm về khai thác IUU 35 vụ/1,2 tỷ đồng; vi phạm về thiết bị giám sát hành trình 9 vụ/641 triệu đồng), với 100% vụ việc vi phạm được xử lý theo quy định... 

Các đội tàu khai thác thuỷ sản không những thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm, mà còn thể hiện vai trò quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển.

Bến Tre có 3.442 tàu, trong đó có 2.054 tàu khai thác xa bờ. Tỉ lệ tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên đang hoạt động được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đánh dấu tàu cá theo quy định đạt 98%; số tàu còn lại chưa lắp đặt thuộc diện ngưng hoạt động, nằm bờ. Theo Sở NN&PTNT Bến Tre, tàu khai thác của tỉnh chủ yếu đánh bắt bằng lưới kéo, chiếm 68,5% tàu cá toàn tỉnh; hoạt động tập trung chủ yếu ở các vùng biển giáp ranh phía Nam và Tây Nam Bộ. Một vấn đề khó khăn hiện nay trong quản lý tàu cá là tỉnh có khoảng 500 tàu thường xuyên hoạt động, neo đậu, bốc dỡ hàng hóa ở tỉnh Cà Mau không về Bến Tre.

Tiền Giang hiện có đội tàu đánh bắt xa bờ 969 chiếc đang hoạt động trên biển, trong đó 100% đều đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Số còn lại chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình nằm trong diện bị chìm, cháy hoặc nằm bờ chưa tham gia khai thác. Sở NN&PTNT Tiền Giang đã phối hợp cùng các cấp, các ngành hữu quan thành lập các đoàn thanh tra chuyên ngành tổ chức các cuộc thanh tra thường xuyên, thanh tra đột xuất về quản lý tàu cá kiểm tra chặt chẽ việc tuân thủ các quy định về phòng, chống khai thác IUU.

Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng đã phối hhợp cùng Sở TT&TT tăng cường tổ chức kiểm tra tình trạng kết nối của các thiết bị nhằm xác định rõ nguyên nhân xảy ra lỗi mất kết nối. Tính đến nay, tất cả tàu cá có chiều dài trên 15m của tỉnh đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, việc cung cấp các dịch vụ được đảm bảo liên tục, hiệu quả.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sóc Trăng cũng chỉ đạo các đồn, trạm, hải đội tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật và Luật Thủy sản 2017 đến ngư dân tham gia hoạt động nghề cá. Nhờ vậy, hiện 368 tàu cá đánh bắt xa bờ ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài cũng như những quy định liên quan chống khai thác IUU. Các tàu cá ra, vào cảng đều thực hiện khai báo theo quy định và cơ bản chấp hành tốt việc ghi chép nhật ký khai thác.

Riêng tỉnh Bạc Liêu, ngày 6/5, Đoàn công tác của Tỉnh ủy do Bí thư Tỉnh ủy Lữ Văn Hùng làm trưởng đoàn đã có chuyến kiểm tra thực tế công tác tuần tra, kiểm soát trên ngư trường của tỉnh. Toàn tỉnh có 1.020 tàu đã đăng ký. Trong đó, tàu có chiều dài từ 15m trở lên là 451 chiếc; tỉnh cũng đã cấp phép khai thác thủy sản cho 444/451 tàu có chiều dài từ 15m trở lên; 425/425 tàu cá đã được lắp đặt giám sát hành chình; lập danh sách 323 tàu có nguy cơ vi phạm thác thác IUU để tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở và xử lý theo quy định...

Đức Văn

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai ngày 21/11 cho biết vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo môi giới hôn nhân với người nước ngoài… Đây chỉ là một trong những vụ án được Công an tỉnh Lào Cai điều tra, phát hiện trong thời gian qua. Theo Công an tỉnh Lào Cai, từ khi Chính phủ áp dụng chính sách cấp visa điện tử (Evisa) cho người nước ngoài, số người Trung Quốc dùng thị thực Evisa nhập cảnh Việt Nam tăng lên. Một số đã khai mục đích du lịch hoặc làm việc để sang Việt Nam tìm vợ… Từ các vụ án được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文